Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngôi trường… “nhất nghệ tinh”

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội giảng giáo viên dạy nghề cấp thành phố năm 2015, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho 8 bài giảng xuất sắc nhất; trong số này có 5 giải được trao cho các giáo viên của Trường CĐ Nghề TP.HCM. Nhiều người nói vui rằng: Trường CĐ Nghề TP.HCM là ngôi trường… “nhất nghệ tinh”.

Hội giảng năm nay có 73 giáo viên đến từ 27 cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố tham gia nên có tính cạnh tranh khá cao.

Mang bầu vẫn đi thi

Đó là trường hợp của cô Trần Thị Thu Hiền (Phó khoa Cơ khí chế tạo) – một trong 5 giáo viên của trường đoạt giải nhất – khi tham gia hội giảng năm nay, cô đang mang bầu tháng thứ 6. Chia sẻ với chúng tôi, cô Hiền cho biết bản thân cô gắn bó với ngành cơ khí rất tình cờ vì không có định hướng trước, nhưng qua thời gian cô càng yêu thích cái ngành mà nhiều người cho là chỉ dành cho… phái mạnh.

Nhận xét về nhược điểm của mình, cô Hiền nói: “Tôi là giáo viên trẻ, lại là phụ nữ nên phương pháp và kỹ năng dạy, đặc biệt là kỹ năng thực hành còn nhiều hạn chế”. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cô dễ dàng bỏ cuộc, ngược lại cô đã cố gắng rất nhiều, thường xuyên luyện tập cùng sinh viên, có lớp bồi dưỡng nào cũng tích cực tham gia, luôn lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia và đồng nghiệp. Có lẽ nhờ những cố gắng này cộng với sự tỉ mỉ, chi tiết, sáng tạo đã giúp cô giáo trẻ gặt hái được thành công tại hội giảng năm nay.

Tại hội giảng, cô Hiền thực hiện bài giảng Mài mũi khoan xoắn. Đây là một bài giảng được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là khó, đòi hỏi người giáo viên phải có kỹ năng tốt về mài mũi khoan; trong khi cô Hiền đang mang bầu nên sức khỏe khá yếu. Vậy nhưng, chỉ qua một giờ đồng hồ thực hiện bài giảng, cô không chỉ giúp sinh viên nắm vững lý thuyết mà còn có kỹ năng, thao tác tốt – mũi khoan các em thực hiện khá điêu luyện.

Các giáo viên đoạt giải nhất tại hội giảng trao đổi với đồng nghiệp khoa sư phạm dạy nghề về kỹ năng đứng lớp tại trường

Để thực hiện bài giảng này, cô Hiền đã mất khá nhiều thời gian và công sức chuẩn bị trong thời điểm “bụng mang dạ chửa”. Nhớ về những ngày tháng chuẩn bị cho hội giảng, cô Hiền chia sẻ: “Ngoài thời gian đứng lớp giảng bài cho sinh viên, tôi phải dành thêm nhiều thời gian để trau dồi kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành cho bài thi. Vì vậy, tôi thường xuyên trực tiếp xuống xưởng thực hành, tập các thao tác khoan sao cho thành thục để hướng dẫn cho sinh viên. Với một giáo viên dạy trường nghề, nếu không có tay nghề cao chắc chắn không thể đem lại những bài giảng gắn với thực tế được”. Cô Hiền có dáng thấp bé lại đang mang bầu nên việc “đánh vật” với những máy móc đồ sộ, nặng hàng chục tấn quả thật là không hề dễ dàng, sức khỏe của cô cũng bị ảnh hưởng nhiều. Sau mỗi lần thực hành bài giảng, mồ hôi ra ướt đẫm cả áo nhưng cô vẫn không bỏ cuộc. Có lẽ, nhờ lòng nhiệt huyết với nghề nghiệp, cô đã “cùng con” vượt qua được những thử thách khó khăn.

Bài giảng gắn với thực tế

“Những giáo viên đoạt giải nhất trong hội giảng đều có năng lực sư phạm và năng lực chuyên môn cao. Mỗi người đều có thế mạnh riêng nhưng tựu trung, họ là những người rất yêu nghề, nhiệt huyết với nghề…”, cô Phan Vũ Nguyên Khương (Trưởng khoa Sư phạm dạy nghề), người trực tiếp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho những giáo viên đoạt giải, chia sẻ.

