Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngổn ngang xây dựng trường lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngôi trường bị… “ngâm”

Phòng học đã và đang xuống cấp của Trường Tiểu học Doi Lầu, huyện Cần Giờ (ảnh chụp ngày 17-7-2009). Ảnh: T.T.Q

Nhiều năm học qua, ngành GD-ĐT TP.HCM đã phải hứng chịu một sức ép rất lớn về chỗ học. Sức ép này mỗi năm mỗi tăng do nguồn học sinh “phát triển” nhanh đột biến. Từ việc cung không đáp ứng được cầu dẫn đến hệ quả sĩ số học sinh (HS) tăng nhưng trường không xây thêm hay mở rộng; giáo viên phải làm việc nặng nề hơn vì sĩ số lớp vượt khung quá lớn; chất lượng giáo dục phần nào bị ảnh hưởng… 
Bao nhiêu năm, dự án vẫn là… dự án
Ông Nguyễn Đình Thái Châu, Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chánh Sở GD-ĐT TP.HCM kiêm Tổ trưởng Tổ liên ngành xây dựng trường lớp của thành phố cho biết: “Phải thừa nhận từ ngày thành lập Tổ liên ngành để theo dõi tiến đô thực hiện các dự án giáo dục việc xây dựng trường lớp có nhiều chuyển biến”. Nhớ lại những năm học trước, dù báo chí đã phản ánh liên tục về việc thiếu trường thiếu lớp nhưng mọi chuyển động của một vài cơ quan chức năng có liên quan vô cùng chậm. Thậm chí hơn 3 năm, Sở Xây dựng TP.HCM không phê duyệt một dự án xây dựng trường lớp nào. “Hiện tượng” sĩ số mỗi lớp từ 55 đến gần 60 HS ở Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp) năm học 2007-2008 gây “choáng” nhiều người. UBND TP.HCM đã nhanh chóng thành lập Tổ liên ngành, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo: “Dự án xây trường bị “ách” chỗ nào, Tổ liên ngành phải báo ngay cho UBND thành phố để kịp thời tháo gỡ”. Tuy nhiên dù có sự ra đời của Tổ liên ngành mọi việc vẫn chẳng chuyển biến bao nhiêu. Điển hình như Trường THPT Tây Thạnh, hai lần Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đến thực địa và chỉ đạo đôn đốc vậy mà phải chờ hơn một năm sau dự án mới được chú ý. Vậy là sau 4 năm mỏi mòn chờ đợi, dự án Trường THPT Tây Thạnh đã có được tín hiệu “rục rịch”. Tất nhiên hệ quả phải điều chỉnh mức đầu tư, UBND quận Tân Phú làm tờ trình ngày 3-6-2009 điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 57 tỉ đồng lên hơn 82,5 tỉ đồng. Dự án này đang chờ xem xét. Hay như Trường THPT Hiệp Bình sau nhiều năm dài lê thê chờ đợi, ngày 14-7-2009, Sở Xây dựng TP.HCM mới ký quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu dự án và theo kế hoạch đến tháng 10-2009 công trình mới khởi công.
Hệ lụy từ sự chậm chạp
Suốt năm học 2008-2009, chỉ có lèo tèo vài trường được xây mới chủ yếu do một vài đơn vị kinh doanh tài trợ như hai trường mầm non và một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh. Sự rề rà trong việc xây trường làm hàng ngàn học sinh Trường THPT Hiệp Bình, hơn 5 năm nay phải “chiếm” chỗ học và sân chơi của học sinh Trường Tiểu học Hiệp Bình. Nhìn những học sinh 16, 18 tuổi phải ngồi học trên những chiếc bàn dành cho học sinh 6, 7 tuổi trông rất tội nghiệp. Tuy vậy vẫn còn khá hơn Trường THPT Tây Thạnh. Hơn 3 năm qua, học sinh trường này phải học “ké” phòng học và cũng “chiếm” chỗ học của học sinh hai trường THCS của quận Tân Phú. Phòng làm việc của ban giám hiệu cũng “ké”. Bố trí những buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh rất vất vả. Nhà trường phải nghiên cứu kế hoạch của hai trường kia để đan xen tránh tình trạng đụng nhau. Bà Hoàng Thị Hồng Hải, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú đã có lần tâm sự: “Điều tôi lo nhất là chưa triển khai dự án xây Trường THPT Tây Thạnh. Tôi mong điều này được thực hiện trước khi tôi về hưu”. Và thực tế, điều mà bà Hải mơ ước hơn ba năm vẫn chưa đến, đến nay bà đã chính thức về nghỉ hưu. Khó ai tin được rằng suốt gần hai năm Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh phải đến “chầu” Phòng Quản lý Đô thị quận Tân Phú gần như thường trực chỉ để mong các anh chị nhanh chóng “ngó ngàng” đến dự án. Trò chuyện bên lề Hội nghị tổng kết ngành GD-ĐT TP.HCM vừa diễn ra ngày 6 và 7-8-2009, thầy Lê Văn Anh vừa mừng vừa lo: “Nghe thông tin dự án xây trường chúng tôi đã được điều chỉnh mức đầu tư và chuẩn bị thi công vào tháng 10, tôi rất vui nhưng vẫn lo không biết hơn 1.000 học sinh sẽ còn phải học nhờ đến bao lâu nữa?”.
Tại Hội nghị tổng kết ngành GD-ĐT diễn ra tại Hội trường Thống Nhất sáng 7-8-2009, sau khi nghe Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn báo cáo những kiến nghị của trưởng phòng GD-ĐT các quận huyện và hiệu trưởng các trường THPT trong đó có đề cập đến việc thiếu thốn cơ sở vật chất trường lớp, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu Sở GD-ĐT báo cáo ngay cho ông tất cả dự án cũng như tổng kinh phí xây dựng trường lớp. Những dự án nào đã được phê duyệt, những dự án đã được triển khai và những dự án nào chưa triển khai?
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)