Hội chứng “Kiệt sức vì nghề nghiệp” là một rối loạn tâm lý mà bất cứ ngành nghề nào cũng có nguy cơ mắc phải. Nghiên cứu cho thấy, có tới 15-20% dân số trong độ tuổi lao động có nguy cơ bị “kiệt sức vì nghề”. Theo BS tâm lý Nguyễn Anh Vũ (BV Q.Thủ Đức), đây là một hội chứng “không – hề – đơn – giản” nếu người mắc chủ quan.
Nghề giáo là một trong những nghề dễ bị kiệt sức vì nghề nghiệp |
Với những triệu chứng điển hình như cảm giác trống rỗng với công việc, cuối ngày thường cảm thấy kiệt quệ, luôn trong cảm giác phải gồng mình giao tiếp, trở nên cáu gắt hơn với mọi người, kể cả người trong gia đình…, người mắc thường dễ nhầm lẫn với cảm giác bị “stress”, chủ quan. Tuy nhiên, ở thể nặng, “kiệt sức vì nghề nghiệp” có thể khiến người mắc mất khả năng lao động, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tự sát.
Dễ nhầm lẫn sang… trầm cảm
Tìm đến phòng khám chuyên gia (BV Thủ Đức), chị H. (28 tuổi), nhân viên khu chế xuất cho biết, dạo gần đây chị thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ, đau vai gáy. Đặc biệt là đau đầu khi ngồi trong chỗ làm, dễ cáu gắt hơn khi đi làm về. Nhất là khó giao tiếp với đồng nghiệp. Dù đã đi khám tại nhiều phòng khám, có uống thêm một số loại thuốc bổ nhưng tình trạng vẫn không mấy cải thiện.
Với những triệu chứng ban đầu, các BS tại phòng khám chuyên gia (BV Thủ Đức) đã cho chị H. “test” qua những câu hỏi kiểm tra và kết luận bệnh chị H. đang mắc phải mang tên hội chứng kiệt sức vì nghề nghiệp.
“Các dấu hiệu của bệnh khiến người bệnh dễ nhầm lẫn sang các triệu chứng bệnh lý như rối loạn tuyến giáp hoặc trầm cảm. Ở ngành nghề nào cũng có nguy cơ kiệt sức. Càng những ngành nghề chịu nhiều áp lực về thời gian, doanh số hay tính chất công việc thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao như phóng viên, bác sĩ, giáo viên, công nhân…”, tâm lý gia Nguyễn Hoàng Anh Vũ (Khoa Tâm thể, BV Thủ Đức) cho biết.
BS tâm lý Anh Vũ cho biết, mỗi tháng có từ 10-20 bệnh nhân đến khám vì gặp các dấu hiệu của hội chứng kiệt sức vì nghề nghiệp. Phần lớn các bệnh nhân đều còn rất trẻ, trong độ tuổi từ 22-30 tuổi, là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Để hạn chế hội chứng kiệt sức vì nghề nghiệp, BS Vũ cho biết, cách tốt nhất là ngay từ khi chọn ngành nghề, các bạn trẻ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với bản thân và cá tính, phù hợp với nhu cầu của xã hội. |
Theo chuyên gia Vũ, khi bỗng dưng mắc bất kỳ một trong những triệu chứng như miễn cưỡng đi làm và khó khăn với việc bắt đầu công việc khi đến chỗ làm. Thất vọng về công việc của mình, thay đổi thói quen ngủ hay ăn uống, gặp các rắc rối về việc đau đầu, đau lưng hoặc những khó chịu thể lý khác mà không rõ nguyên nhân thì cần nhờ đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Bởi rất có thể bạn đang gặp phải rắc rối của hội chứng kiệt sức vì nghề nghiệp. “Đó là một hình thức của căng thẳng nghề nghiệp, một trạng thái kiệt quệ về thể lý, cảm xúc hoặc tinh thần kết hợp với những nghi ngờ về khả năng làm việc và giá trị công việc của chính mình”.
Người trẻ đừng… ngồi nhầm nghề
BS tâm lý Anh Vũ cho biết, mỗi tháng có từ 10-20 bệnh nhân đến khám vì gặp các dấu hiệu của hội chứng kiệt sức vì nghề nghiệp. Phần lớn các bệnh nhân đều còn rất trẻ, trong độ tuổi từ 22-30 tuổi, là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.
“Thực chất, kiệt sức vì nghề nghiệp chỉ là một rối loạn tâm lý. Người trẻ thường dễ mắc rối loạn này hơn người già do chịu những áp lực về thành công, thăng tiến, thiếu sự phân bố thời gian hợp lý. Người mắc sẽ gặp ở hai thể. Thể nhẹ và thể nặng. Ở thể nhẹ, người mắc sẽ vẫn còn khả năng lao động nhưng gặp khó khăn trong cảm xúc khi khó giao tiếp với người khác, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân mình. Còn ở thể nặng, người mắc sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi đến mức rã rời, thậm chí đến mức tự sát”.
Với mỗi một bệnh nhân, tùy từng thể mà có lộ trình điều trị khác nhau nhưng theo chuyên gia tâm lý Anh Vũ đó chỉ là những can thiệp về tâm lý, gỡ rối những “vướng mắc” mà người bệnh đang gặp phải trong cuộc sống.
“Nếu lờ đi, không lưu tâm đến, kiệt sức nghề nghiệp có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như căng thẳng quá mức, mệt mỏi, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất có cồn, các bệnh về tim mạch, tăng cholesterol, tiểu đường type 2, đột quỵ, béo phì”.
Để hạn chế hội chứng kiệt sức vì nghề nghiệp, BS Vũ cho biết, cách tốt nhất là ngay từ khi chọn ngành nghề, các bạn trẻ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với bản thân và cá tính, phù hợp với nhu cầu của xã hội. “Trong công việc, cần phải luôn đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Chia sẻ với đồng nghiệp, người thân về những rắc rối mà bản thân gặp trong công việc. Nhìn ra những khía cạnh tích cực trong công việc. Đặc biệt là có sự phân bố thời gian hợp lý, giữ cho cơ thể khỏe mạnh”, vị tâm lý gia nhắn nhủ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)