Cô hiệu trưởng nhịn phần ăn của mình cho học sinh. Cô chủ nhiệm lớp 2 cho tiền học phí, cô chủ nhiệm lớp 1 đề nghị đưa rước và cô bảo mẫu, chị bán căngtin góp tiền vào bữa ăn của đứa trò nhỏ. Câu chuyện có thật đang diễn ra ở một trường tiểu học mới khánh thành được hai năm học ở quận 12, TP.HCM.
Cô hiệu trưởng Lý Thị Mỹ Phượng và Minh Châu – Ảnh: Tiến Hùng |
1. Trường tiểu học Trương Định (P.Tân Thới Nhất, Q.12) chưa có bảng thông tin. Những ngày đầu năm 2010, người ta thấy trên bức tường trước cổng trường dán những dòng thông báo lạ: “Em Nguyễn Minh Châu là học sinh nghèo – ngoan – giỏi của lớp 2A. Hiện nay hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn: cha bị ung thư da phải điều trị rất tốn kém. Gia đình neo đơn không ai chăm sóc em nếu phải chuyển sang học hai buổi/ngày – không bán trú. Em Châu rất cần những tấm lòng vàng của phụ huynh cùng chia sẻ để giúp em tới trường”.
Phía cuối bảng ghi số điện thoại liên hệ. Bên cạnh đó dán một bài trên báo Khăn Quàng Đỏ giới thiệu công trình sáng tạo của cậu học sinh tên Minh Châu và một người bạn. Tiếp đó có cả sơ đồ chỉ đường để người ta có thể trực tiếp đến nhà Châu. Dòng thông tin trên khiến rất nhiều phụ huynh chú ý…
2. Số điện thoại ghi ở dưới là của cô Lý Thị Mỹ Phượng, hiệu trưởng nhà trường. Và những dòng thông báo ngoài cổng trường chính là “tác phẩm” của cô.
Ngày đầu năm học, cô tiếp một phụ huynh rụt rè xin phép được đóng học phí chậm cho con. Cô biết phụ huynh này từ trước, khi đưa con vào lớp 1, nghe nói hoàn cảnh khó khăn lắm. Thế rồi tiền ăn cho bán trú (13.000 đồng/ngày) phụ huynh cũng chưa đóng kịp. Đầu tiên nhà trường cho đóng chậm nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Thôi thì cô hiệu trưởng nói nhà ăn cắt phần cơm trưa của mình cho cậu trò nhỏ. Mọi việc tưởng đã giải quyết ổn thỏa thì một ngày cô nghe lũ trẻ xì xào rằng bé Châu “ăn chực”. Hóa ra phần ăn trưa của hiệu trưởng lại không có ăn xế nên cậu trò nhỏ phải nhịn đói lúc các bạn ăn.
Họp phụ huynh, cô Phượng đề nghị giáo viên chủ nhiệm nói rõ để phụ huynh nhắc nhở con mình chia sẻ chứ đừng làm tổn thương bạn.
Cuối năm học, nhà trường mời phụ huynh lên hỏi về học phí. Vài ngày sau ba Châu nộp một lá đơn xin cho con nghỉ học. Cô Phượng ghé nhà biết một hoàn cảnh đau buồn hơn câu chuyện học phí và tiền ăn.
3. Anh Long, cha bé Châu, vốn là bộ đội chiến trường Campuchia rồi chuyển sang thanh niên xung phong công tác ở Tây nguyên. Thời ấy anh đưa vợ lên Tây nguyên vay tiền lập nghiệp bằng trại gà, nhưng dịch bệnh, thất bại, nợ nần nên phải trở về thành phố đi làm thuê.
Bé Châu được 8 tuổi cũng là tám năm họ ở nhà thuê khắp nơi trong thành phố. Chị Cúc, vợ anh, làm công nhân ở Xí nghiệp Dược trung ương 24, tiền lương 2,5 triệu đồng/tháng. Anh làm thuê, làm mướn đủ nghề để lo cho con đi học.
