Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngôi nhà “tật nguyền”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chị Thanh và hai đứa con (Hương, Bé) trong căn nhà

Vòng vèo mãi trên những con đường đất, rồi xóm 9 (thuộc xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng hiện ra. Trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé, xập xệ của vợ chồng chị Lê Thị Thanh là một câu chuyện về nghị lực đầy thương cảm.
1. Gần 20 năm lấy nhau là 20 năm vợ chồng chị Thanh sống chung với bất hạnh và nghèo khó. Bất hạnh đầu tiên giáng xuống đầu anh chị vào năm 1994, chị sinh một cặp bé gái Lê Thị Hương và Lê Thị Bé, đều bị bại liệt cả hai chân…
Năm 1997, anh chị sinh thêm cháu trai Lê Anh Dũng lành lặn, khôi ngô. Lúc đó, vợ chồng chị đã thầm cám ơn trời phật. Nào ngờ, càng lớn Dũng càng có những dấu hiệu của chứng teo cơ. Rồi lần sinh nở thứ 3 (năm 1999), hạnh phúc lại không mỉm cười với anh chị. Bé Lê Thị Yến không chỉ bị liệt chân mà người vẹo một bên.
Chưa hết, đột nhiên giữa năm 2000 chồng chị xuất hiện những cơn đau nhói ở chân. Không có tiền chạy chữa, đôi chân chồng cũng liệt luôn. “Nhiều lúc nhìn chồng đổ bệnh, chân tay các con thương tật, không đi lại được mà tui ứa nước mắt. Thôi thì số phận cho răng mình chấp nhận rứa, gắng sống mà nuôi con”, chị Thanh – người khỏe mạnh duy nhất trong gia đình bật khóc.
Những lần con lên cơn co giật, đau khắp người, chị lại phải vay tiền, mượn xe đạp chở con lên bệnh viện huyện. “Con tôi nhập viện nhiều đến nỗi phần lớn bác sỹ, y tá tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh ai cũng biết”, chị Thanh đượm buồn kể.
2. Giữa miên man những bất hạnh, chị Thanh cũng le lói những tia hy vọng, đấy là khát vọng sống, khát vọng vươn lên của mấy đứa con tật nguyền. Bằng chứng là các cháu vẫn đều đặn đến trường suốt nhiều năm qua. Câu chuyện đến trường của mấy chị em Hương, Bé, Dũng và Yến đã khiến nhiều bậc phụ huynh, thầy cô và bạn bè ở miền đất nghèo khó Kỳ Thịnh cảm phục.
“Ngay từ khi sinh ra mấy đứa con tàn tật, nhà lại cùng cực đủ đường, vợ chồng tôi đã chuẩn bị tư tưởng các con mình sẽ khó lòng đến lớp. Chỉ tính riêng chuyện đi đến trường cũng đã là không dễ dàng, nói gì đến chuyện tiền học. Nhưng nhìn bọn trẻ khao khát cùng bạn đi học chữ, vợ chồng tôi đành phải đến trường ghi danh cho con”, chị Thanh kể lại.
Nhà có sáu người nhưng chỉ có hai cái giường rộng chừng hơn 1m. Góc học tập của bốn đứa trẻ chỉ là một bộ bàn ghế nhỏ xiêu vẹo, tồi tàn và thiếu thốn đủ thứ. Đặc biệt trong căn nhà xập xệ ấy còn có một khoản nợ vài chục triệu đồng chưa biết khi nào trả được.
Hai vợ chồng đã phải vay nợ mua sắm cho con bộ áo quần, thay nhau đưa đón con tới lớp, tối tối lại phải đỏ đèn chỉ từng nét bút cho con. Thương bố mẹ nghèo, mấy chị em Hương đứa nào cũng gắng vượt khó, nhường nhịn, san sẻ cho nhau tới lớp.
Góc học tập bé xíu nơi góc giường được chị em Hương, Bé, Dũng, Yến biến thành lớp học trong nhà. Thấy bạn thiệt thòi, bạn bè cùng xóm, cùng lớp đã san sẻ, giúp đỡ bốn chị em Hương rất nhiều. Các bạn thay phiên nhau đưa, đón chị em Hương đến lớp.   
Nỗ lực vượt khó đã dần giúp bốn đứa con của chị Thanh xóa được những dị nghị về thân thể, vươn lên thành những cánh sao trong lớp học.
3. Thật khó tin bức tường loang lổ trong căn nhà xuống cấp của vợ chồng chị Thanh được dán kín giấy khen của bốn đứa con tật nguyền. Hai trong số những tấm giấy khen ấy là của em Lê Thị Bé (học lớp 9) với thành tích học sinh giỏi môn văn và giải khuyến khích Giải toán trên máy tính Casio cấp huyện vào năm 2008.
Bốn chị em Hương đang nuôi những hoài bão rất đáng trân trọng, trở thành những người có ích cho xã hội sau này, có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh như các em hiện tại.
Rời gia đình chị Thanh, nhìn những cánh tay lê lết, khó nhọc bò dưới đất thay cho đôi chân, tôi ước sao các em có được những chiếc xe lăn từ các nhà hảo tâm.
Bài & ảnh: Dương Thức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)