Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ngôi trường bị giám sát đặc biệt gây sốc ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Feversham, hiệu trưởng lồng âm nhạc, kịch và nghệ thuật vào các tiết học mỗi ngày khiến học sinh ở đây được học tổng cộng tới 6 giờ nhạc/tuần. Điều gì đã xảy ra?

Ngôi trường bị giám sát đặc biệt gây sốc ngành giáo dục - Ảnh 1.

Học sinh ở Feversham được tập kịch Shakespeare, chơi nhạc Beatles, cũng như hát những bài hát trong các nghi lễ thờ cúng của người Hồi giáo – Ảnh: Guardian

Abiha Nasir, 9 tuổi, yên lặng bước vào phòng học nhỏ, ngồi xuống, chỉnh lại chiếc khăn trùm đầu của mình và cầm đôi đũa đánh trống lên. Một nụ cười e thẹn thoáng qua trên khuôn mặt khi cô bé bắt đầu chơi.

Lúc xuất hiện tại câu lạc bộ ngoại khóa của trường tiểu học Feversham, cô bé mới 5 tuổi, nhưng đã khiến các giáo viên ở đây sửng sốt về khả năng âm nhạc của mình và cách mà sự tự tin của cô bé lớn dần khi có một nhạc cụ trong tay.

Năm ngoái, Abiha đã thành công trong cuộc thử giọng của chương trình tài năng âm nhạc dành cho học sinh tiểu học trong toàn thành phố Bradford, và là bé gái Hồi giáo đầu tiên làm được điều này. Người đánh giá chỉ viết vỏn vẹn một từ trong sổ tay ghi chú của mình: "Tuyệt vời!"

Các giáo viên của Abiha cho biết tài năng của cô bé có thể đã không được phát hiện ở nhiều ngôi trường, vì ở những nơi đó các môn học như âm nhạc và nghệ thuật đang bị cắt xén bớt bởi áp lực phải đạt mục tiêu Sats (những bài thi chuẩn dành cho môn tiếng Anh và toán cấp tiểu học ở Anh), nhằm có mặt trong bảng xếp hạng các trường "danh giá".

Từ ngôi trường bị giám sát đặc biệt

Tuy nhiên, tại Feversham, vị hiệu trưởng Naveed Idrees đã lồng âm nhạc, kịch và nghệ thuật vào mỗi ngày, khiến mỗi học sinh ở đây được học tổng cộng tới 6 giờ nhạc/tuần và đã thu được những kết quả ấn tượng, theo Guardian.

Cách đây 7 năm, Feversham bị giám sát đặc biệt và "lên mặt báo" vì tất cả những lý do bị cho là "sai lầm" đó.

Giờ đây, ngôi trường này được Ofsted (Văn phòng tiêu chuẩn giáo dục) đánh giá là "Tốt" và nằm trong top 10% các ngôi trường trên toàn nước Anh có học sinh đạt được sự tiến bộ nhất trong các môn đọc, viết và toán.

Ngôi trường bị giám sát đặc biệt gây sốc ngành giáo dục - Ảnh 2.

Tài năng của cô bé Abiha Nasir được phát hiện nhờ học ở Feversham – Ảnh: Guardian

Năm 2011, ngôi trường này còn thiếu tới 3,2 điểm phần trăm so với mức trung bình trên toàn quốc trong môn tiếng Anh.

Năm nay, 74% học sinh tại đây đã đạt được mức chuẩn trong môn đọc, viết và toán, so với mức trung bình trên toàn quốc là 53%, trong đó số điểm cao hơn mức trung bình mà họ đạt được dành cho các môn đọc, viết và toán lần lượt là 7,1, 3,4, và 6,5.

Kết quả của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại ngôi trường này cũng cao hơn nhiều so với mức trung bình.

Sự thay đổi ngoạn mục của Feversham thậm chí đáng chú ý hơn khi xét đến xuất thân của học sinh tại đây: 99% trong 510 học sinh ở ngôi trường này có tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, và phân nửa học sinh lúc mới đến học không thể nói nổi một từ tiếng Anh.

Bên ngoài ngôi trường này là Bradford Moor, một trong những nơi thiếu thốn và đông dân nhất của thành phố. Gần 3/4 dân số xung quanh là có nguồn gốc từ Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ, trong khi tỉ lệ này trong toàn thành phố chỉ là trên 1/4.

Tuy nhiên, bên trong cổng trường là một câu chuyện hoàn toàn khác. 30 ngôn ngữ khác nhau được nói ở đây nhưng các trẻ đều được học tập một cách hạnh phúc với nhau.

