Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngôn ngữ thời @: chấp nhận đến đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ mạng (chat, blog, email…) và tiếng lóng trong giao tiếp – đặc biệt trong giới trẻ – đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Đa số ý kiến đều đồng thanh phê phán gay gắt những cách sử dụng vô lối về ngôn ngữ “thời đại @” (được coi là “đặc sản” của lớp trẻ) này.

Không ít người đề nghị kiên quyết loại bỏ, nhanh chóng “tống khứ” lối nói và nhất là cách viết một thứ ngôn ngữ “quái dị” trên blog vào trên các cửa sổ chat đang diễn ra hàng ngày hàng giờ. Thực tế, nếu căn cứ vào những cách viết được coi là lạ (kiểu: 2 e! (chào em), hun hik (hôn hít), mìn k hỉu nủi (mình không hiểu nổi), quá vô lý thường kiệt (quá vô lý), tiền bối ko oki (bố mẹ không đồng ý), chào cờ (kiểm điểm), máu khô (tiền dự trữ)…) mà đối chiếu với tiếng Việt toàn dân thì các “tiêu bản” này rõ ràng là lệch chuẩn. Nếu dùng lâu, dùng quen sẽ “nghiện” mà quên mất cách sử dụng bình thường trong giao tiếp và làm ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt. Thứ ngôn ngữ được coi là sản phẩm của thế hệ teen “sành điệu” này cứ hồn nhiên tồn tại bất chấp phản ứng “bất hợp tác” của nhiều người. 

