Hội nhậpThế giới 24h

Ngồi trên đống tiền mà khóc

Tạp Chí Giáo Dục

Hội nghị quốc tế về tái thiết Gaza vừa kết thúc tại Ai Cập hôm 2-3 với số tiền được các nhà tài trợ cam kết tại chỗ lên đến 4,481 tỉ USD. Nếu tính cả số tiền đã được hứa trước khi có hội nghị, tổng số sẽ lên đến 5,2 tỉ USD! Một con số vượt qua mọi sự mong đợi và trù tính. Nhưng việc tiêu tiền như thế nào lại là vấn đề nan giải.

Những người Palestine ở dải Gaza khắc khoải mong chờ viện trợ xây nhà mới – Ảnh: Reuters

Tại hội nghị này, cùng với số tiền khổng lồ được hứa hẹn là những nguyên tắc giải ngân theo hướng đảm bảo để tiền ấy không được chuyển giao cho chính quyền Hamas đang cai quản Gaza. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau khi tuyên bố dành cho Palestine 900 triệu USD, trong đó riêng tái thiết Gaza là 300 triệu USD, đã khẳng định bà nhận được cam kết của Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ không để tiền tái thiết “lọt vào những bàn tay sai trái”. Còn tổng thống nước chủ nhà Hosni Mubarak cảnh báo không được để tiền tái thiết Gaza bị sử dụng như “chiến lợi phẩm”.

Vậy số tiền khổng lồ này sẽ chi ra như thế nào? Ai là đại diện cho phía Palestine ký vào các chứng từ giải ngân?

Trước khi dự hội nghị tái thiết Gaza, Ngoại trưởng Hillary Clinton cảnh báo: “Hamas biết rõ những điều kiện mà bộ tứ và hội nghị thượng đỉnh Ả Rập đã áp đặt”. Chính quyền Mỹ cũng nói rõ mọi thỏa thuận giữa Fatah với Hamas chỉ có kết quả nếu “Hamas chịu công nhận Israel và những điều kiện khác của quốc tế”.

Hamas liền đáp trả rằng họ không lệ thuộc gì vào những cam kết “không phù hợp với lợi ích của Palestine”. Rafaat Naseef, ủy viên ban lãnh đạo Hamas, tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ mọi thỏa thuận… kiểu như hiệp định Oslo và các hệ lụy của nó”. Ông này khẳng định việc công nhận Israel “là lằn ranh đỏ không thể vượt qua. Hamas không bao giờ chấp nhận trong mọi hoàn cảnh”.

Khi chưa có một dấu hiệu lạc quan thật sự nào về khả năng có thể sớm dẫn đến hình thành một chính phủ hòa hợp dân tộc để điều hành việc tái thiết Gaza, Thủ tướng Palestine Salam Fayyad đã đưa ra một kế hoạch trong đó chính quyền này (chỉ có hiệu lực thật sự tại Bờ Tây) phối hợp với các ngân hàng đang hoạt động tại Gaza chuyển tiền mặt trực tiếp cho các gia đình có nhà bị tàn phá để họ tự xây dựng và sửa chữa lại.

Naseef lập tức tuyên bố: “Chúng tôi không liên quan gì tới những điều Fayyad đã nói”. Một người phát ngôn khác của Phong trào Hamas tại Gaza, ông Fawzi Marhoum, tuyên bố thẳng: “Không cho phép Israel đạt được những gì mà họ đã không thể giành được bằng chiến tranh” và cảnh báo “nguy cơ chính trị hóa vấn đề tái thiết đầy tính nhân đạo”.

Muốn triển khai kế hoạch tái thiết Gaza cần vượt qua quyền kiểm soát trên thực địa của Hamas. Muốn vậy phải có một chính phủ Palestine đủ thẩm quyền ở cả Gaza và Bờ Tây để đại diện cho Palestine được quốc tế chấp nhận để nhận tiền tái thiết. Nhưng làm sao ra đời được chính phủ như vậy trong hoàn cảnh hiện nay?

Xem ra người dân Gaza khó lòng trông chờ tiền viện trợ quốc tế để bù đắp những thiệt hại lớn lao phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh 22 ngày mới đây! Tiền nhiều đấy, nhưng khó mà tiêu được!

NGUYỄN NGỌC HÙNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)