Tòa soạnThư đi – tin lại

Ngôi nhà dành cho trẻ đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Các học viên của Trường Sesame đang phục vụ bánh tại một buổi lễ. Ảnh: I.T

Đối với những thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có cơ hội để theo đuổi con đường học vấn thì mong ước có một nghề nghiệp ổn định, tự tin hòa nhập với xã hội là điều các em luôn tha thiết. Trường Sesame có thể coi là một mô hình ý nghĩa khi đã đào tạo nghề miễn phí và giáo dục kỹ năng sống, giúp các em thực hiện mong ước của mình.
Cửa đời rộng mở
Trường Sesame, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (còn gọi là Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TP) tiền thân là Trường Nghiệp vụ Nhà hàng cho trẻ em đường phố, được hình thành từ sự gặp gỡ ngoại giao giữa Ủy ban Nhân dân TP.HCM và vùng Rhône – Alpes (Pháp). Cho đến nay, Trường Sesame đã đào tạo nghề miễn phí, tạo cơ hội việc làm cho hơn 1.300 học viên có hoàn cảnh khó khăn, con em hộ gia đình nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em sống trong các mái ấm tình thương và con em gia đình thuộc diện chính sách. Em Tăng Ngọc Phúc (SN 1992) chia sẻ: “Nếu không được các cô trong Hội Phụ nữ P.12, Q.6 giới thiệu vào Trường Sesame thì có lẽ giờ đây, cuộc sống của em và mẹ còn khó khăn lắm”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Sesame, Phúc được nhận về làm nhân viên pha chế tại một nhà hàng ở Q.1. Hình ảnh hai mẹ con dắt díu nhau từ miền Tây lên TP.HCM tìm kế mưu sinh vào năm 2000 mãi còn trong ký ức của Phúc. “Em được học nghề, có việc làm ổn định như vậy là sướng lắm rồi. Hồi trước, nhiều khi hai mẹ con phải ăn mì tôm suốt mấy ngày liền. Khi đó, em chỉ  mong ước là có một cái nghề, có tiền để nấu cho mẹ bữa ăn ngon” – Phúc tâm sự. Căn phòng trọ của hai mẹ con ở Q.6 giờ đã rộn ràng tiếng cười vui khi Phúc có thu nhập ổn định.
Giống như Phúc, Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1989) cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ba mất sớm, mẹ nợ nần rồi bỏ trốn, Bích sống với bà ngoại đã già yếu ở Q.8. Trước khi được giới thiệu về Trường Sesame, Bích nổi tiếng quậy phá vì em trải qua những cú sốc gia đình quá lớn, thiếu bàn tay chăm sóc của ba mẹ. Thời gian được học ở Trường Sesame đã giúp Bích được rèn luyện, có cơ hội học nghề làm bánh Âu. Hiện giờ, Bích cũng đã có công việc ổn định tại một cửa hàng bánh Pháp ở Q.3. “Lần đầu tiên tự tay mình làm ra một chiếc bánh, em về khoe với ngoại. Ngoại em vui lắm” – Bích hồn nhiên kể.
Câu chuyện mưu sinh của nhiều thanh thiếu niên trước khi được vào Trường Sesame đôi khi còn là máu, nước mắt và những tệ nạn bủa vây vì nhiều em phải sống lang thang nơi hè phố. Cánh cửa vào đời sẽ rộng mở hơn nếu các em có cơ hội được học nghề, được phát huy hết khả năng của mình.
Cơ hội hòa nhập xã hội
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Sesame cho biết: “Nhà trường chỉ đào tạo và hỗ trợ những học viên thật sự mong muốn học tập và theo đuổi các ngành nghề học yêu thích mà các em đã chọn”. Hiện nay, trường đào tạo 4 nghề gồm: Phụ bếp; làm bánh Âu; phục vụ bàn; phục vụ phòng. Ngoài chương trình học nghề, trường luôn tạo mọi điều kiện để các em có cơ hội được tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống. Được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, Trường Sesame miễn hoàn toàn học phí cho học viên trong suốt 12 tháng học ở đây.
Ngoài ra, đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, nhà trường còn có các chế độ chu cấp, thăm hỏi, động viên các em. Nhiều học viên trưởng thành từ ngôi trường này đã gặt hái được những thành công như: Tạ Đình Nhựt (học viên khóa 5), hiện là đầu bếp khách sạn Majestic, nghệ nhân cắt tỉa rau củ quả, giảng viên Trường Đào tạo nghề Quốc tế (VATC), Đoàn Văn Trung (học viên khóa 4) hiện là Phó quản lý tàu Bon Sai… Đặc biệt, Nguyễn Chí Thoại (học viên khóa 1) từ một đứa trẻ lang thang hè phố đã trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh được nhiều người biết đến. Thoại chia sẻ: “Những ngày học tập tại ngôi trường Sesame đã cho mình cơ hội được phục vụ trong những khách sạn 5 sao, có cơ hội giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, nâng cao vốn tiếng Anh mình học bập bẹ từ những ngày còn lang thang nơi hè phố”.
Yên Hà

Bình luận (0)