Bỗng một ngày nọ anh phát hiện trong mình có một khối u đã di căn. Sau hơn ba năm với ba lần mổ, giờ đây anh phải dùng tới thuốc giảm đau cực mạnh. Hằng ngày anh giữ nhà, đưa con đi học, buổi tối chạy xe ôm từ 23 giờ cho đến sáng. Giữa các khoảng thời gian đó là những cơn đau. Ngày nộp đơn cho con nghỉ học, anh chỉ tính đường thoái lui tạm, chờ vợ nhận tiền cuối năm sẽ đóng cho nhà trường. Nhưng rồi mọi việc khác hơn anh tính. Nhà trường đã không cho con anh nghỉ học.
4. Cô hiệu trưởng vui mừng cho biết: “Hiệu quả hết sức bất ngờ: phụ huynh trong lớp đóng góp được vài trăm ngàn đồng, những phụ huynh lớp khác cũng gom vào. Có trường hợp hai phụ huynh tới phòng tôi xin góp 50.000 đồng. Tôi hỏi: “Khó khăn quá mà đóng góp làm gì?”. Đáp: “Thôi, người nghèo khó chia sẻ chút xíu cô ơi”. Một trong hai phụ huynh đó là công nhân của xí nghiệp dệt gần trường. Năm ngoái, chồng chị về quê ở miền Trung rồi mất vào mồng 9. Nhà trường đã hỗ trợ học phí và nhiều chính sách ưu tiên để con chị tiếp tục học được tới bây giờ.
Rồi cô Ngà bảo mẫu góp 40.000 đồng, chị bán căngtin của trường góp 200.000 đồng. Phụ huynh và học sinh trong lớp, mỗi người đóng 5.000-10.000 đồng, được 268.000 đồng cùng với phụ huynh trong trường cộng lại cũng được gần 400.000 đồng… Cứ thế, quỹ đóng góp cho Minh Châu được thêm một ít.
Trong ngôi nhà trọ chật chội của mình, chị Cúc, mẹ Châu, kể: hồi năm lớp 1 Châu học cô Dung, cô Dung tự bỏ tiền tổ chức sinh nhật cho Châu. Năm nay nghe ba Châu bệnh nặng, cô Dung tiếp tục đề nghị: “Anh chị làm gì cứ làm, hết giờ để tôi chở cháu về nhà tôi, chừng nào xong việc chị ghé đón cháu. Năm nay lớp 2, giáo viên chủ nhiệm là cô Chiển bỏ tiền lo học phí cho Châu, còn việc phụ đạo, dạy thêm cô không lấy tiền”.
5. Trong ngôi trường có 500 học sinh này, hình như cô Phượng biết quá nhiều việc. Cô biết ba Châu chỉ có chiếc xe Wave rẻ tiền chạy xe ôm mà nhiều khi cứ phải đi cầm để lấy tiền uống thuốc. Cô biết gia đình họ từng có lúc định uống thuốc độc tự tử để giải thoát. Cô nói muốn bắc một nhịp cầu để nối sự cảm thông của con người, để những đứa trẻ xung quanh Châu tiếp cận một bài học đạo đức sống động nhất.
20 năm trong nghề, khi làm hiệu phó ở trường cũ cô cũng bỏ tiền ra để cô chủ nhiệm lo cho hai học sinh nghèo. Giờ cô muốn kêu gọi mọi người cùng đến với Châu bởi em thông minh, giỏi và ngoan ngoãn.
Chị Cúc gọi ngôi trường này là “ngôi trường tình thương” vì tất cả những gì mọi người đã chia sẻ với gia đình chị. Nhưng chưa ai bảo đảm được điều gì khi mà con đường phía trước đối với cậu học trò nghèo vẫn còn quá nhiều cam khó và bất trắc.
TIẾN HÙNG / TTO
Bình luận (0)