Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngồi trên xe lăn, vẫn là thầy giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 7/2005, mùa tuyển sinh đại học Đức thi vào Trường đại học Sư phạm II, ngôi trường cách nhà 12 cây số. Đúng là ông trời không phụ lòng người, Đức trúng tuyển. Để tiện cho những năm học đại học, hai cha con thuê nhà trọ sinh viên giá rẻ gần khu vực trường học. Người cha quân nhân về hưu cặm cụi chăm sóc cậu con trai. Ngày nào cũng vậy, ông đưa con đến giảng đường, tới giờ tan học lại đón con về, cơm nước, tắm giặt cho con.

Chu Quang Đức.

Chất độc điôxin và thảm họa da cam tại Việt Nam là cuộc hành binh hóa học kéo dài nhất trong lịch sử loài người. Quân đội Mỹ gieo rắc cái chết khi thả hơn 8.000.000 lít chất độc hóa học màu da cam, điôxin xuống cánh rừng đại ngàn miền Nam, Việt Nam năm 1961 và kết thúc vào năm 1971. Hàng chục năm sau, cuộc sống tang thương vẫn tiếp tục đè nặng lên mái ấm gia đình, hủy hoại bao thân phận kiếp người. Nhưng trong những thân phận không may chịu nhiều thiệt thòi ấy đã có những con người  bước qua bóng tối phũ phàng của tạo hóa để đi về phía mặt trời.
Câu chuyện về thầy giáo Chu Quang Đức ở xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội là một tấm gương tiêu biểu của người biết vượt lên hoàn cảnh và anh là một minh chứng hùng hồn nhất của nghị lực và ý chí kiên cường, anh đã biến điều không thể thành có thể.
Giữa cái nắng oi nồng của ngày hè tháng 7, tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, khách sạn La Thành, Hà Nội, trong dòng người nạn nhân chất độc điôxin Việt Nam, tôi bị hút bởi người đàn ông mặc bộ quân phục quân đội, trên ngực áo gắn nhiều loại huy chương, lặng lẽ đẩy chiếc xe lăn. Trên xe một thanh niên với khuôn mặt sáng sủa, phần thân trên bình thường nhưng thân dưới teo tóp lại, đôi bàn tay của anh thò ra ngoài tay áo lộ ra các ngón díu vào nhau, co quắp lại. Nếu không có người cha, hẳn anh di chuyển rất khó nhọc.
Tôi đưa mắt nhìn quanh và nhận ra người quen trong dòng người ấy, Tùng “đàn bầu” mà tôi đã giới thiệu ở kỳ trước đi cùng bố. Ông Sơn, ba của Tùng, nói: "Cháu gặp Chu Quang Đức  một tấm gương về nghị lực, cậu ngồi xe lăn đang là thầy giáo". Nói rồi, ông chỉ tay ra phía người đàn ông có cậu con trai trên xe đẩy mà tôi đã ấn tượng nãy giờ.
Đức là con thứ ba trong một gia đình 5 anh em, mất một còn 4. Cha của Đức làm lái xe mở đường Trường Sơn từ năm 1971. Trước khi vào chiến trường, người lái xe quân đội đó đã kịp lấy vợ, hạnh phúc chẳng được bao lâu thì anh vào quân ngũ. Cũng như bao nhiêu người vợ tảo tần khác, ngày đó chị ở nhà chăm bố mẹ chồng mong mỏi đợi anh về. Đất nước thống nhất nhưng anh vẫn còn dở dang công việc trong quân ngũ, phải 2 năm sau, năm 1977, anh mới về đoàn tụ với gia đình rồi sinh con trai đầu lòng. Những đứa con lần lượt ra đời.
Năm 1980 chị hạ sinh một bé gái; năm 1984, chị sinh Đức. Lần này không may mắn như những lần trước, đứa con vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc bố mẹ trào nước mắt. Nó nhỏ quá, và cơ thể không nguyên vẹn, hai cái chân mềm oặt, nhũn nhão, cả đôi bàn tay cũng bé xíu khác thường. Họ biết rằng, với thân thể như vậy thì em sẽ cả đời không thể di chuyển được. Hai năm sau một đứa trẻ nữa ra đời, nhưng đứa bé xấu số này mất từ rất sớm vì ảnh hưởng của chất độc điôxin từ bố. Lần thứ 5 sinh nở, cô con gái út lọt lòng may mắn thoát khỏi tiếng gọi của thần chết, cô bé sinh ra hoàn toàn bình thường.
