Sinh ra trong gia đình làm nông ở Đô Lương (Nghệ An), tuổi thơ của Nguyễn Trọng Việt là chuỗi ngày cùng anh chị phụ bố mẹ làm ruộng, rong chơi cùng lũ bạn trong xóm.
“Hồi nhỏ tôi ham chơi và nghịch lắm, đến nỗi có lần anh trai phải trói vào cột nhà để khỏi trốn đi. Vậy mà vẫn không chừa. Sau đó, anh trai phải “thỏa hiệp” bằng cách ra điều kiện: Học tốt mới cho đi chơi”, Việt kể. Không còn đường nào khác, để được đi chơi Việt “đành” phải học giỏi. Nhờ vậy cuối năm thứ nhất học Trường ĐH Y Huế, với điểm trung bình 8,63, Việt giành được học bổng sang Cuba.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt đang khám bệnh cho người hàng xóm Ảnh: L.Y
Học để không hổ danh người Việt
Sang Cuba không còn anh trai “kèm cặp” nữa, nhưng lần này Việt lại bị một áp lực lớn hơn: Làm sao để không hổ danh người Việt. “Ở Cuba ai cũng khen VN anh hùng, mà mình là người VN, học dở thì xấu hổ lắm”, Việt nói. Dù đã học một năm ngành y ở VN nhưng sang Cuba, một trong những lò đào tạo bác sĩ uy tín trên thế giới, thời gian đầu Việt cũng choáng bởi yêu cầu khá cao của ngành học. Bên cạnh đó, do mới tiếp xúc với tiếng Tây Ban Nha nên ở VN cố gắng thế nào, sang Cuba anh phải nỗ lực hơn gấp bội. Dù thế, ngay từ năm đầu, Việt đã “cày” để đạt điểm cao tuyệt đối là 5.
Đối với những sinh viên (SV) đạt điểm tuyệt đối, nhà trường lại tổ chức một kỳ thi riêng là Examne de Premio để lấy điểm thưởng cộng vào điểm trung bình, Việt giành luôn 3 giải nhất, một giải ba. Hiệu trưởng lúc bấy giờ là thầy Aparicio đã trực tiếp bắt tay Việt: “Chúc mừng em vì tiếng chưa thạo mà đã đạt được thành tích tốt như thế. Điều này chứng tỏ em đã nỗ lực rất lớn”.
Suốt thời gian học ở Cuba, do học giỏi nên Việt liên tục được miễn thi. Tháng 7.2015, anh tốt nghiệp bác sĩ với điểm trung bình 6,28 (điểm tuyệt đối ở Cuba là 5, anh được 6,28 do có nhiều điểm thưởng), lập kỷ lục SV nước ngoài đạt điểm cao nhất từ trước đến nay.
Ngày tốt nghiệp, khi vừa đại diện SV nước ngoài phát biểu xong, một số đại diện công ty nước ngoài tại Cuba đã chủ động mời Việt làm việc tại một số nước khác trong khu vực Trung, Nam Mỹ với mức lương 4.000 – 5.000 USD/tháng, bao ăn ở. Việt xin thời gian suy nghĩ rồi sau đó… từ chối. “Tôi cũng rất đắn đo trước những lời đề nghị hấp dẫn như vậy. Nhưng nghĩ lại, mình còn trẻ thì phải ráng tranh thủ học để tích lũy kiến thức. Mai mốt già, học không vô. Có khả năng, không sợ không còn cơ hội”, Việt cười hiền giải thích.
Ba năm gần đây, Cuba không cấp tiếp học bổng sau đại học cho SV nước ngoài. Tuy vậy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Villa Clara, Frank Quintana đã đấu tranh với Bộ Y tế để cấp học bổng cho Việt học tiếp bác sĩ chuyên khoa.
|
|
Sinh viên nước ngoài toàn diện nhất Cuba
Năm 2013, Việt là SV nước ngoài toàn diện nhất Cuba, xuất sắc nhất tỉnh Villa Clara 4 năm liên tục. Tốt nghiệp bác sĩ đạt 6,28, lập kỷ lục SV nước ngoài đạt điểm cao nhất từ trước đến nay. Anh từng là thành viên Hội đồng Khoa học SV, Phó chủ tịch Hội SV nước ngoài. Không những thế, anh đã giành nhiều giải thưởng điền kinh, nhiếp ảnh cấp trường, cấp tỉnh, được chọn tham dự Festival Thanh niên – Sinh viên thế giới tại Ecuador năm 2013, được Đoàn thanh niên và Hội SV Cuba tặng nhiều bằng khen.
|
|
|
Khi đại diện Bộ Y tế cho biết nhiều hiệu trưởng của các ĐH khác cũng xin cho những trường hợp tương tự, Hiệu trưởng Frank từ tốn trả lời, hãy đem tất cả hồ sơ đó so sánh, tôi tin là Việt sẽ thắng. “Tôi đã rất cố gắng xin Bộ trưởng đặc cách cho Việt học miễn phí vì Việt không chỉ học xuất sắc mà còn hoạt động ngoại khóa rất năng nổ”, ông Frank nói.
Cho một ngày về
Tôi đến nhà Việt (TP.Santa Clara, Cuba) ở vài hôm.
Nơi vợ chồng Việt cùng đứa con 3 tháng tuổi sinh sống là căn nhà nhỏ 28 m2, trên tường có treo hai chiếc nón lá VN “để có chút mùi Việt nơi xứ người”. Việt cưới vợ khi vừa tốt nghiệp. Vợ anh người Cuba tên Lismary, đang là SV năm 5 ngành y.
Đang nói chuyện thì hàng xóm gõ cửa: “Bác sĩ ơi, sao tui nhức đầu, ho hoài không hết, khám cho tui với”. Như đã quá quen, anh lấy ống nghe, đồ đo huyết áp ra khám rồi chẩn bệnh. “Người trong xóm thỉnh thoảng vẫn đến nhờ khám. Ở Cuba bác sĩ không được mở phòng mạch tư, khám không được lấy tiền. Ai vi phạm sẽ vào tù. Tất cả miễn phí hết”, Việt cười cho biết.
Quá nửa đêm, nhà của Việt vẫn sáng đèn. Hai vợ chồng phải học bài. Việt hiện đang là bác sĩ nội trú Khoa Tim mạch tại Trung tâm tim mạch tỉnh Villa Clara. Ngoài tiếng Anh lưu loát, tiếng Tây Ban Nha nói như tiếng mẹ đẻ, trên bàn vẫn có sách vở học… tiếng Đức. Vợ anh còn 1 năm nữa tốt nghiệp bác sĩ nên bài vở cũng nhiều. Đứa con khóc ằng ặc khiến cô vợ thỉnh thoảng lại ôm con lên nựng, dỗ cho nín khóc rồi tiếp tục cầm quyển sách lên.
“Hai vợ chồng phải tranh thủ học anh ạ. Ban ngày tôi vẫn đi làm tại bệnh viện. Vợ đi học và trông con nên đêm phải ráng tranh thủ học bài. Nhiều khi học đến 4 giờ sáng sau đó 7 giờ lên bệnh viện là bình thường”, Việt nói.
Được hỏi về ước mơ, Việt trầm ngâm: “Cha mẹ tôi đã trên 70 tuổi, hằng ngày vẫn cắm mặt với mấy sào ruộng ở quê nhà. Tôi rất xấu hổ vì chừng này tuổi vẫn chưa thể giúp gì được cho gia đình nên chỉ mong sớm hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú để đi làm, có điều kiện đỡ đần bố mẹ thôi”.
Lam Yên (TNO)
(từ Cuba)
Bình luận (0)