Với “bộ mã” riêng, không phải ai cũng hiểu được ngôn ngữ chat nếu không có phương tiện tra cứu.
Từ khi xuất hiện Internet thì loài người đã thiết lập thêm một kênh giao tiếp mới. Bây giờ, chúng ta có thể cứ ngồi nhà mà vẫn giao tiếp, trò chuyện “ngon lành” với cả thế giới. Ngôn ngữ mạng cũng có quy luật riêng của nó. Nó mặc nhiên “ký sinh” trong lòng ngôn ngữ toàn dân (dùng ngay hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp chung) nhưng lại có dung mạo thể hiện khác: ngắn, rút gọn tới mức tối đa, bỏ qua các chuẩn mực chính tả – dấu câu, sử dụng nhiều ký hiệu biểu trưng, chen lẫn tiếng nước ngoài… Tiếng Việt chat hiện nay là một “phiên bản” của tiếng Việt vốn có từ xa xưa. 
Thế là ngay lập tức, cư dân mạng hình thành nên một bộ mã riêng. Các từ ngữ chat xuất hiện, nhanh chóng lan truyền và nhanh chóng phát triển thêm. Vấn đề là, các từ này có được chấp nhận vào kho tàng từ vựng tiếng Việt hay không? 
Tất nhiên là sẽ có, tuy không nhiều và phải có thời gian. Đó là quy luật chung của mọi ngôn ngữ trên thế giới chứ không riêng gì tiếng Việt. Chúng tôi chia sẻ ý kiến của GS Nguyễn Đức Dân: “Có những từ ngữ chat nghiêm chỉnh không chỉ tồn tại trong thế giới online mà đang thâm nhập cả vào đời sống hàng ngày, được nhiều người chấp nhận”. 
Năm 2000, Viện Ngôn ngữ học đã cho công bố cuốn Từ điển từ mới tiếng Việt, thống kê hơn 2.000 từ mới xuất hiện trong giao tiếp tiếng Việt trong khoảng thời gian 15 năm (1985 – 2000). Ta thấy trong số các từ nội sinh, có không ít từ ngoại nhập: bao tiêu, gái gọi, đề đóm, tin tặc, cát tặc, vàng tặc, bêtông tươi, cập nhật, con chip, pêđê, hattrick, cave, hooligan, shopping, lobby, marketing, PR… Như thế, do đòi hỏi từ hiện thực cuộc sống, các từ ngữ mới, các lối nói mới đã xuất hiện. Nhưng không phải từ mới nào xuất hiện là được chấp nhận ngay. Nó phải tuân thủ các nguyên tắc chung: 1. Đáp ứng nhu cầu, sự phát triển của xã hội, 2. Phản ánh đúng nội hàm khái niệm (không mơ hồ, lầm lẫn), 3. Có tính định danh, 4. Phù hợp với tiếng Việt và có tính thẩm mỹ, 5. Được cộng đồng chấp nhận.
Phần mềm giải mã ngôn ngữ chat
Nhận thấy nhu cầu của những người không có khả năng đọc hiểu ngôn ngữ chat của giới trẻ, đầu năm lớp 8, Dương Đăng Trúc Khuyên – học sinh trường Trần Đại Nghĩa – đã viết phần mềm v2V để giúp giải mã ngôn ngữ tuổi teen (hiện Trúc Khuyên đang học lớp 11 chuyên tin, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). v2V dịch chính xác khoảng 90% ngôn ngữ chat. v2V hiện đã được nâng cấp thành phiên bản 1.4. Ngoài ra, người dùng có thể bổ sung những định nghĩa tiếng lóng cho riêng mình.
T. Văn
 Các từ chat sử dụng nhiều, với tần số cao, dễ sử dụng, kiểu: oki (đồng ý), ~ (những), hi! (chào), ken-xồ (cancel – huỷ bỏ, hoãn), del (xoá bỏ, chấm dứt), ngơi (nghỉ, giải lao, thư giãn) v.v. rất có thể sẽ đi vào giao tiếp cộng đồng như những từ vựng mới của tiếng Việt. Thời gian sẽ kiểm chứng và sàng lọc. Tuy nhiên, như đã nói, số lượng những từ như vậy không nhiều và điều này sẽ giúp làm phong phú thêm tiếng Việt. Chúng ta biết rằng, từ lóng thường được coi là ngôn ngữ “lệch chuẩn”, hay dùng trong tầng lớp làm ăn mờ ám, bất hợp pháp. Ấy thế mà, bây giờ nếu khảo sát kỹ, chúng ta sẽ thấy không ít từ lóng đã thâm nhập vào tiếng Việt toàn dân! 
Ở các nước khác (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Pháp, Nga…) ngôn ngữ mạng đang tồn tại song hành với ngôn ngữ chính thống với nhiều “cung bậc” biểu hiện khác nhau. Philippines cũng từng tuyên chiến với vấn nạn của ngôn ngữ “jejemon” nhưng dần dần, chính các nhà khoa học cũng phải thừa nhận “khó có thể phủ nhận dòng ngôn ngữ của xu hướng công nghệ này”. Một giáo sư đại học ở Manila có nói: “Việc các sinh viên chat bằng “jejemon” hay nói tiếng lóng với nhau là quyền của họ, miễn là nó đừng ảnh hưởng đến nếp sống văn hoá và chỉ dùng trong bối cảnh riêng. Nó không được sử dụng trong nhà trường và trong các bài thi”. 
Như vậy, vấn đề là phải biết tiết chế, sử dụng một cách hợp lý trong bối cảnh giao tiếp hẹp, có điều kiện và đặc biệt là không được lạm dụng một cách tuỳ tiện. 
PGS.TS Phạm Văn Tình – Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam 
PGS.TS Hoàng Anh Thi, giám đốc Trung tâm Ứng dụng ngôn ngữ học và Việt ngữ học, đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội: Còn phải tuỳ nhu cầu xã hội 
Ngôn ngữ luôn biến động, việc tạo ra từ ngữ hay cách nói mới là rất bình thường, không chỉ ở tiếng Việt. Tôi không cho rằng nên phổ biến ngôn ngữ chat, nhưng cũng không cần hạn chế nó. Hãy để nó diễn ra tự nhiên. Hiện nay gần như các nước đều có mạng và đều có biến thể ngôn ngữ chat, như ở các ngoại ngữ mà tôi biết là tiếng Anh và tiếng Nhật. Tiếng Anh thì tôi có đọc thấy thông tin trên báo là có đưa một vài từ tiêu biểu vào từ điển. Còn ở tiếng Nhật, họ thường xuyên bổ sung các từ ngữ mới vào từ điển từ ngoại lai mà chủ yếu là từ có nguồn gốc từ tiếng Anh, và đây cũng chính là mảng từ giới trẻ hay sử dụng trong chat hay giao tiếp thông thường. Theo tôi, đưa ngôn ngữ chat vào từ điển thì có thể làm được. Tuy nhiên, có cần thiết hay không thì phải điều tra nghiên cứu sự biến đổi tự thân của hệ thống ngôn ngữ cũng như điều tra nhu cầu xã hội. 
Trung Dũng ghi
Theo SGTT

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)