Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ngôi trường của những thủ khoa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một giờ thực hành thí nghiệm của học sinh nhà trường

Liên tục có tên trong “bảng vàng” các trường có tỉ lệ đậu ĐH-CĐ, tốt nghiệp THPT cao của TP.HCM và cả nước, số thủ khoa ĐH, CĐ tăng dần theo từng năm… là thành tích mà ngôi trường THPT nào cũng mơ ước. Đặc biệt, trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, con số 16 thủ khoa, 20 á khoa đã khiến nhiều người phải sửng sốt trước kỳ tích có một không hai này. Đó là thành tựu của Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (gọi tắt là Nguyễn Khuyến) đạt được sau 20 năm thành lập.

Ngược thời gian 20 năm về trước, Nguyễn Khuyến cũng như bao ngôi trường dân lập mới hình thành: phải đi thuê từng địa điểm nhỏ lẻ để có chỗ cho học sinh (HS)… gọi là trường, phải “vét” từng HS rớt công lập có “thành tích” yếu kém cả về hạnh kiểm lẫn học lực để tồn tại… Và để dạy dỗ được những HS đó, các thầy cô gần như phải dạy lại toàn bộ kiến thức ở lớp dưới cho các em. Họ còn phải dùng tới kỷ luật “thép” để bước đầu rèn luyện đạo đức cho học trò. Thế rồi Nguyễn Khuyến đã vượt qua khó khăn, thử thách để từng bước tạo nên “thương hiệu” cho riêng mình. Giờ đây, không chỉ TP.HCM mà ở các tỉnh thành khác, phụ huynh, HS ngày càng biết và đến “đầu quân” vào Nguyễn Khuyến bởi chất lượng đào tạo và thành tích nổi trội. Giáo Dục TP.HCM đã có dịp tìm hiểu những “bí kíp” dẫn tới sự thành công của ngôi trường mang tên vị quan nổi tiếng thời Nguyễn này.
Chiêu mộ giáo viên giỏi
So với các đơn vị trường học tại TP.HCM và cả nước, Trường Nguyễn Khuyến có số lượng giáo viên (GV) cực kỳ hùng hậu với hơn 650 người làm công tác giảng dạy và quản nhiệm cho gần 7.000 HS thuộc 4 cơ sở. Nếu như những năm đầu thành lập, GV của trường chủ yếu là GV thỉnh giảng từ một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM thì đến nay, con số đó đã vươn xa tới nhiều tỉnh thành trong cả nước. GV tại Trường Nguyễn Khuyến ngày càng được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó có những người đã từng gắn bó lâu năm với trường. Bà Nguyễn Yên Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, GV của trường được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau. Với những GV làm công tác giảng dạy, trường chỉ tuyển những người đã có kinh nghiệm đứng lớp, chuyên môn vững vàng. Khi xét tuyển, BGH luôn ưu tiên cho những ai đã từng đạt danh hiệu GV dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp thành phố. Ngoài những GV tại địa phương, Nguyễn Khuyến còn chiêu mộ GV giỏi từ nhiều tỉnh thành khác có nhu cầu sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Cũng thông qua nguồn tuyển này, BGH còn “phát hiện” thêm nhiều GV giỏi, có năng lực, chuyên môn vững vàng và đang là họ hàng, bạn bè của GV trong trường. Từ các mối quan hệ này, trường đã mời họ về thỉnh giảng một số ngày trong tuần, chủ động sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, điều kiện ăn ở cho những người ở xa. Trong số GV của trường còn có cả những người không thuộc chuyên ngành sư phạm, từng học trong các trường ĐH Bách khoa, ĐH KHTN, ĐH KHXH&NV… Trong quá trình giảng dạy, GV ngoài việc truyền đạt kiến thức cho HS còn phải chủ động đổi mới tư duy, học hỏi những cái mới, thậm chí học thêm những điều sáng tạo từ chính học trò của mình.
Riêng với bộ phận GV quản nhiệm, BGH chủ trương tuyển những GV trẻ, có thời gian chăm lo cho HS. Tuy làm công tác quản nhiệm nhưng bản thân họ đều phải có kiến thức vững chắc các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh để kèm cặp HS. Việc tuyển GV bộ phận này tương đối sát sao và kỹ lưỡng. GV sau quá trình chọn lọc hồ sơ sẽ có ba tháng để thực tập trong môi trường làm việc mới. Sau ba tháng, nếu kết quả phù hợp với tiêu chí nhà trường, GV sẽ được chuyển qua giai đoạn tập sự với thời hạn một năm. Sau thời gian này, những GV nào có nhu cầu giảng dạy sẽ được nhà trường bố trí lịch dạy trên lớp. Chính quy trình tuyển có phần khắt khe đó đã giúp Nguyễn Khuyến xây dựng được một đội ngũ GV quản nhiệm có năng lực chuyên môn, sự nhiệt tình để tiếp quản đông đảo HS.
