Giờ thực hành của học viên trường TCCN |
Ngày 28-2, tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc hội thảo về “Chất lượng giáo dục chuyên nghiệp”(GDCN). Trong buổi hội thảo nhiều tham luận đã nêu lên thực trạng của GDCN hiện nay tuy có nhiều khởi sắc nhưng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Còn nhiều khó khăn
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Hiện cả nước có 506 cơ sở đào tạo TCCN và 230 trường CĐ-ĐH, học viện có đào tạo TCCN; quy mô tăng gấp 2,4 lần từ 255.000 học viên năm 2000 lên trên 614.000 học viên vào năm 2008 và dự báo trong năm 2009 con số này sẽ khoảng 700.000 học viên”. Tuy nhiên, nhiều hạn chế của hệ TCCN vẫn chưa được khắc phục, TS Trần Thanh Xuân, BQL KCN-KCX Đồng Nai nêu lên thực trạng: “Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp nhờ chúng tôi liên hệ với các trường đào tạo lao động nhưng nếu đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp thì lại “phá vỡ” chương trình khung của Bộ GD-ĐT, mà nếu đào tạo theo chương trình khung thì học viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp”. Ông Xuân đưa ra ví dụ: “Trình độ ngoại ngữ cho học viên là một yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp đối với học viên sau khi tốt nghiệp, nhưng số tiết học ở trường lại ít, trong khi đó nhiều môn lý thuyết khác lại nhiều. Vì vậy một số ngành chưa đáp ứng nhu cầu về kiến thức và kỹ năng thực hành mà thị trường đòi hỏi”.
Đại diện của thành phố Hà Nội nêu lên khó khăn: “Hiện nay Hà Nội được mở rộng nên rất khó trong việc phát triển đồng bộ các trường trên địa bàn. Mặt khác mỗi năm Bộ GD-ĐT chỉ đầu tư 4 tỷ đồng cho toàn khối THCN TP. Hà Nội, thật khó để cho chúng tôi phát triển hệ TCCN nếu chỉ được Bộ và các ngành quan tâm ở mức như vậy”. Về vấn đề này, ông Vinh hứa: “Hiện Vụ THCN đang lập dự án trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Thủ tướng Chính phủ để xin kinh phí cho khối TCCN khoảng 1.200 tỷ đồng trong những năm tới”. Cô Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường TCCN Vạn Tường (TP.HCM) cũng nêu một thực trạng khó khăn đang phổ biến ở các trường TCCN: “Hiện nay các trường TCCN rất khó thu hút giáo viên do lương thấp, đặc biệt là các trường ngoài công lập, nên không ít giáo viên đã bỏ nhiệm sở, bục giảng tìm đến các trường CĐ-ĐH để công tác”.
Hiện nay không ít học viên TCCN ra trường còn thiếu kỹ năng thực hành trên thiết bị công nghệ hiện đại, kỹ năng giao tiếp tại môi trường làm việc còn yếu. Các cơ sở đào tạo TCCN có trên 300 ngành và chuyên ngành đào tạo. Các ngành nghề có quy mô học sinh lớn nhất thuộc lĩnh vực kinh tế – dịch vụ – quản lý với 43%, sau đó đến lĩnh vực công nghiệp – xây dựng (25%). Điều đáng chú ý là lĩnh vực nông-lâm-ngư chỉ có tỉ lệ học sinh là 4%, mặc dù tỉ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực nông- lâm-ngư chiếm đến trên 50,2%.
Thiếu học viên vì các trường ĐH “lấn sân”
Không thể phủ nhận là các trường ĐH nhờ có cơ sở vật chất tốt nên rầm rộ mở hệ TCCN đào tạo, làm không ít trường TCCN lao đao vì không thu hút được học viên. Nhiều trường trung cấp đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại việc phê duyệt chỉ tiêu TCCN đối với các trường ĐH, bởi chức năng nhiệm vụ đào tạo THCN khác xa với chương trình đào tạo ĐH. Không ít trường “bê” nguyên chương trình khung đào tạo ĐH “mang xuống” TCCN. Mặt khác chỉ tiêu tuyển sinh hệ TCCN ở các trường ĐH còn rất cao, như ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng… đặc biệt là các trường ĐH ngoài công lập thì tuyển nhiều học viên hệ TCCN. Thầy Trần Văn Hùng chia sẻ: “Không ít trường ĐH được tuyển hàng ngàn học viên hệ TCCN, trong khi đó nhiều trường TCCN có cơ sở vật chất tốt nhưng chỉ tiêu lại bị hạn chế, nếu làm không khéo, các trường TCCN sẽ “chết ngạt” vì không có học viên”.
Thực trạng “lấn sân” trong tuyển sinh của các trường ĐH đang gây khó khăn cho sự phát triển của hệ thống trường TCCN. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội bức xúc: “Với ưu thế là trường ĐH, dễ tuyển sinh, nhưng để thu hút thêm học viên, nhiều trường còn dùng “chiêu” thông báo thí sinh sẽ được liên thông từ bậc TCCN lên ĐH như là việc đương nhiên nếu học viên đăng ký theo học bậc TCCN tại trường. Việc thông báo này là sai với quy định hiện nay về liên thông của Bộ GD-ĐT, gây hiểu lầm cho thí sinh, tưởng học TCCN xong là sẽ được học liên thông lên ĐH hoặc CĐ”.
Trước sự “lấn sân” này, ông Vinh cho biết: “Năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT sẽ giới hạn chỉ tiêu đào tạo TCCN ở các trường ĐH-CĐ ở mức cho tuyển từ 15-20%. Tuy vậy, các trường TCCN cũng phải tự “cứu mình” bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất để cạnh tranh, chứ hiện tại không thể bắt các trường ĐH ngưng đào tạo hệ TCCN vì hầu hết các trường đều có cơ sở vật chất tốt.
Văn Mạnh
Bình luận (0)