Cô Đoan Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 trong giờ lên lớp tại trường |
Đó là Trường Phổ cập phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hơn 10 năm nay trường đã xóa mù chữ cho trên 1.000 trẻ em. Học sinh theo học đa phần là trẻ đánh giày, bán vé số…
“Đại ca” trở thành học trò ngoan
“Chú ơi, chụp hình con thật đẹp nhé, bạn đó không xinh và ngoan như con đâu!”. Câu nói của một cậu bé mập mạp có vẻ rất hiếu động làm tôi thấy vui và hạnh phúc khi tiếp cận các em. Cô giáo Ngọc Khánh cho biết: “Em tên Trần Đức Thiện 9 tuổi, có một tuổi thơ rất cơ cực. Mẹ bỏ nhà đi đâu không ai biết, còn cha suốt ngày rượu chè, cờ bạc. Khi uống rượu say về là trút hết mọi bực tức lên người bé Thiện. Khi tôi biết và tìm tới nhà, em đã là một cậu bé lì đòn, Thiện trở thành “đại ca” của những đứa trẻ bụi đời và bị bắt vào Trường Giáo dưỡng quận Gò Vấp. Các cô ở trường phải viết đơn bảo lãnh và đưa về trường uốn nắn từng ngày”. Sau một thời gian về “ăn ngủ” ở trường, đến bây giờ dù vẫn rất hiếu động, nghịch phá trong lớp nhưng Đức Thiện đã biết đọc, biết viết, gặp khách vào trường là khoanh tay chào hỏi. Cù Văn Bình sống tạm cư tại phường 21, quận Bình Thạnh, hạnh phúc hơn Thiện vì vẫn sống với cha mẹ. Nhưng cha mẹ Bình chỉ muốn em ở nhà đi bán vé số hay lượm ve chai. Biết được hoàn cảnh của Bình, các cô giáo đã đến vận động gia đình cho em tiếp tục đi học.
Để học sinh không phải nghỉ học do thiếu sách vở, các cô giáo lại phải tìm đến các trường tiểu học trong phường, quận và những nơi quen biết để xin sách cũ về cho học trò của mình.
Cho các em niềm tin vào cuộc sống
Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non thành phố và được phân công về dạy tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 8 (Q.3), Phạm Thị Ngọc Đoan sau khi ổn định việc dạy đã cùng nhóm bạn thân bàn cách mở lớp dạy chữ cho trẻ em thất học. Được người thân ủng hộ, Ngọc Đoan và các bạn bắt đầu tìm địa điểm để mở lớp. Rất may một trường ngoại ngữ nằm trên đường Điện Biên Phủ, phường 25, Bình Thạnh đã cho mượn 3 phòng học. Có phòng học nhưng không có học trò, các cô giáo trẻ phải tìm đến từng gia đình, từng địa chỉ có trẻ lang thang thất học để vận động. Cô Ngọc Đoan cho biết: “Những lần đầu đi vận động chẳng những không có kết quả mà còn bị gia đình mắng chửi: “Các cô có bị khùng không? Nhà tôi làm gì có trẻ lang thang, bỏ học…”. Sau khi đã nghe đủ những lời… khó nghe (nên có kinh nghiệm), cùng với sự kiên trì và được sự giúp đỡ động viên của lãnh đạo phường 25, cuối cùng khóa học đầu tiên cũng khai giảng vào cuối năm 1999 với 170 em đăng ký học”.
Trải qua 10 năm gây dựng và gắn bó với lớp học tình thương, các cô giáo có nhiều kỷ niệm “cười ra nước mắt” cùng các em. Cô Ngọc Đoan kể, cách đây 2 năm, một học sinh cá biệt hàng ngày đến trường học chữ đã tranh thủ chôm tiền của cô giáo. Mỗi ngày chôm một ít, khi phát hiện ra thì số tiền đã hơn 5 triệu đồng. Hỏi em sao làm vậy, em thật thà khai là do mẹ bắt phải làm vậy. Rồi chuyện mua sách, cặp… cho học sinh, phụ huynh hứa đến cuối học kỳ sẽ thanh toán tiền lại đầy đủ nhưng rồi họ cũng quên luôn. Nhiều phụ huynh không có tiền trả nên bắt con ở nhà không cho đi học nữa, các cô phải tìm đến nhà thuyết phục và hứa sẽ không đòi tiền họ mới cho con tiếp tục đi học. Cô Ngọc Đoan tâm sự: “Trong những lứa học trò “đặc biệt” này, có nhiều em đã vượt lên số phận thi vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp. Chúng tôi mừng cho các em nhưng cũng thật sự lo cho những em học trò này, vì gia cảnh quá khó khăn không biết các em sẽ lấy đâu ra tiền để đóng học phí trong những năm học tiếp theo”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bà Hà Thị Minh, Phó chủ tịch Hội đồng giáo dục phường 25 cho biết: “Hiện trường đang có trên 80 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Học sinh ở trường đa phần là con em những gia đình lao động nghèo không có tiền cho con theo học ở trường chính quy và là những đứa trẻ bụi đời sống lang thang tại các bến xe hay công viên”. |
Bình luận (0)