Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Ngôi trường thơ”

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng trưng bày của Tổ thơ Phấn Trắng. Ảnh: V.H

Sau một tháng đi vào hoạt động, Tổ thơ Phấn trắng của Trường THCS – THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM) đã cho ra đời nhiều bài thơ hay và ý nghĩa. Tất cả được thể hiện đầy đủ qua tập thơ Mái trường tôi yêu. Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh (Hiệu trưởng Trường Ngô Thời Nhiệm) cho biết: “Trước đây, việc làm thơ chỉ mang ý nghĩa giáo dục tính đoàn kết, lòng nhân ái cho HS. Sau đó, tổ thơ đã tạo điều kiện để giao lưu, trao đổi với các nhà thơ nổi tiếng, giúp HS học hỏi, biết sâu hơn cách làm thơ cũng như ươm mầm, nuôi dưỡng các nhân tố thơ trẻ. Có những bài thơ chỉ được viết trong vài dòng, nhưng chứa chan tình cảm, hồn nhiên, trong sáng như bài thơ Cô giáo của em của Trương Hồng Đức (học sinh lớp 3/2): Cô giáo dạy tôi/ Là người tuyệt vời/ Dạy lớp hiểu bài/ Dạy lớp cách học. Hiện, các thành viên trong tổ thơ đang gấp rút biên tập tập 2 Mái trường tôi yêu, ngoài đề tài quen thuộc về tình thầy trò, quê hương đất nước còn phát động thêm đề tài về biển đảo, Bác Hồ, dự kiến tháng 6 tới sẽ phát hành.
Cô Thúy Vĩnh cho biết thêm, có nhiều bài thơ đã thay mặt cô truyền tải những điều muốn nói đến HS được ra đời theo dòng chảy của cảm xúc. Như bài thơ Con là biển và cô là bờ ra đời trong một lần tình cờ các em HS hiếu động khiến cô không vui, nhưng cô không la mắng mà cho ra các câu thơ: Biển hiếu động cồn cào cuộn sóng/ Sóng vô tình vỗ đau bờ cát/ Bờ dịu hiền ôm biển mênh mông”. Thầy Huỳnh Linh Sơn (Chủ nhiệm CLB thơ Phấn Trắng) bật mí: “Hàng tháng, các thành viên đều chọn ra những bài thơ xuất sắc nhất để tuyên dương. Hiện, tổ thơ không ngừng vận động tìm kiếm những hạt giống mới từ giáo viên đến HS, đồng thời động viên khuyến khích các cây bút viết đều tay để tổ thơ ngày càng phát triển vững mạnh”.
Võ Hạnh

Bình luận (0)