Luyện “gà” bằng tình thương và trách nhiệm
Nhiều người đã vội nghĩ: với điều kiện xét tuyển “đầu vào” cao như vậy, thành tích đạt được ở Nguyễn Khuyến có gì lạ? Thế nhưng, ít ai biết được rằng, để có thể đạt được những tiêu chí đào tạo HS “nên người, học giỏi – tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100%, đường vào ĐH, CĐ thẳng tắp” là cả một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả thầy lẫn trò nơi đây. Tuy điều kiện xét tuyển vào trường tương đối cao nhưng trên thực tế đó chỉ là con số “ảo” ban đầu. Để đạt được thành tích “đẹp như mơ” đó, đội ngũ GV Trường Nguyễn Khuyến phải liên tục sàng lọc chất lượng đào tạo để có hướng rèn luyện cho những HS yếu. Là trường học hai buổi/ngày nên trường có nhiều thời gian trong việc chủ động rèn luyện kiến thức cho HS. Thầy Lê Văn Ngộ, tổng quản nhiệm cơ sở 4 cho biết: Ngoài các tiết học được phân bổ theo chương trình SGK, mỗi lớp đều có các tiết tự học vào một số ngày trong tuần. Trong các tiết học đó, GV sẽ kiểm tra, đánh giá và bổ sung kiến thức cho HS để kịp thời lấp những “lỗ hổng” cho các em (chủ yếu là các môn khoa học tự nhiên). Trong quá trình học, GV luôn yêu cầu HS không được tự bằng lòng với chính mình mà phải liên tục cố gắng, không ngại hỏi, không giấu dốt để không bị “tụt” lại đằng sau. Riêng với HS nội trú, ngoài việc được các GV quản nhiệm kèm cặp vào buổi tối, nhà trường còn bố trí cho những GV có giờ dạy ban ngày vào dạy các môn khoa học tự nhiên vào một số buổi tối trong tuần. Những HS nào có biểu hiện sa sút, học yếu hơn những HS còn lại sẽ được “điều động” thành một lớp riêng và tăng cường thêm GV dạy buổi tối.
Ngoài việc dạy HS học theo chương trình chính thống trong SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn, mỗi tổ bộ môn đều biên soạn thành những tài liệu riêng để phát cho HS. “Trong tài liệu chủ yếu là bài tập nâng cao, kiến thức bổ sung hoặc những phần kiến thức liên quan tới kỳ thi ĐH, CĐ. Ngay từ năm lớp 10, nếu phần kiến thức nào có liên quan tới các kỳ thi, GV sẽ nhấn mạnh với HS và cho các em làm các dạng bài tập mẫu để hình dung cấu trúc đề thi. Việc làm này đã được trường chúng tôi thực hiện từ những năm đầu thành lập”, bà Chi nhấn mạnh. Với cách dạy này, trong khi HS các trường công lập khác phải “tầm sư học đạo” thì HS Trường Nguyễn Khuyến không cần phải tìm thầy để học thêm bên ngoài.
Bên cạnh việc rèn luyện kiến thức, các thầy cô nơi đây còn phải đảm nhiệm trách nhiệm rèn luyện đạo đức cho HS, nhất là những HS theo học nội trú. Trong số gần 7.000 HS thì đối tượng này chiếm tới 65%. Để rèn luyện cho HS, các GV quản nhiệm vừa phải nghiêm khắc, vừa phải gần gũi bằng tình thương, trách nhiệm của một người thầy, người thân, người bạn của các em. Trung bình, mỗi GV quản nhiệm phải túc trực 15-19 tiếng/ngày với HS.
So với các trường trung học ngoài công lập tại TP.HCM, học phí của Trường Nguyễn Khuyến chỉ ở mức trung bình, đủ chi trả lương giáo viên và những sinh hoạt hằng ngày của các em. Đây cũng là một trong những tiêu chí được trường đặt ra để bất cứ đối tượng nào cũng có thể theo học. Bên cạnh đó, trường còn thực hiện chế độ miễn giảm học phí cho những HS thuộc gia đình chính sách, con em những người làm trong quân đội…
Tường Vy

Mỗi năm, Nguyễn Khuyến thu nhận khoảng 1.700 HS tại TP.HCM và các tỉnh thành khác đổ về. Và với mục tiêu giúp HS đạt được danh (danh dự) – chí (ý chí) – tin (tự tin) – thành (trưởng thành)… thầy và trò Trường Nguyễn Khuyến sẽ ngày càng vươn xa để khẳng định vị thế của mình.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)