Tuổi mới lớn cần được quan tâm nhiều để có những thói quen tốt – Ảnh: Shutterstock |
“Phong cách đặc biệt”
Bạn N.T.T – nữ sinh một trường THPT tại Q.1, TP.HCM – đã bỏ ra cả tuần lễ để săn lùng cho được xấp vải có màu huyết dụ, cùng màu với đôi giày mà T. được người bà con ở nước ngoài gửi về tặng. Hỏi đùa T. cần gì mà phải cực khổ vậy, T. đáp: “Tuần sau sinh nhật nhỏ bạn, em muốn mình phải thật đẹp, phải nổi bật hơn những đứa khác trong lớp, cho tụi nó nể mặt!”. Câu trả lời hồn nhiên của T. làm cho người hỏi cứ thắc mắc: Bạn bè chung lớp với nhau, cần gì nổi bật hơn bạn nhỉ? Mà có muốn như thế thì cố gắng học tập, có điểm số hơn bạn, được thầy cô khen trước lớp là nổi hơn bạn rồi. Ngoài bộ đầm, đôi giày màu huyết dụ không hợp với làn da, T. còn đeo toòng teng nào là chuỗi, vòng tay, hoa tai đủ thứ màu. Với mong muốn có phong cách lạ, hấp dẫn, ngược lại T. đã tự biến mình thành kệch cỡm trong mắt bạn bè.
Còn trường hợp của L.T.T.A – sinh viên năm nhất một trường đại học – làm cho những người học chung lớp tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ cảm thấy hơi khó chịu mỗi khi A. vào lớp. Trong lớp học ngoại ngữ này có đủ lứa tuổi, mọi người sau khi tan học ở trường hoặc tan sở làm thì vô đây học luôn nên trang phục rất nghiêm chỉnh, chỉ có A. là “nổi bật” hơn mọi người – lúc thì váy ngắn đến nỗi không thể ngắn hơn nữa, lúc thì áo sát nách, áo hai dây, khi thì quần trễ rốn. “Học ngoại ngữ mà, phong cách ăn mặc phải giống Tây một chút chứ” – A. “vô tư” phát biểu.
Một số tuổi teen còn chứng tỏ “phong cách sành điệu” của mình bằng cách tải những nhạc chuông có âm thanh kỳ lạ, tiếng nhạc phát ra nghe rợn cả người. Có không ít các bạn trẻ cài những hình ảnh “nóng” làm nền cho chiếc điện thoại di động hoặc lưu trữ những đoạn phim có nội dung xấu vào pocket PC rồi chuyền cho nhau xem để chứng tỏ mình… không phải là người lạc hậu!
Ngôn ngữ tuổi teen
Để hiểu cho được loại ngôn ngữ tuổi teen thường dùng thật khó. “Hôm nay nhìn bạn sao thấy “khủng” quá vậy?”, N.T.D la toáng lên khi nhìn thấy bạn mặc bộ đồ hơi sặc sỡ. Hoặc: “Tao “truy cập” con P. từ nãy giờ mà vẫn chưa thấy nó” – M.T nói, T.S đáp lại: “Thử “đăng nhập” nhà nó, hỏi mẹ nó coi nó có “gô-ao” không?”. Một bác lớn tuổi đứng chờ con ngoài cổng trường nghe xong lắc đầu ngao ngán, hỏi chị bán nước xem chị ta nghe có hiểu không, chứ bác thì không hiểu gì hết. Có lần tình cờ nhìn thấy tin nhắn của con gái gửi cho bạn trong điện thoại di động, chị Thu – nhân viên bán hàng – đọc hoài mà vẫn không hiểu, đó là: “I ngay mai ko the si you, vi o home hoc bai” (Tôi ngày mai không thể gặp bạn, vì ở nhà học bài).
Ngôn ngữ lộn xộn, ăn mặc se sua và chưa kể những ý tưởng quái dị của một bộ phận tuổi teen hiện nay là điều đáng báo động. Nó tràn lan đến mức rất nhiều bậc phụ huynh lo sợ con em mình bị “nhiễm” lúc nào không hay. Chính vì vậy, nhà trường và các bậc cha mẹ cần quan tâm đến những thành viên ở độ tuổi teen mà mình có trách nhiệm phải dạy dỗ, uốn nắn, để các em biết phân biệt được cái đẹp và cái xấu…
Kim Điệp (TTO)
Bình luận (0)