Quang cảnh lễ khai giảng năm học 1972-1973 tại Trường Sư phạm Tây Nam bộ. Ảnh: T.L |
Tây Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ là một chiến trường cách đầu não của chính quyền Sài Gòn không đầy 120km. Trên chiến trường có địa hình bằng phẳng, bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, địch có thể phát huy ưu thế tuyệt đối về không quân, pháo binh, cơ giới, hải quân để bao vây, chia cắt, uy hiếp, chiếm đóng, kìm kẹp trong khi lực lượng cách mạng thì phải trụ lại trên chiến trường xa hậu phương nhất, khó nhận chi viện về người và vũ khí nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Vậy mà tại chiến trường ác liệt và tưởng chừng bất cân xứng về thực lực quân sự này đã ra đời và tồn tại một ngôi trường sư phạm – Trường Sư phạm Trung cấp Tây Nam bộ. Khóa đầu tiên đào tạo cán bộ giáo dục (nay gọi là quản lý giáo dục) được mở vào thời điểm cách mạng miền Nam vừa qua một bước ngoặt lớn: Đồng khởi thành công, nhiều nơi vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc đã phá vỡ được bộ máy kìm kẹp của địch. Tuy nhiên lực lượng cán bộ của ta đã bị tiêu hao nặng nề nên còn rất mỏng. Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục để gầy dựng phong trào giáo dục vùng giải phóng, đào tạo giáo viên để dạy cho thế hệ trẻ nơi đây, nhiệm vụ khó khăn tưởng chừng bất khả thi ấy đã được Khu ủy trao cho Trường Sư phạm Tây Nam bộ.
1. Trường không đóng nơi cố định mà phải thường xuyên đổi chỗ, lúc sống giữa lòng dân, khi thì trong rừng nhằm đối phó với pháo binh, máy bay, giang thuyền địch, các trận rải chất độc hóa học, trận tập kích của biệt kích. Gạo cho thầy và trò được cấp cho qua “đảm phụ kháng chiến”. Đây là hình thức người dân các vùng giải phóng hoặc vùng “ngày của địch, đêm của ta” góp lúa nuôi cách mạng. Các chuyến đi thu lúa đảm phụ này rất nguy hiểm, có khi phải đổi bằng mạng sống của cán bộ và học viên. Thức ăn thì thầy trò tự túc. Nước ngọt vào mùa mưa thì còn có chút ít mà dùng, vào mùa khô thì thật là căng thẳng nếu ở rừng đước. Phải cất nước mặn để có nước ngọt uống, nước sinh hoạt thì đi ra dân đổi nước, chở bằng xuồng về dùng.
Có thể nói học lập cứ, dựng trường, dựng trại, bắt cá, tìm rau, quan hệ với dân… là “môn học và thi bắt buộc” nhằm rèn luyện kỹ năng sống mà 100% thầy và học viên trường chúng tôi phải trải qua khi vào trường. Lượng sách giáo khoa rất quý hiếm bấy giờ được đem từ miền Bắc vô bằng nhiều cách, có lúc qua đoàn tàu không số. Lực lượng giáo viên được hình thành từ ba nguồn. Nguồn thứ nhất là nguồn tại chỗ gồm những cán bộ chính trị, các giáo viên nằm vùng còn sót lại sau Luật 10/59 và các đồng chí vượt ngục tù thắng lợi trở về. Nguồn thứ hai là các trí thức rời bỏ vùng địch tạm chiếm vào chiến khu tham gia cách mạng. Có cả một gia đình trí thức kháng chiến như gia đình nhà giáo Bùi Thị Mè – sau này là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, bà mẹ Việt Nam anh hùng – cả vợ chồng cùng bốn con trai từ Sài Gòn dấn thân vào vùng giải phóng, người làm thầy, người làm trò tại trường sư phạm. Nguồn thứ ba được chi viện từ miền Bắc phải vượt Trường Sơn về tận Tây Nam bộ gồm các giáo viên dạy các trường cấp 2-3 và giảng viên ĐH cùng các sinh viên vừa mới tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội và Vinh. Trong số này có nhiều người là học sinh miền Nam, có người đã lựa chọn về Nam chiến đấu thay vì đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh như cô Phạm Kim Yến, đảng viên trẻ, tốt nghiệp Khoa Văn ĐHSP Vinh 1965.
2. Học viên của trường được chọn từ các cán bộ giáo dục và giáo viên trẻ trong vùng giải phóng, các học sinh sinh viên đang học trong vùng địch chiếm, chiến sĩ trẻ trong quân ngũ, con em gia đình cách mạng. Học viên lớp sư phạm thì đa số tuổi từ 16 đến 30, trình độ văn hóa thì có người đang là sinh viên, người chưa hết cấp 1. Khóa học kéo dài vài tháng đến hơn 1 năm, ra trường tùy kết quả học tập mà được cấp giấy chứng nhận dạy được cấp 1 hay cấp 2, dạy được môn gì. Học viên cán bộ giáo dục thì lớn tuổi hơn, trình độ đồng đều hơn và khóa học ngắn hơn. Học viên được học về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ sư phạm, giáo sinh được đi thực tập, dạy thử. Khóa nào tuyển được học viên có trình độ tốt, thời gian đào tạo tương đối dài còn được học triết học. Không chỉ được học các môn văn hóa và nghiệp vụ nói trên, học viên còn được thầy cô tận tình chỉ bảo “học ăn, học nói, học gói, học mở” trong đời thường, còn được học hát, học nhạc, đóng kịch, biểu diễn văn nghệ, tập thể dục, đánh bóng chuyền… Có thể nói trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thiếu thốn mọi bề mà trường duy trì được một nếp dạy và học như vậy là một điều gần như thần kỳ.