Hãy khoan đi vào số phận nhân vật nào đó, tôi buộc lòng phải thốt lên: "Tại sao biết vậy rồi mà gia đình ông vẫn cứ tiếp tục sinh? Chẳng lẽ mọi người không biết sợ trước sự thật phũ phàng đó?". Ông kể, ngày đó sau khi vợ sinh đứa con thứ ba, ông cũng đã từng ngăn: "Này nhà nó à, có lẽ mình phải dừng lại ở đây thôi. Biết đâu những đứa con sinh ra sau này không may mắn…", nhưng người phụ nữ mộc mạc ấy đã nói: "Em đi lấy chồng của cải tiền bạc không cần nhưng phải có đứa con làm lãi". Chính vì cái sự quyết tâm của người phụ nữ thôn quê với khao khát làm mẹ này mà một không may mắn ra đi, và một ở lại nên người.
Ông kể có nhiều người khi đấy cười khẩy: "Nhà đã nghèo lại còn đẻ cho lắm vào lấy gì mà nuôi?". Ông xòe hai bàn tay chai sạn ra và nói với mọi người rằng tiền ở đây này. Những năm tháng cơ cực của một thời thiếu đói, người vợ làm công việc đồng áng, còn người chồng đi làm thuê làm mướn khắp nơi để có tiền nuôi các con ăn học, ông đặt chân đến khắp các vùng từ Hà Giang, Quảng Bạ, Hà Đức, Sa Pa, Xín Mần, Bắc Cạn… Vào ba tháng hè, nơi nào ông đến cũng bế Đức trên tay cho đi cùng.
Chu Quang Đức và cha.
Cũng ít ai ngờ, căn nhà nghèo tại vùng ngoại thành Hà Nội, nơi đó đã có lúc phải ăn bo bo, ăn sắn, ăn khoai trừ cơm lại hun đúc nên ý chí và tinh thần hiếu học của những đứa con. 4 người con thì 3 người có bằng đại học. Điều lạ là cả mấy anh em từ bé đến lớn suốt 12 năm phổ thông chỉ học những buổi chính khóa ở trường chứ không đi học thêm gia sư hay lò luyện mà vẫn dư điểm vào đại học. Người con cả học Đại học Nông nghiệp, hiện đang đi làm tại Hà Nội. Người con thứ ba là Đức học khoa Toán – Tin Đại học Sư phạm 2 ra trường năm 2009. Khi người anh có tấm bằng tốt nghiệp cũng là lúc cô em gái út thi đỗ vào khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân. Để đỡ gánh nặng cho gia đình, ngoài giờ học chính khóa cô út còn đi làm gia sư.
Với người khác đỗ đại học thì không có gì đáng ngạc nhiên cả, nhưng một cậu bé suốt ngày chỉ ngồi xe lăn đỗ đại học là cả một chặng đường dài nỗ lực vượt bậc và là câu trả lời cho điều: "Không có gì là không làm được nếu như người ta có sự quyết tâm", Đức nói với tôi như thế, và tôi cũng tin thế.
Người đàn ông ngồi bên con, và hình ảnh khi xưa cứ ùa về. Ông rơm rớm nước mắt, ông nhớ như in những năm cấp I của Đức: có những hôm bận việc nhà mẹ tưởng bố đón, bố lại nghĩ mẹ đón, bỏ quên em và khi gia đình chạy đến thì trời sẩm tối em vẫn nằm một mình trơ trọi trên ghế trong trường vắng tanh. Lại có hôm chiều muộn gia đình quên không đón, bác bảo vệ về từ lúc nào, không có khóa cửa, cha trèo tường vào trong lớp và luồn em qua cửa sổ đưa ra ngoài. Cái thân thể còm cõi và nhỏ bé ấy phát triển rất chậm, mỗi lần đi học người cha nhấc bổng Đức lên rồi đặt ngồi vào đằng sau yên xe đạp. Khi Đức học cấp I, cấp II, có người trông thấy chép miệng ngao ngán: "Như thế kia mà còn học hành cái nỗi gì?!", hay: "Người khỏe còn chẳng ăn ai nữa là xe lăn, xe đẩy". Ông bảo, điều đó thời gian sẽ trả lời.
Trường cấp III cách nhà hơn 4 cây số, lúc này các bạn đồng trang lứa đã có thể phụ giúp gia đình Đức đưa bạn tới trường. Sáng sáng, những đứa trẻ thay phiên nhau đến nhà Đức, bế Đức lên xe đạp tới trường. Tới trường, bọn trẻ lại cùng nhau bế Đức để đặt bạn vào ghế trong lớp học. Cái chu trình đấy đều đặn và quen thuộc mỗi ngày. Đức lớn lên với tình yêu của cha mẹ và tình cảm đùm bọc của bạn bè. Những năm học cấp III Đức âm thầm mong mỏi mình thi đỗ đại học. Là một người rất giàu nghị lực nhưng không tránh khỏi đôi khi chạnh lòng, một nỗi buồn lơ lửng Đức không hiểu mình với hạn chế về thể lực như thế này có thể học được không?!
