Hiện TP.HCM có hơn 600 khu vực đang bị phong tỏa do liên quan đến các trường hợp mắc Covid-19. Đây là những nơi nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vậy người dân ở đây đang sống như thế nào? Còn lực lượng trực chốt, ngoài kiểm soát không cho ai ra/vào, họ còn làm gì?…
Mạnh thường quân tặng quà cho người dân hẻm 2 Cao Thắng, P.5, Q.3 đang bị phong tỏa
Bên trong… vẫn bình yên
Chưa hết 14 ngày phong tỏa lần thứ nhất để phòng chống dịch Covid-19 (kể từ ngày 20-6), gia đình chị Phạm Thị Anh cũng như các hộ gia đình khác thuộc khu phố 4, P.An Lạc, Q.Bình Tân tiếp tục nhận thông báo phong tỏa 14 ngày lần thứ 2 kể từ ngày 4-7. Không như ngày đầu khá lo lắng cho cuộc sống bị xáo trộn vì phong tỏa, nhận thông tin lần thứ hai chị Anh cảm thấy bình thường.
“Sau hơn 10 ngày phong tỏa, chúng tôi đã quen với nhịp sống giãn cách, bớt đi lại, tụ tập đông người. Đúng là có ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống, nhất là công việc thế nhưng cũng không quá phức tạp. Tôi đã chuyển sang làm việc trực tuyến, đến giờ vẫn duy trì công việc và ổn định. Việc mua hàng hóa, các nhu yếu phẩm thiết yếu cũng thuận tiện vì có thể đặt hàng từ siêu thị mang tới. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng người dân được nhận các phần quà như gạo, dầu ăn, nước tương… từ mặt trận, đoàn thể, mạnh thường quân nên cuộc sống rất tốt, không thiếu thốn gì”, chị Anh chia sẻ.
Được biết, khu phố này bị phong tỏa bởi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 làm ở Công ty PouYuen. Theo chị Anh, khu phố này có nhiều người lao động nhập cư. Các phần quà do mặt trận, đoàn thể, mạnh thường quân trao tặng đã động viên tinh thần người dân cùng vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Người dân phấn khởi, ai cũng có ý thức chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch.
Cùng địa bàn Q.Bình Tân, chị Nguyễn Thị Mỹ Bình – sinh sống tại chung cư Ehome 3 (P.An Lạc) đang bị phong tỏa – chia sẻ, ngoại trừ công việc phải chuyển sang làm trực tuyến thì cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều. Các hộ dân được lực lượng phòng chống dịch hỗ trợ mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày qua người thân, các dịch vụ đặt hàng nên không có gì bất tiện. Ý thức được diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các hộ dân đều giữ an ninh trật tự và thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Ngay việc nhận quà, nhu yếu phẩm như rau củ quả do mạnh thường quân trao tặng, người dân cũng xếp hàng, giữ khoảng cách và luân phiên nhận chứ không chen chúc, xô bồ.
“Sống trong mùa dịch mới thấy hết tinh thần đoàn kết, quan tâm lẫn nhau của cư dân trong chung cư. Bên cạnh hỏi thăm, động viên cùng vượt qua dịch bệnh, nhiều người còn chia nhau các phần quà như bịch gạo, ổ bánh mì, khẩu trang. Thậm chí một số người không quản khó khăn, tình nguyện vận chuyển đồ đạc, hàng hóa đến từng block cho cư dân”, chị Bình nói.
Cũng thuộc diện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” kể từ ngày 30-6, anh Lê Minh Tuấn sống tại ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết: “Ngay sau khi nhận quyết định phong tỏa, người dân được các lực lượng phòng chống dịch động viên và tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định. Trước đó một số địa phương khác như Gò Vấp, Q.12 đã bị phong tỏa nên người dân trong ấp đều không quá hoang mang. Hơn nữa, việc cung ứng các thực phẩm thiết yếu cho người dân vẫn đảm bảo nên bà con yên tâm thực hiện phong tỏa”.
