Một mình một đường, giữa công lập và dân lập, những trường tự chủ tài chính đang “bơi” trong bối cảnh không có hành lang pháp lý. Một vài trường tận dụng cơ hội để phát triển, nhưng cũng không ít trường rơi vào khốn khó.
Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 12A02 Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM. Trường này đang được ngân sách cấp hơn 70% kinh phí – Ảnh: Như Hùng |
Mới đây, Trường Hà Nội – Amsterdam gây xôn xao dư luận vì “ươm mầm tài năng với giá cắt cổ”. Thực chất, trường này được thành phố Hà Nội cho phép thí điểm mô hình cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao hệ THCS. Từ mô hình bán công, hệ THCS của trường được chuyển về công lập tự chủ tài chính (TCTC) một phần.
Mỗi trường một kiểu
“Chào thua” ngay từ đầu
Một trường nằm trong dự kiến của TP Hà Nội chuyển sang TCTC đã nhanh chóng “chào thua” ngay từ đầu. Đó là Trường THCS Ngô Gia Tự (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ông Lê Đình Thắng, hiệu trưởng, cho biết ban đầu khi chuyển khỏi loại hình bán công, trường dự định TCTC.
“Nhưng không thể làm được do trường nằm trên địa bàn dân cư có thu nhập thấp, khó có khả năng chi trả mức học phí quá cao. Và cũng vì là trường công nên trường không thể từ chối nhận học sinh đúng tuyến để tuyển những học sinh có thể chấp nhận mức học phí cao ở nơi khác…” – ông Thắng nói.
|
Ngay lập tức, việc thí điểm của trường vấp phải phản ứng của dư luận. Dù mỗi học sinh được “bao cấp” 1.730.000 đồng/năm nhưng vẫn phải nộp học phí 550.000 đồng/tháng, bao gồm học phí chính khóa và học phí nâng cao.
Nguồn cơn việc phản ứng của dư luận do chưa có một cơ chế rõ ràng cho loại hình trường “tự chủ – chất lượng cao”, trong khi nếu xếp trường vào cùng loại với các trường công khác thì việc “bật đèn xanh” thu phí cao bị xem là chuyện thiếu công bằng. Khi học phí tăng vọt, nhiều phụ huynh bắt đầu băn khoăn về việc ai kiểm soát chất lượng dạy học, việc thu chi tài chính theo nguyên tắc nào, có đúng mục đích bảo đảm quyền lợi học sinh không…
Tại TP.HCM, từ đầu năm học 2006-2007 những trường bán công chưa chuyển về công lập được chuyển sang mô hình được gọi là “công lập TCTC”, với mức thu học phí bằng với học phí bán công trước đây, ngân sách nhà nước cấp thêm một phần cho các trường này.
Đến nay sau ba năm, mô hình này đang vận hành theo nhiều hướng khác biệt nhau. Cùng mô hình TCTC nhưng “hoàn cảnh” mỗi trường mỗi khác, thậm chí mức độ và khả năng tự chủ của mỗi trường cũng chẳng giống nhau.
Khác biệt trước nhất về sự đầu tư của ngân sách. Mức chi ngân sách phổ biến cho các trường TCTC trước đây khoảng 50% (so với mức chi tính theo số học sinh ở các trường công lập bình thường), nay nhiều trường ở mức 70-80%. Đặc biệt, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) được nhận ngân sách ngang bằng trường công lập bình thường, đồng thời thu học phí 110.000 đồng/tháng/học sinh (học phí trường THPT công bình thường chỉ thu 30.000 đồng/tháng).
Ngược lại, Trường THPT Lương Thế Vinh là một trong những trường nhận đầu tư ngân sách ở mức ít nhất. Theo nguyên tắc, trường này sẽ nhận 30% ngân sách cộng với học phí 110.000 đồng/tháng (bậc THPT) và 90.000 đồng/tháng (bậc THCS). Nhưng có năm trường nhận không đủ mức ngân sách này. “Trường TCTC mà, được chi bao nhiêu trường cũng phải tồn tại thôi” – một hiệu trưởng trường TCTC tâm tư.
Hiệu quả mơ hồ
Điều đáng nói là mức chi ngân sách cao hay thấp không tỉ lệ thuận với điều kiện và hiệu quả hoạt động của các trường TCTC. Tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), một trường TCTC “trẻ” nhất, 3/4 giáo viên là thỉnh giảng, với mức ngân sách chi thường xuyên cho trường này thuộc dạng thấp so với các trường khác trên cùng địa bàn.
Thế nhưng trường lại được xem là trường TCTC tốt. Ban giám hiệu nhà trường mời giáo viên giỏi nghỉ hưu, “săn” giáo viên trẻ giỏi mới rời trường sư phạm về. Cũng như nhiều trường TCTC khác, đầu vào lớp 6 trường này phải nhận những học sinh có điểm đầu vào thấp nhất quận nhưng đầu ra có đến 80% học sinh đậu lớp 10 công lập. Năm 2009, đây là trường TCTC đạt tỉ lệ 100% đậu tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, nhiều trường được nhận mức đầu tư khá cao lại không chứng tỏ được hiệu quả. Sau ba năm thí điểm, trong bức tranh chung của mô hình TCTC cơ bản vẫn là những gam màu tối. Bắt đầu từ khâu tuyển sinh đầu vào, các trường TCTC vẫn phải “hứng” số học sinh có điểm thấp nhất. Ban giám hiệu khổ sở quá sức cũng chưa giải nổi bài toán khó: làm sao có đầu ra tốt với đầu vào yếu kém, tính toán từ việc lo đời sống, giữ chân giáo viên… Thậm chí, các trường THCS Kiến Thiết, Phan Sào Nam ở Q.3, TP.HCM còn phải tìm từng học sinh để tuyển đủ chỉ tiêu, tăng nguồn thu để duy trì hoạt động của trường.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội), trong điều kiện TCTC trường chỉ có thể tuyển 13/65 giáo viên biên chế, số còn lại làm việc theo diện hợp đồng, trả lương theo thực tế số tiết dạy (không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội). Vì vậy có những giáo viên giỏi nhưng biên chế trường khác, việc dạy học ở trường TCTC chỉ là “tay trái”.
Những giáo viên trẻ khi đã có chút kinh nghiệm, trưởng thành trong nghề lại đi vì sự hấp dẫn của những trường công có “bao cấp”. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Là trường công vừa phải chấp nhận những ràng buộc chặt chẽ nhưng lại phải tự chèo chống hoàn toàn, trong khi không có một định hướng rõ ràng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa thắc thỏm lo”.
P.ĐIỀN – V.HÀ / TNO
Bình luận (0)