Học sinh được tập kịch Shakespeare, chơi nhạc Beatles, cũng như hát những bài hát trong các nghi lễ thờ cúng của người Hồi giáo.

Chúng được học "Hi Low Chickalow" (một bài hát trong trò chơi vừa hát vừa vỗ tay), cũng như học về Thế chiến thứ hai và những bài hát của Ahmad Hussain, một ngôi sao trên YouTube sinh ra ở Sheffield và thường về trường này biểu diễn mỗi năm.

Âm nhạc thay điện thoại, máy tính bảng

Ngôi trường bị giám sát đặc biệt gây sốc ngành giáo dục - Ảnh 3.

Học sinh trường Eversham có những bước tiến đáng kể từ khi được học thêm âm nhạc – Ảnh: Guardian

Theo Jimmy Rotheram, điều phối viên âm nhạc của trường, một phần "rất nhỏ" các phụ huynh Hồi giáo đã lo ngại về chuyện con cái họ được nghe những bài nhạc pop hay nhạc Cơ đốc giáo, nhưng ông nói rằng những lo ngại đó đã biến mất khi họ thấy con cái mình đạt được tiến bộ trong việc học.

Trước đây, buổi hòa nhạc cuối năm thường chỉ được vài phụ huynh tham dự, nhưng giờ đây luôn "cháy vé". Tỉ lệ khán giả đến tham dự tăng đến 98% vì khối lượng âm nhạc được dạy cho mỗi học sinh đã tăng lên.

Mỗi học sinh được học ít nhất 2 giờ thuần âm nhạc mỗi tuần, trong đó có 2 tiết học, mỗi tiết 30 phút, và 1 giờ được hát cùng với một nhạc sĩ khách mời hoặc hát nhóm. Các bài hát được lồng vào những giờ học khác và học sinh thường hát về thời khóa biểu hoặc lịch sử.

Chơi các trò đơn giản có thể giúp trẻ học được những kĩ năng xã hội như tiếp xúc bằng mắt và thay phiên nhau, trong khi 1 giờ nghe nhạc cùng nhau giúp các em phát triển sự tập trung”

Hiệu trưởng trường Feversham

Idrees, lên làm hiệu trưởng của trường vào năm 2013, thừa nhận rằng phương pháp mới này khi đó là "một rủi ro lớn", nhưng ông cho biết giờ đây ông đã bị thuyết phục rằng nó có thể giúp thay đổi các ngôi trường đang gặp khó khăn khác.

Idrees cho rằng cuộc tranh luận xoay quanh điểm kiểm tra Sats và xếp hạng không thấy được điều quan trọng của sự phát triển về mặt xã hội và tinh thần ở trẻ em. 

Điều này đã được chú ý rất nhiều ở Bradford cách đây 2 năm khi một cậu bé 11 tuổi ở ngôi trường khác trong thành phố, Asad Khan, đã tự tử vì bị bắt nạt. Nhiều phụ huynh lo lắng đã gõ cửa các trường trên khắp Bradford để bày tỏ quan ngại về sức khỏe và sự hạnh phúc của con cái họ.

Sau cái chết của Asad, Feversham đã thử nghiệm một dự án giúp học sinh xử lý thất bại, áp lực bằng bạn bằng bè và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông. "Nhiều đứa trẻ trầm tính không biết cách xử lý cảm xúc. Chúng không biết phải đương đầu thế nào với tiêu cực", Idrees nói.

Ở mức cơ bản nhất, hành động chơi các trò đơn giản có thể giúp trẻ học được những kĩ năng xã hội như tiếp xúc bằng mắt và thay phiên nhau, trong khi 1 giờ nghe nhạc cùng với nhau giúp phát triển sự tập trung của chúng, trong một thời đại mà điện thoại thông minh và máy tính bảng đang thống trị.

Sự tập trung vào sáng tạo đó đã cải thiện kết quả trong toàn ngôi trường này chứ không chỉ ở những em có năng khiếu âm nhạc, và cho thấy hiệu quả hơn là "nhồi" những bài tập Sats, Rotheram cho biết.

Trường Feversham dựa trên phương pháp Kodály, trong đó dạy cho trẻ học một cách tiềm thức trước thông qua những trò chơi âm nhạc. Chẳng hạn, trẻ em học nhịp điệu, các ký hiệu tay và chuyển động theo cách sẽ giúp ích cho việc đọc, viết và làm toán của chúng.

Hiệu trưởng Idrees cho biết các giáo viên nhận thấy yêu cầu học sinh ghi nhớ những đoạn trong vở kịch The Tempest của Shakespeare giúp chúng cải thiện kĩ năng đọc và viết.

LÊ THANH HẢI/TTO
 

 

Bình luận (0)