Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ngôi trường giàu tình thương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vòng tay yêu thương của thầy cô, tinh thần hòa đồng, thân thiện của bạn bè đã xóa đi sự mặc cảm, tự ti ở các em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, giúp các em hòa nhập tốt, yên tâm học tập và rèn luyện
Khi chúng tôi hỏi đường đến Trường TH An Lạc 1 (Q.Bình Tân), nhiều người dân chia sẻ rằng, đó là một ngôi trường rất đặc biệt. Bởi 5 năm nay, nhiều đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, mồ côi sinh sống trong chùa Từ Hạnh (Q.Bình Tân) được lãnh đạo trường tạo điều kiện cho học tập, sinh hoạt.
Để làm được điều này, tất cả đều xuất phát từ tình thương. Và hơn hết là quan điểm, cách nghĩ mới về giáo dục của thầy trò Trường TH An Lạc 1.
Những đứa trẻ khát tình cảm cha mẹ
Chúng tôi bước vào lớp 1/10, tất cả học sinh (HS) ngoan ngoãn đứng lên chào khách. Chúng tôi để ý thấy một HS ngồi ở cuối lớp tỏ ra khá e dè, ít nói. Đó là em Huỳnh Thanh Trường, năm nay 6 tuổi, hình dáng nhỏ hơn bạn bè. Khi được hỏi đến ba mẹ, Trường thỏ thẻ: “Mẹ con tên Hoa, ba con tên Dụ. Ba mẹ nói là nghèo quá, không có tiền nuôi con nên gửi con vào chùa Từ Hạnh. Bây giờ ba mẹ đang ở ngoài Bắc cô ạ…”. Những lời chia sẻ thơ ngây của Trường khiến bất kỳ ai đến thăm trường đều không giấu được cảm xúc. Vì em sớm thiếu sự chăm sóc của ba mẹ, tình cảm ấm áp của người thân.
Em Cao Xuân Lộc (lớp 1/4) cũng kém may mắn như Trường. Lộc chưa một lần biết mặt ba mẹ mình là ai, chỉ biết các ni cô nhặt em ngoài cổng chùa rồi mang vào nuôi nấng, chăm sóc khi mới lọt lòng. Lộc có gương mặt khôi ngô, đôi mắt sáng nhưng rất hiếm khi cười tươi. Thời gian đầu vào lớp, suốt buổi học Lộc chỉ nói được vài câu khi cô giáo hỏi. Đôi lúc nhìn thấy phụ huynh đến đón bạn bè ra về, Lộc ngoái nhìn theo một cách vô hồn. Có lẽ em đang thèm muốn một điều gì đó giống như bạn mình…
Ngoài Trường và Lộc, hiện Trường TH An Lạc 1 có gần 30 HS khác có hoàn cảnh tương tự. Mỗi lớp có từ 1 đến 4 em học tập, sinh hoạt. Cô Trương Thị Vân, chủ nhiệm lớp 1/10, cho biết: “Hầu hết các em đều có hoàn cảnh hết sức đáng thương: Gia đình nghèo khó, ba mẹ li dị hoặc có em sớm mồ côi khi mới sinh. Cuộc sống của các em phải nương tựa cửa Phật. Trong đó có một số em bị khiếm khuyết trí tuệ, chậm tiếp thu kiến thức, một số em cá biệt, bướng bỉnh…”. Theo cô Vân, ngày mới vào trường, các em thụ động, ít nói, tự ti. Giờ ra chơi chỉ ngồi yên một chỗ hoặc chơi với bạn bè ngồi chung ghế. Ánh mắt đượm buồn luôn hiện hữu trên những gương mặt ngây thơ, non nớt của các em. Bước vào bất kỳ lớp học nào đều có thể nhận ra ngay những đặc điểm này.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Quyết, chủ nhiệm lớp 1/4, cho hay: “Có thể do thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người thân quá sớm đã khiến các em mặc cảm, sống khép kín, hình thành nên một khoảng cách với người xung quanh mà ít hòa đồng, vui tươi”.
Hàng ngày, ngoài một buổi sinh hoạt ở chùa, còn một buổi các em được sang trường học tập. Khoảng cách từ chùa đến trường không xa nhưng phải băng qua đường Kinh Dương Vương có nhiều xe lớn lưu thông, rất nguy hiểm. Nhưng các em hết sức ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô giáo trong trường nên luôn xếp hàng ngay ngắn, đi theo thứ tự, không xô lấn khi qua đường. Hình ảnh này dường như trở nên quá đỗi thân quen trong mắt người dân khu phố 3, phường An Lạc nhiều năm nay.