Cuộc sống đầy rẫy những khó khăn. Càng nghĩ tới khó khăn thì càng phải cố gắng. Khó khăn càng nhiều kiên trì càng lớn. Ngày ngày Đức ngồi trên chiếc xe đẩy mày mò tập giải những đề thi đại học từ các năm trước. Vào thời điểm này năm đó, tháng 7/2005, mùa tuyển sinh đại học Đức thi vào Trường đại học Sư phạm II, ngôi trường cách nhà 12 cây số. Đúng là ông trời không phụ lòng người, Đức trúng tuyển. Để tiện cho những năm học đại học, hai cha con thuê nhà trọ sinh viên giá rẻ gần khu vực trường học. Người cha quân nhân về hưu cặm cụi chăm sóc cậu con trai. Ngày nào cũng vậy, ông đưa con đến giảng đường, tới giờ tan học lại đón con về, cơm nước, tắm giặt cho con.
Khi Đức vào đại học cả nhà có tiền dành dụm đổ ra mua được một cái Wave Tàu. Xe máy là phương tiện mưu sinh để cải thiện cuộc sống gia đình. Trong những giờ con lên lớp ông lại tranh thủ đứng ở gần trường học hay bến xe để thêm nghề xe ôm. Khách của ông đa phần là những sinh viên trong trường quen mặt bác xế tốt bụng.
Đức và các học trò trong xóm.
Năm 2009, Đức lấy bằng cử nhân đại học. Ở nhà rỗi rãi mấy cô bé, cậu bé hàng xóm đến nhờ anh Đức giải cho đề toán khó, một thời gian sau những đứa trẻ tiến bộ rõ rệt trong học tập. Tiếng lành đồn xa, bọn trẻ rủ nhau đến nhà thầy Đức ôn thi ngày một đông. Lớp học ấy không bảng đen phấn trắng, không ngồi hàng dọc như những lớp học khác, mà chia thành từng nhóm nhỏ. Đức là nhóm trưởng, giảng bài bằng cách vẽ hình ra giấy. Có cậu học sinh hiếu động lên lớp 9 mà kiến thức hổng từ lớp dưới, anh tận tình kèm lại từ chỗ mất gốc ấy. Đến giờ học trò của anh lên tới 30, 40 người. Có học sinh cấp II, học sinh cấp III, có em đang ôn thi vào đại học. Anh bảo giờ đang là mùa thi đại học, các bạn ấy sốt ruột bao nhiêu thì trong những ngày này anh cũng sốt ruột bấy nhiêu.
Kể đến đây, Đức dừng lại và nói với tôi rằng anh muốn truyền thụ kiến thức của mình cho các bạn trẻ, và cũng chưa bao giờ anh coi mình là thầy mà chỉ nghĩ mình là người đồng hành với các em. Ngoài việc dạy các môn khoa học tự nhiên tại nhà, Đức còn có những giờ lên lớp dạy tin học ở Trường THPT Mê Linh. Chính ngôi trường này là nơi Đức gắn bó suốt những năm của thời áo trắng trước khi bước chân vào giảng đường đại học. Một lần nữa cánh cửa của ngôi trường thân thiết này lại đón anh trở về sau những nỗ lực thời gian miệt mài đèn sách. Đức bảo, tháng 9 này là kỷ niệm một năm dạy học tại trường.
Đức ngày ngày mải miết với những bài giảng của mình. Người cựu chiến binh già – cha anh giờ không còn chạy xe ôm nữa, thu nhập của gia đình được cải thiện với tài chăn nuôi hàng trăm con gà của mẹ anh. Diện tích gia đình cả vườn và nhà rộng 600m2. Vườn khế trĩu quả, đám trẻ mỗi khi sang thầy Đức giảng bài vẫn thường hái xuống ăn. Đức nói với tôi, anh không buồn và chấp nhận sự thật, cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi sống có ích và làm được những điều mình mong mỏi. Niềm ao ước của anh trở thành giáo viên nay đã thành hiện thực.
Chiều nào cũng vậy, bọn trẻ nhỏ trong thôn xóm lại đến nhà lấy chiếc xe đẩy kéo anh ra cánh đồng xanh nhìn những cánh diều no gió  trên trời cao, và Đức cùng đám trẻ con vui đùa ríu rít. Đức bao năm vẫn vậy, chỉ có đám trẻ là lớn lên, chúng như những con chim dần đủ lông đủ cánh bay đi, còn anh vẫn ở mãi tại nơi này. Nhưng  đám chim này rời tổ bay đi thì đám chim non lại sà xuống, hết lứa này lại đến lứa khác. Đức biết rằng anh không bao giờ cô đơn
Theo Trần Mỹ Hiền
(antg)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)