Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngon mát như củ đậu

Tạp Chí Giáo Dục

Củ đậu hay còn gọi là củ sắn, sắn nước; có vị ngọt nhẹ nên ngoài việc ăn sống, người ta còn dùng củ đậu trong chế biến các món ăn thường ngày như xào với tôm thịt, nấu canh, hầm, salad… vừa mát, vừa bổ.
Đặc điểm của củ đậu là do rễ phình to mà thành. Vỏ củ có màu vàng và mỏng như giấy, ruột có màu trắng kem hơi giống ruột khoai tây hay quả lê.
Củ đậu có tác dụng giải nhiệt, giải khát vì trong thành phần củ đậu có đến 80-90% là nước, 4,51% đường glucoza, 2,4% tinh bột. Ngoài ra củ đậu còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng khác như: sắt, canxi, photpho, vitamin C… cần thiết cho cơ thể. 
 
Người ta hay dùng củ đậu tươi, rửa sạch, tước bỏ vỏ, thái thành những lát mỏng để thoa hay đắp hằng ngày lên da hoặc ép lấy nước bôi lên da mặt và chân tay giúp giữ ẩm da, làm da mịn màng, tránh nứt nẻ.
Củ đậu hầu như không chứa chất béo, thích hợp cho việc ăn nhẹ, giảm cân.
Trong củ đậu cũng giàu chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hóa, có lợi cho đại tiện.
Tuy nhiên đối với lá và hạt củ đậu thì cần lưu ý vì có chứa độc tính là thành phần chất rotenon và tephrosin. Nhiều vùng, người nông dân thường dùng hạt củ đậu giã ra hòa với nước, phun vào cây cối để trừ sâu bọ, rệp. Vì vậy khi ăn phải hạt củ đậu có thể gây ngộ độc, thậm chí toàn thân bị co giật, đau bụng dữ dội, loạn nhịp tim, suy hô hấp, tụt huyết áp…
Theo Phụ Nữ

Bình luận (0)