Bên ngoài, nỗ lực kiểm soát
Hiện TP.HCM có hơn 700 điểm được phong tỏa do liên quan đến các ca mắc Covid-19. Nhiều nơi trong số này là các chung cư, tuyến hẻm… Địa phương có nhiều điểm phong tỏa nhất phải kể đến TP.Thủ Đức với hơn 100 điểm; kế đến là huyện Hóc Môn, Q.8, Bình Chánh, Tân Phú, Q.1, Tân Bình, Bình Tân – mỗi nơi từ vài chục đến gần 100 điểm phong tỏa. Đây cũng là thời gian các lực lượng trực chốt không quản khó khăn, nêu cao tinh thần, trách nhiệm làm tròn nhiệm vụ để ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Đặng Đức Lộc – Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố, kiêm Tổ phó khu phố 2, P.27, Q.Bình Thạnh; tham gia đội trực chốt phong tỏa lô 10 cư xá Thanh Đa – cho biết, ngoài giám sát hoạt động ra vào và nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh, đội trực chốt còn hỗ trợ kịp thời khi người dân có bất cứ nhu cầu gì, chẳng hạn như trông giữ hàng hóa người thân gửi đến. Nhìn chung công việc cũng vất vả, nhất là những ngày nắng nóng, oi bức.
“Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, với vai trò là bảo vệ dân phố, tôi cần góp sức để chia sẻ với người dân và chính quyền. Nếu có sự cố gì thì tôi cùng đội trực chốt nhanh chóng thông báo cấp trên để tìm hướng xử lý. Mấy ngày đầu phong tỏa, tâm lý một số người dân có ảnh hưởng vì không được ra ngoài nên có phản ứng. Nhưng được động viên, giải thích kịp thời và hỗ trợ tối đa từ lực lượng trực chốt, đoàn thể chính quyền nên họ đã hợp tác và chấp hành các quy định phòng chống dịch”, ông Lộc cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Thủy – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.5, Q.3 nhận cơm từ thiện phát đến tay từng hộ dân
Lô 10 cư xá Thanh Đa bị phong tỏa hôm 22-6 vì có 1 F0 và 2 F1 trong cùng gia đình. Cư xá này có khoảng 200 hộ dân, 3 lối cầu thang lên xuống nên có 3 điểm trực chốt. Mỗi điểm có 2 người trực, riêng cầu thang chính có thêm một chiến sĩ công an. Lực lượng trực thay phiên nhau làm nhiệm vụ theo ca để đảm bảo kiểm soát 24/24 giờ.
Không trực tiếp làm công việc trực chốt phong tỏa nhưng bà Nguyễn Thị Kim Thủy – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.5, Q.3 – cũng tích cực hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Gia đình bà và khoảng 50 hộ dân khác sinh sống trong hẻm số 2 Cao Thắng đang bị phong tỏa không thể ra ngoài. Tuy nhiên, từ thế bị động, bà đã chủ động tham gia công việc nhận quà từ thiện do mặt trận, đoàn thể trên địa bàn phường, quận, mạnh thường quân trao tặng vào các buổi sáng, trưa, chiều để phát đủ đến tay từng hộ dân. Cùng với đó, bà thường xuyên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đi lại trong hẻm để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình. Gia đình nào nhờ lấy hàng bà sẵn sàng giúp ngay.
“Nói thật rủi ro nhiễm bệnh là có, nhưng làm trong chi hội phụ nữ nhiều năm, tôi có lợi thế trong công tác tuyên truyền, vận động bà con nêu cao ý thức phòng chống dịch. May mắn bà con ai cũng vui vẻ hợp tác, chấp hành nghiêm các quy định nên tôi rất yên tâm. Các bạn trẻ thay ca nhau trực chốt kiểm soát cả ngày lẫn đêm, từ thứ hai đến chủ nhật rất vất vả, khi thấy được ý thức chống dịch nghiêm túc của bà con trong hẻm sẽ vui hơn và có tinh thần làm việc tốt hơn”, bà Thủy tâm sự.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)