Là giáo viên văn, sau những tiết dạy trên lớp thì khâu chấm bài ở nhà theo tôi là cực nhất. Môn văn thì nhiều cột điểm. Nếu dạy ngữ văn 9 thì cả năm có đến 11 bài kiểm tra thường xuyên và định kì, chưa kể đến những bài kiểm tra thường xuyên. Đâu phải cô cậu học trò nào cũng trình bày sạch đẹp, diễn đạt trôi chảy – giữa lúc chúng ta đang ta thán rằng học sinh chán văn thì ở ngôi trường tôi đang dạy cũng không ngoại lệ, học sinh học giỏi, khá văn trong lớp thường đếm chưa hết mấy đầu ngón tay. Thực tế học văn như thế thì thực tế chấm bài không nói chắc mọi người cũng hình dung được. Đã vậy, học sinh bây giờ có ngôn ngữ riêng, tạm định danh là ngôn ngữ online. Thứ ngôn ngữ này ban đầu các em sử dụng mỗi khi online. Nhưng dần dà thì nó được học sinh đường hoàng sử dụng trong những bài tập làm văn ở trường. Ôi chao, cô giáo như tôi cũng hiểu online là gì nhưng để đọc được ngôn ngữ này, dù đã khổ sở căng não ra thì có lúc cũng chào thua.
Thường thì khi chấm bài, nếu gặp những bài viết có dùng ngôn ngữ online, cố gắng lắm thì tôi cũng đoán định rồi dịch được đôi từ, gạch chân dưới những lỗi đó. Đến tiết trả bài, tôi vẫn phóng khoáng khen các em đã nỗ lực làm mới tiếng Việt. Nếu được thì tôi xin gọi nó như – hoặc gần như biệt ngữ xã hội. Tôi vẫn thừa nhận: Ưu điểm của ngôn ngữ online là sự tươi mới cho người sử dụng nhưng các em chỉ nên sử dụng nó như một thứ biệt ngữ – nghĩa là chỉ dùng với những người cũng sử dụng nó, hiểu nó. Để minh chứng cho sự khó khăn của người… ngoại đạo, tôi phải khổ sở khi ra bảng những từ mà tôi không tài nào dịch được, đại khái như: lun, bùn, ck, thik, séng, mn, g9, pũa, mí, wó, cko, tym, ckắc, daz, qá… Và các bạn biết tôi đã phải làm gì với những bài viết mà mình không thể đọc được không. Tôi phải nhờ tác giả của bài viết đó thông dịch giùm. Tôi nghiêm túc nói với các em rằng, đây là tiếng Việt của học sinh Việt Nam nhưng cô giáo dạy tiếng Việt không thể đọc được ngôn ngữ này. Và tôi ra chế tài để trị lỗi này của học sinh là, không cần biết các em dùng những từ giáo viên dịch được hay không được, vì trong từ điển tiếng Việt không hề có những từ đó nên nếu em nào còn sử dụng ngôn ngữ online vào việc ghi chép, làm bài trên lớp thì một lỗi như thế sẽ bị trừ một điểm.
Nói trừ một lỗi chính tả một điểm nghe có vẻ nặng, cứ tưởng các em sẽ sợ mất điểm mà không dùng nó nữa nhưng rồi bài kiểm tra vừa rồi, tôi tá hỏa khi các em vẫn ít nhiều dùng ngôn ngữ đó. Các em không biết sợ? Sao lại không sợ, học sinh nào mà chẳng sợ điểm kém. Vậy thì chỉ có một cách giải thích khác, ban đầu thì nghịch ngợm đổi mới ngôn ngữ, nói cho vui, thể hiện cá tính, sáng tạo… nhưng sử dụng ngôn ngữ online lâu dần đã thành một thói quen, quán tính khó bỏ. Trong đầu tôi liền hiện ra ý nghĩ, học sinh cả nước đều biết đến thế giới online, vậy ở những trường học khác, có tình trạng như tôi vừa nêu? Và nếu có… Liệu có như nỗi lo sợ mà tôi vẫn nói với học sinh của mình khi nghĩ đến một viễn cảnh, tiếng Việt mất đi sự trong sáng.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Phú Yên)
Bình luận (0)