Sau hơn hai năm yên ắng, sáng hôm qua, 4/10, tại UBND TP.HCM, bản Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục (GD) đến 2020 lại được lật lại. Đích thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã lắng nghe các ý kiến góp ý. Giáo sư Phan Thanh Bình – Giám đốc ĐHQG TP.HCM nhận xét: “Bản dự thảo lần này đã rõ ràng, mạch lạc hơn những lần trước”.
Nhưng ông vẫn băn khoăn: “Liệu dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới “căn bản, toàn diện” mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt ra?”.
Cần chấm dứt ngay tuyển sinh “ba chung”!
Giáo dục đại học (GDĐH) và tuyển sinh ĐH được các nhà giáo quan tâm hơn cả khi có đến 15/19 ý kiến đề cập đến. Một đại biểu ở ĐH Y Dược TP.HCM nói: “Chúng ta áp dụng hình thức tuyển sinh ĐH theo bốn khối A, B, C, D từ khi đất nước chỉ có 20-30 triệu dân, đến bây giờ dân số đã hơn 80 triệu cũng vẫn như thế!”. PGS Lê Bảo Lâm – Hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM nhắc lại một nghịch lý: “Những em giỏi vật lý, hóa học sẽ giỏi thực nghiệm chứ học kinh tế sẽ không giỏi, vậy mà bao năm nay chúng ta vẫn tuyển sinh vào các trường ĐH kinh tế bằng ba môn toán, lý, hóa”.
PGS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, khiến hội thảo “bùng nổ”: “Không có một đất nước nào cứ đến kỳ thi tuyển sinh là cả nước phải thức trắng đêm, nín thở xem đề thi có bị sai dấu trừ hay dấu cộng nào không. Không một đất nước nào 86-87 triệu dân mà phải thi chung đề, chung đợt như ta. Đã đến lúc cần chấm dứt kỳ thi “ba chung” và phải chấm dứt ngay vào kỳ thi năm sau!”.
PGS-TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM: “Đã đến lúc cần chấm dứt kỳ thi “ba chung” và phải chấm dứt ngay vào kỳ thi năm sau!”
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đáp lại đề nghị của PGS Sen: “Bộ sẵn sàng bỏ kỳ thi “ba chung” nhưng các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh thay thế và phải đảm bảo các yêu cầu công khai để nhân dân giám sát, không tạo điều kiện để tình trạng luyện thi tái phát”. Tuy nhiên, theo PGS Sen, Bộ cứ bỏ thi “ba chung” đi, các trường sẽ có cách. Khi ấy, trường nào làm sai, Bộ cứ xử nặng. “Đã giao tự chủ ở “đầu ra” rồi thì còn quản lý “đầu vào” làm gì. Bỏ thi “ba chung” Bộ sẽ rảnh tay, không phải lo chuyện thi cử nữa”.
Một cán bộ Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM nói: việc chưa thực hiện phân tầng ĐH đã gây khó cho không chỉ các trường mới ra đời mà cả những trường lâu đời. Ông giải thích: “Vì hướng nghiên cứu, mục tiêu đào tạo và sử dụng… của các trường khác nhau nhưng lại được đầu tư, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giống nhau. Hiện nay, so với quốc tế, ta không có trường ĐH nào đạt chuẩn. Nhưng nếu thực hiện phân tầng ĐH, xác định mục tiêu đào tạo cho từng loại trường, thì sự so sánh về chất lượng là có thể”.
Dàn hàng ngang thì không thể tiến
Về đường lối giáo dục, PGS Sen đề xuất phải thay đổi triết lý GDĐH và triết lý ấy chỉ cần tập trung vào hai chữ “sáng tạo”, vì “đã là trí thức trình độ ĐH thì phải có tư duy phản biện” – ông Sen khẳng định. PGS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật đề nghị Bộ phải xác định triết lý GD ở ĐH là phổ cập ĐH hay vừa phổ cập, vừa chuyên sâu. Xác định được điều này sẽ làm cho việc đầu tư trở nên rõ ràng, có trọng điểm. Từ đó, mới tạo ra được những trường ĐH xứng tầm. Cũng với quan điểm đó, PGS Võ Văn Sen nói: “Nếu cứ dàn hàng ngang thì không thể tiến lên. Cho nên, trong chiến lược phát triển chung cần chú ý phát triển những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội… thành những trung tâm GD nhất nước, làm “đầu tàu” kéo “con tàu GD” đi lên".
“Bản dự thảo chiến lược đang chạy theo đào tạo nguồn nhân lực mà không có tính định hướng xã hội” – GS Phan Thanh Bình nhận định. Ông cũng chỉ ra nhiều vấn đề mà dự thảo chiến lược còn thiếu sót, như chưa tính đến yêu cầu khác nhau của mỗi bậc học mầm non, phổ thông và ĐH; chưa xác định GD của ta đang ở đâu trong sự phát triển chung GD thế giới; chưa tính đến sự cạnh tranh và chuẩn bị gì cho việc cạnh tranh…
Đã đến lúc vai trò của người học phải được quan tâm đúng mức, cho nên PGS Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc gia TP.HCM góp ý: nên có đánh giá của xã hội về các nhu cầu liên quan ở tất cả các bậc học để có những nhận định khách quan.
PGS Nguyễn Mộng Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến lại băn khoăn: “Tôi lại thấy đội ngũ cán bộ giảng dạy ĐH hiện đang thiếu trầm trọng. Đề nghị Bộ cần có chủ trương đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các trường. Nếu cứ để các trường tự lo thì rất khó khăn và xảy ra tình trạng đối phó”.
Theo Minh Nhật
(PN)
Bình luận (0)