Rời trường sư phạm, rất đông giáo sinh đã về địa phương đứng lớp hay làm lãnh đạo địa phương. Đồng chí Phan Văn Oanh – học viên khóa 1968 – ra trường được phân công làm Trưởng ban Vận động tòng quân của huyện. Trên đường đi công tác anh bị giặc bắn bị thương nặng. Bị tra khảo, anh trừng mắt nhìn kẻ thù, không nửa lời khai báo. Biết không khuất phục được anh, chúng đè anh xuống mổ bụng. Không khiếp sợ, anh dõng dạc hô vang “Đả đảo Mỹ ngụy” và 3 lần “Bác Hồ muôn năm” rồi trút hơi thở cuối cùng. Thầy Nguyễn Văn Hòa (Ba Đông), giáo viên cấp 3 môn sinh vật, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội – một giáo viên say mê sưu tầm các mẫu động thực vật rừng Tây Nam bộ ngay trong kháng chiến – đã hy sinh năm 1972 trong lúc đi thu lúa đảm phụ kháng chiến. Thầy đã dũng cảm lấy thân mình che để cứu một đứa bé 6 tuổi vô tình làm rơi trái đạn M79 khiến nó phát nổ trong nhà. Trước lúc mất, thầy còn kịp nói ba lần: “Đế quốc Mỹ cút đi, đế quốc Mỹ cút đi, đế quốc Mỹ cút đi”. Và còn nhiều, rất nhiều tấm gương hy sinh lẫm liệt khác. Xương máu của rất nhiều thành viên của trường nay đã hóa thành một phần không thể tách rời của vùng đất cuối trời phương Nam của Tổ quốc, có người còn để lại máu thịt trên chiến trường K sau ngày hòa bình.
3. Không chỉ góp phần đào tạo cán bộ cho cuộc kháng chiến và chăm lo phát triển giáo dục vùng giải phóng, Trường Sư phạm Tây Nam bộ còn chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc kiến thiết đất nước. Sau ngày hòa bình lập lại, các học viên của trường đã đều được đi học thêm rồi tham gia công tác. Sau này nhiều người được phong các danh hiệu cao quý của ngành, có 3 người thành tiến sĩ. Nhiều người được bổ nhiệm vào các cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị của Trung ương và địa phương, làm lãnh đạo cơ quan dân – chính – Đảng cấp tỉnh, huyện. Thầy Nguyễn Thanh Bình, nguyên học viên khóa 1 cán bộ giáo dục sau thành Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 2 thuộc Học viện Chính trị quốc gia; trong số các giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh miền Tây Nam bộ, rất nhiều người từng là học viên của trường, trong đó có NGND.TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên học viên khóa 1969 của Trường Sư phạm Tây Nam bộ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Trường Sư phạm Tây Nam bộ từ khi ra đời đến khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử chỉ tồn tại vỏn vẹn có 14 năm. Trong cái chớp mắt ấy của lịch sử, trường đã mở 14 khóa đào tạo cán bộ giáo dục và giáo viên với hơn 600 cán bộ giáo dục tỉnh, huyện và hàng trăm giáo viên cấp 1 cùng khoảng 150 giáo viên cấp 2. 14 năm ngắn ngủi nhưng đủ để chứng tỏ hiệu quả của trường trong việc đào tạo “con người vừa hồng vừa chuyên; học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”. Chỉ 14 năm ngắn ngủi nhưng ngôi trường này đã kịp đặt dấu ấn chất lượng lên đời của mỗi thành viên, dấu ấn chất lượng này còn được cuộc sống kiểm định trong suốt những năm chiến tranh và cả cho đến ngày nay.
4. Giờ đây, ngôi ôn lại những trang vàng lịch sử của trường, có thể đặt câu hỏi: yếu tố nào đã ảnh hưởng tích cực nhất đến chất lượng đào tạo của trường trong kháng chiến chống Mỹ? Không phải điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị của trường, cũng không phải tay nghề của thầy cô mà chính là môi trường chính trị – xã hội trong vùng giải phóng lúc đó. Nghe có vẻ “công thức” nhưng đúng là như vậy. Thời ấy, triệu tấm lòng từ dân đến cán bộ đều cùng nhìn một hướng, đồng lòng phấn đấu vì một mục tiêu duy nhất – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời ấy thầy trò chúng tôi hàng ngày được đắm mình trong môi trường tuyệt vời để giáo dục, để rèn luyện nhân cách và lý tưởng sống, một môi trường mà thời nay không dễ gặp. Thời ấy môi trường chính trị – xã hội luôn sục sôi một khí thế cách mạng cuốn hút mọi người từ thầy đến trò phải không ngừng phấn đấu: học ở thầy, học lẫn nhau, học từ cuộc sống, tự học, tự rèn luyện, vượt lên chính mình, dám dấn thân và xả thân để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cách mạng được giao. Thời ấy môi trường chính trị – xã hội tẩy sạch các diễn biến tiêu cực, đầu hàng. Thời ấy đất lành nên quả ngọt là tất nhiên.
Nhà giáo kháng chiến chúng tôi thời ấy nghèo như mọi người nhưng được tôn trọng thực sự, được học viên coi là thần tượng, dân chúng yêu mến, cấp ủy coi trọng. Lòng tôn trọng ấy chính là nguồn dưỡng khí dồi dào khiến chúng tôi cháy hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Vâng, thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thành viên của Trường Sư phạm Tây Nam bộ đã sống đúng theo danh ngôn “người thầy như ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian”.
TS. Hồ Thiệu Hùng
Bình luận (0)