Cần quan tâm các em nhiều hơn
Những ngày đầu mới vào trường, các em được tham gia kiểm tra kiến thức. Dựa vào đó, thầy cô giáo xếp các em vào lớp 1 đến lớp 5 cho phù hợp. Từ đó, các em được học tập, tham gia mọi hoạt động phong trào trong nhà trường như những HS khác. Đơn cử như Hội thi tìm hiểu an toàn giao thông vì nụ cười trẻ thơ, thi Nét vẽ xanh, Ngày hội tập viết đúng viết đẹp, tái chế chất thải… Cũng từ những hoạt động phong trào này mà các em dần hòa nhập tốt hơn. Bên cạnh đó, giáo viên còn khích lệ tinh thần các em như  mạnh dạn giơ tay phát biểu ý kiến trong học tập, giờ sinh hoạt ngoại khóa hay tham gia giải quyết các tình huống. Mặt khác, các em HS bình thường cũng hòa đồng, thân thiện hơn với bạn mình, sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần. Vì lẽ đó, khoảng cách do các em tự tạo đã dần thu hẹp mỗi ngày. Các em đã mạnh dạn, tự tin, những nụ cười tươi dần nở trên môi. Nhiều em tiến bộ rất nhanh, học rất tốt. 
Em Tăng Kim Tuyến (lớp 4/7) tâm sự: “Con vào học ở trường từ lớp 1. Được học chữ, tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè khiến con cảm thấy rất vui cô ạ. Con rất yêu quý thầy cô, yêu mến bạn bè!”. Còn em Nguyễn Thị Mỹ Lợi (lớp 4/8) vui mừng khoe: “Con cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ được đến lớp học cùng các bạn. Thế nhưng con may mắn đã được thầy cô đón nhận vào trường. Thầy cô và bạn bè rất tốt bụng, luôn yêu thương chúng con. Con sẽ cố chăm chỉ học tốt để không phụ lòng mọi người”. Được biết, Tuyến và Lợi luôn đạt danh hiệu HS khá giỏi của trường.
Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Thị Trúc Phương, Phó hiệu trưởng nhà trường, đã không giấu được những giọt nước mắt khi nói về những em này. “Các em hết sức đáng thương. Cùng lứa tuổi nhưng các HS bình thường khác lớn lên và phát triển dưới tình thương, bàn tay chăm sóc của ba mẹ, người thân. Ngược lại, các em này không chỉ thiếu thốn vật chất mà còn thiếu thốn cả tinh thần. Ngày ngày nhìn ba mẹ đến đưa đón bạn bè, nhiều em cứ dõi theo mà không nói gì. Chứng kiến những hình ảnh này, ai cũng xót xa”.
Theo cô Trúc Phương, việc nhận giảng dạy các em được thực hiện theo chủ trương, hướng dẫn của lãnh đạo ngành giáo dục. Tuy ban đầu một số em gặp vướng mắc về giấy tờ hợp lệ gây khó khăn cho nhà trường, nhưng khi giúp đỡ các em được một phần khiến những người làm công tác giáo dục cảm thấy hạnh phúc, vui mừng. “Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều HS gặp hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được tạo điều kiện học tập ở mọi nơi. Mỗi ngôi trường chỉ cần dang rộng cánh tay, cố gắng một chút thì cơ hội được học tập sẽ luôn rộng mở đến các em. Việc làm này phần nào bù đắp những thiếu thốn mà các em đang gánh chịu”, cô Trúc Phương bày tỏ.
Ngoài việc dạy dỗ trên lớp, hàng năm nhà trường còn quan tâm đến các em bằng việc mua bảo hiểm, chăm lo đồng phục, hỗ trợ mua tập vở… Có thể nói, được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong học tập, các em không còn lo lắng mà an tâm học tốt hơn. Hơn hết, bản thân các em đã học được nhiều giá trị, kỹ năng sống cho mình. Một kết quả hiển nhiên là những HS cá biệt, bướng bỉnh đã trở nên ngoan ngoãn, biết nghe lời và quan tâm đến mọi người xung quanh hơn!
Ngọc Trinh
Hàng năm, Trường TH An Lạc 1 luôn được UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học, góp phần tích cực trong công tác thi đua của thành phố. Đặc biệt nhà trường còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, ghi nhận công lao góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)