Theo đánh giá của các giáo viên đoạt giải tại hội giảng năm nay, một trong những yếu tố giúp họ được vinh danh chính là lựa chọn những bài giảng có tính ứng dụng thực tiễn cao nhất. Đơn cử là trường hợp của thầy Nguyễn Anh Vũ (giáo viên Khoa Điện – Điện tử) – giành giải nhất với bài giảng Nạp mô chất lạnh cho máy điều hòa treo tường. Thầy Vũ cho biết: “Việc nạp ga trong máy lạnh hiện có tính ứng dụng cao, bởi hầu như gia đình nào cũng sử dụng máy lạnh nên đây là một trong những kỹ năng nghề mà sinh viên cần nắm chắc để ứng dụng khi ra trường. Bên cạnh tính ứng dụng của bài giảng thì bản thân giáo viên phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng thực hành”. Thầy Vũ cho biết thêm: “Ngoài việc bản thân giáo viên phải tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức trên các tài liệu thì việc học hỏi ở các đồng nghiệp cũng rất quan trọng. Bởi khi dạy nghề, giáo viên cần phải có kỹ năng sư phạm và kỹ năng nghề…”.

Bài giảng của thầy Vũ ở hội giảng lần này chỉ dài 60 phút, do đó làm sao để vừa giảng dạy lý thuyết, vừa tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên là điều không phải dễ. “Nội dung đã có trong chương trình, giáo viên chỉ tập trung công sức để thực hiện mô hình phù hợp, tích cực hơn. Tuy nhiên, điểm khó nhất của bài giảng chính là làm sao để tất cả sinh viên đều hứng thú, yêu thích nhưng mỗi lớp lại có nhiều đối tượng khác nhau, tiếp thu khác nhau… Vì thế, giáo viên phải sử dụng phương pháp giảng dạy tích hợp, lấy sinh viên làm trung tâm, đưa những vấn đề thực tiễn của cuộc sống mà sinh viên gặp hàng ngày để các em tìm tòi, sáng tạo thì các em mới tích cực tham gia. Tuy nhiên, để giỏi nghề, tôi nghĩ rằng ngoài bài giảng ở trên lớp, sinh viên khi về nhà phải tích cực thực hành thật nhiều thì mới thuần thục được”, thầy Vũ chia sẻ.

Bài, ảnh: Dương Bình

Sự cố gắng của từng cá nhân

Ngoài hai giải nhất của cô Trần Thị Thu Hiền và thầy Nguyễn Anh Vũ, trường còn có 3 giáo viên khác cùng đoạt giải nhất là thầy Nguyễn Hoài Minh Luân với bài giảng Lập trình điều khiển tốc độ quạt điện, cô Nguyễn Thu Hà với bài giảng Lắp mạch dao động đa hài phi ổn dùng IC NE555 và thầy Nguyễn Quốc Huy với bài giảng Cấu hình định tuyến tĩnh trên window CV 2003. Năm giáo viên này sẽ đại diện cho TP.HCM tham dự hội giảng cấp toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng.

Chia sẻ về những thành quả mà giáo viên của trường đạt được, ông Trần Kim Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, nói: “Giải thưởng này là sự cố gắng của từng cá nhân và là nỗ lực của cả tập thể. Trước khi dự hội giảng, các giáo viên đã chuẩn bị rất kỹ, nhận được góp ý của nhiều đồng nghiệp ở các bộ môn, khoa sư phạm dạy nghề… Nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về trang thiết bị để giáo viên thực hành, mời các chuyên gia trường khác về phân tích, đánh giá thêm nên thầy cô có thêm nhiều kinh nghiệm. Nhờ cách làm này mà những năm trước nhà trường cũng có nhiều giáo viên đoạt giải cao như năm 2012 có 2 giáo viên đạt giải nhất; năm 2009 có 2 giáo viên đạt giải nhất và 1 giáo viên đạt giải khuyến khích…”. 

 

Bình luận (0)