Ngôi nhà với lối thiết kế kiến trúc đặc biệt, mang một sứ mệnh đặc biệt, và vị trí toạ lạc của nó cũng đặc biệt. Đó chính là ngôi nhà của bác sĩ Yersin ngày xưa đã từng sống và làm việc trên đỉnh núi Hòn Bà – nơi được mệnh danh là một Đà Lạt của thành phố biển Nha Trang.
Tính từ khi bác sĩ Yersin khám phá ra đỉnh Hòn Bà và xây cất căn nhà trên đỉnh núi (từ năm 1915), đến nay đã 95 năm. Ngôi nhà gỗ hai tầng của ông chính là ngôi nhà duy nhất được xây dựng trên đỉnh Hòn Bà cho đến tận bây giờ. Qua thời gian, căn nhà ngày xưa được xây cất bằng gỗ, đã mục nát, chỉ còn lại phần nền là nguyên vẹn. Và để ghi ơn vị bác sĩ đã cống hiến cả đời mình cho khoa học, cho người dân Nha Trang vùng Xóm Cồn, Suối Dầu, một kế hoạch phục chế lại ngôi nhà ngày xưa ấy được thực hiện từ năm 2004, tái tạo lại nguyên bản ngôi nhà của bác sĩ Yersin.
Sân nhà của bác sĩ Yersin khi xưa, nay được tô điểm lại bằng những viên đá xếp mộc mạc, giản dị.
Đường lên Hòn Bà
Gần trăm năm trước, bác sĩ Yersin đã làm cuộc thám hiểm, tìm đường lên núi Hòn Bà bằng con đường mòn trải dài từ vùng Suối Dầu lên đến thượng nguồn, chính là đỉnh Hòn Bà và phát hiện ra ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển này có một vùng khí hậu mát mẻ, rất giống với Đà Lạt, và điều đó phù hợp cho việc gieo trồng cây canhkina lấy giống từ đảo Java, Indonesia, dùng chiết xuất ký ninh phòng bệnh sốt rét.
Cầu thang nằm ngoài ngôi nhà, đem lại cảm giác thân thiện, gần gũi.
Nhiều tài liệu kể lại rằng, sau khi đã khám phá ra đỉnh núi Hòn Bà, Yersin quyết định xây dựng một trại nuôi trồng trên đỉnh núi, và chỉ với sức người, sức ngựa, đi theo đường mòn, ông cho thồ lên đỉnh núi những vật liệu để xây dựng nên ngôi nhà nền đá, ximăng, còn lại các chi tiết khác được làm từ gỗ, với diện tích ngôi nhà chính là 11,4 x 8,7m.
Ngôi nhà gỗ trơ trọi trên đỉnh Hòn Bà
Đường lên đỉnh Hòn Bà ngày nay đã khang trang, dễ dàng với đủ mọi loại phương tiện. Đi theo con đường trải nhựa dài 37km từ Suối Dầu sau khi len lỏi qua các tầng rừng, những con dốc cao, ngoằn ngoèo với độ cao được nâng dần, cho đến khi cuối đường với tấm biển báo độ cao 1.500m chắn ngay trước mặt, và đấy cũng chính là con đường hướng thẳng về mặt tiền ngôi nhà bác sĩ Yersin ngày xưa.
Đường lên đỉnh Hòn Bà
Bỏ lại sau lưng những nắng gió của xứ biển, trước mặt bây giờ là không khí trong lành, mát rười rượi, chỉ có tiếng gió, tiếng chim rừng, phảng phất trong không gian lắng đọng khiến người ta dễ lặng mình hồi tưởng lại những câu chuyện của vị bác sĩ Yersin đáng kính, với những công trình nghiên cứu có ích cho nhân loại nói chung, và cho người dân Suối Dầu vùng Nha Trang nói riêng.
Một chốn bình yên
Giữa bốn bề thanh vắng, ngôi nhà được phục chế gần như nguyên bản với ngôi nhà cũ của bác sĩ Yersin nằm im lìm đó với thời gian. Ngôi nhà này thường được bác sĩ Yersin lui tới để chăm sóc các giống cây thuốc, đặt làm trại quan trắc khí tượng. Với lối thiết kế vô cùng giản dị, gần gũi với mọi người, đúng như tính cách của bác sĩ Yersin. Từ phần sân ngôi nhà, chỉ sau vài bậc cấp bằng đá là đến phần sàn nhà, với điểm nhấn ấn tượng là phần cầu thang được thiết kế nằm ngay ngoài hành lang, đem lại một cảm giác thân thiện, mời gọi.
Những phiến đá trang trí sân vườn, được bác sĩ Yersin tận dụng làm máng trồng cây thuốc và hoa.
Trong câu chuyện phục chế lại ngôi nhà này, chi tiết sắp đặt chiếc cầu thang ban đầu dự tính được bố trí nằm trong nhà, nhưng may mắn khi đến lúc thi công, tác giả phục chế ngôi nhà gỗ này là kiến trúc sư Trần Thiên Hoàng đã nhận được bức ảnh gốc từ bảo tàng viện Pasteur Paris gửi sang với thiết kế cầu thang nằm ngoài ngôi nhà và việc thi công đã được chỉnh sửa lại, cầu thang gỗ kết hợp cùng lan can gỗ tạo thành một khối thống nhất, mộc mạc, nhưng không kém phần tinh tế.
Với kinh phí phục chế toàn bộ ngôi nhà hết 510 triệu đồng, chất liệu gỗ hoàn toàn bằng gỗ sao, phần sau ngôi nhà, nơi nhìn về thành phố Nha Trang, vùng Diên Khánh và Cam Ranh, được lợp kính ở tầng trên theo nguyên bản, là nơi xưa kia bác sĩ Yersin hướng tầm nhìn về phía biển, phục vụ cho những công trình nghiên cứu quan trắc khí tượng, giúp ích cho người dân miền biển Nha Trang theo nghề chài lưới.
Những vết tích quanh ngôi nhà gỗ của bác sĩ Yersin nay vẫn còn khá nguyên vẹn, đó là chiếc bể chứa nước mưa rộng lớn làm âm dưới lòng đất ở phần tiếp giáp với nền nhà, đó là những bồn trồng hoa, trồng thảo dược được tận dụng theo dáng thế từ những tảng đá, tô điểm cho khu vườn quanh ngôi nhà thêm duyên dáng. Cả những chậu đất nung trồng cây thuốc được bác sĩ Yersin đưa về từ các lò gốm Sài Gòn nay vẫn còn nguyên vẹn với thời gian.
Nhiều dự án du lịch mở ra nhắm đến đỉnh Hòn Bà nhằm thu hút khách tìm đến một Đà Lạt giữa phố biển Nha Trang, nhưng xem ra điểm đến này vẫn còn khá xa lạ trong bản đồ du lịch. Chỉ còn đó ngôi nhà gỗ nay đã phủ màu trầm của thời gian, nằm lặng lẽ, bình yên trên đỉnh Hòn Bà quanh năm sương gió bao phủ, như ôm trọn trong lòng những câu chuyện của vị bác sĩ đã cống hiến cả một đời mình đi tìm những phát kiến khoa học có ích cho nhân loại.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình / SGTT
Bình luận (0)