Những kinh nghiệm, bài học từ việc xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) vừa được các học giả, nhà quản lý của Trung Quốc chia sẻ trong một hội thảo tại Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu của Trung Quốc, vấn đề cốt lõi của Tam nông là giải quyết sự chênh lệch thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn.
Nông dân Trung Quốc được Chính phủ hỗ trợ trực tiếp khi sản phẩm rớt giá. Ảnh: Từ internet. |
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng NN&PTNT băn khoăn: “Việt Nam đang quá trình xây dựng NTM, với 19 tiêu chí khuôn vàng, thước ngọc. Cái mà chúng ta bỏ ra để xây dựng NTM chính là cái giá phải trả cho sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Một xã xây dựng thành công NTM, cố lắm chỉ bằng một phường, thị trấn mức trung bình”.
Ông Ngọ đặt câu hỏi: Xây dựng NTM ở Trung Quốc có bắt dân đóng góp, nhà nước đầu tư như thế nào và NTM ở Trung Quốc thể hiện bản chất XHCN ra sao?”.
Trả lời câu hỏi của ông Ngọ, GS-TS Lý Ninh Huy, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc), nói: “Trung Quốc luôn coi trọng các chính sách dành cho Tam nông. Nông thôn Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng. Nguồn kinh phí xây dựng NTM tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước và địa phương, một phần của dân và huy động các nguồn lực xã hội khác.
Theo GS-TS Lý Ninh Huy, từ năm 1978, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách cải cách ở nông thôn.
Đến năm 2009, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn, lần đầu tiên đạt mức trên 5.000 NDT, tăng 8,5% so với năm trước.
Cũng trong năm 2009, Trung Quốc đầu tư làm mới và sửa chữa khoảng 300.000 km đường bộ nông thôn; hỗ trợ trên 46 triệu người nghèo đảm bảo đời sống tối thiểu; triển khai thí điểm ở 320 huyện về bảo hiểm dưỡng lão xã hội nông thôn.
|
Việc chỉ đạo của Chính phủ trước kia cũng kiểu mệnh lệnh hành chính, nên việc thực hiện khá miễn cưỡng. Sau đó, việc thực hiện xây dựng NTM linh hoạt hơn, dựa trên quy hoạch tổng thể (ngân sách nhà nước và địa phương).
Căn cứ tình hình cụ thể ở các địa phương, đặc điểm tự nhiên, xã hội, để đưa ra chính sách, biện pháp thích hợp.
Ngân sách nhà nước chủ yếu dùng làm đường, công trình thủy lợi…, một phần dùng để xây nhà ở cho dân.
Đối với nhà ở nông thôn, nếu địa phương nào ngân sách lớn, nông dân chỉ bỏ ra một phần, còn lại là tiền của ngân sách”.
Theo GS-TS Lý Ninh Huy, công cuộc cải cách nông thôn của Trung Quốc qua nhiều dấu mốc. Trong đó, những mốc quan trọng là xóa bỏ công xã nhân dân; xác lập thể chế kinh doanh hai tầng kết hợp, lấy kinh doanh bao thầu gia đình làm cơ sở; mở cửa toàn diện thị trường nông sản; xóa bỏ thuế nông nghiệp, và thực hiện trợ cấp trực tiếp cho nông dân.
Trung Quốc thực hiện nội dung hai mở, một điều chỉnh, là mở cửa giá thu mua, thị trường mua bán lương thực; một điều chỉnh là chuyển từ trợ cấp gián tiếp qua lưu thông thành trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng lương thực.
Chẳng hạn, thời điểm sản lượng lương thực giảm trong 5 năm liên tiếp, đến năm 2004, Trung Quốc đã thực hiện trợ cấp trực tiếp giống, mua máy móc, dụng cụ nông nghiệp, trợ cấp giá bảo đảm để nông dân trồng lương thực có lãi. Hay khi giá vật tư nông nghiệp, phân hóa học, thuốc trừ sâu…biến động, Chính phủ nước này trợ cấp trực tiếp cho vật tư sản xuất.
Hạn chế lấy đất nông nghiệp
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, vấn đề thu hồi đất nông nghiệp của nước này được quy định rất ngặt nghèo. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải đúng với chiến lược lâu dài của vùng đó và phải nằm trong chỉ giới đỏ, đảm bảo cả nước luôn duy trì 1,8 tỷ mẫu đất nông nghiệp trở lên.
Hiện ở Trung Quốc, nhiều địa phương thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, đã phải trả lại cho nông dân sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nước này cũng đang nghiên cứu nông dân có thể dùng đất canh tác thế chấp ngân hàng vay vốn.
Đối với những khoản tiền thu được từ phát triển công nghiệp (sau khi lấy đất nông nghiệp) được chuyển về chính quyền thôn xã. Việc lấy đất nông nghiệp có thể thực hiện theo hình thức đất đổi đất, do chính quyền địa phương thực hiện trong quy hoạch, tùy thuộc vào chất lượng, vị trí đất như thế nào.
"Trong Tam nông, Trung Quốc thực hiện nội dung hai mở, một điều chỉnh, là mở cửa giá thu mua, thị trường mua bán lương thực; một điều chỉnh là chuyển từ trợ cấp gián tiếp qua lưu thông thành trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng lương thực." – GS-TS Lý Ninh Huy
|
Ông Triệu Vân Kỳ, chuyên gia nghiên cứu Viện Nghiên cứu khoa học Tài chính (Bộ Tài chính Trung Quốc) cho biết, tài chính hỗ trợ Tam nông tập trung 3 mục tiêu là nông nghiệp gia tăng sản xuất, nông thôn phát triển, và nông dân tăng thu nhập.
Định hướng phát triển tài chính hỗ trợ tam nông ở Trung Quốc là nông nghiệp hiện đại, nông thôn đô thị hóa và nông dân chuyên nghiệp hóa.
Trong chính sách tài chính, để tăng thu nhập cho nông dân, Trung Quốc tăng đầu tư hỗ trợ về giá mua giống, hỗ trợ thu mua lương thực không thấp hơn giá thị trường, mua máy móc thiết bị nông nghiệp và vốn. Cùng đó, Trung Quốc cũng tập trung xây dựng cơ chế hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng làm việc, đặc biệt là lao động trẻ.
Ngoài ra, bên cạnh giảm thu phí và thuế với nông dân, Trung Quốc còn có chủ trương, đảm bảo trong vòng 3 năm xóa bỏ tình trạng các xã, thị trấn không có dịch vụ tài chính tiền tệ cơ bản. Đồng thời, thúc đẩy việc mua đồ gia dụng, ô tô, xe máy tại các xã, bằng cách nhà nước trợ cấp 13% trên tổng giá trị hàng hoá khi nông dân mua sản phẩm (do nhà nước định hướng).
Phạm Anh/ Tien Phong
Bình luận (0)