Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Ngông cuồng còn hơn không có ước mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Đang làm việc tại Mỹ với mức lương 22,5 USD/giờ (gần 500.000 đồng/giờ), Tony Đặng (25 tuổi) bỏ việc, bán hết đồ đạc rồi đi vòng quanh Đông Nam Á làm tình nguyện viên không lương giúp đỡ người nghèo, trẻ em…

Tony dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở Thái Lan – Ảnh: nhân vật cung cấp
Giấc mơ “ngông cuồng”
Gia đình Tony từng sở hữu một tiệm nail lớn ở Little Saigon (bang California, Mỹ). Lúc đó, như nhiều người, giấc mơ của Tony sau này là kiếm được nhiều tiền để mua nhà to, sắm xe đẹp. Ai ngờ do người cha mê cờ bạc, gia đình phải bán cả tiệm nail và nhà cửa để trang trải nợ nần. 6 năm trước, trước khi bỏ nhà đi, cha Tony đã nói với con: “Mấy đứa không còn thương ba nữa, vì ba không còn làm ra tiền”. Câu nói đó ám ảnh Tony mãi. Và biến cố này làm anh nhận ra tiền bạc quá phù du cũng như không thể mua được hạnh phúc.
Suốt một thời gian dài, nơi gắn bó nhất của Tony là câu lạc bộ Boys and Girls (một tổ chức từ thiện rất nổi tiếng tại Mỹ). Dù nói tiếng Việt chưa sõi nhưng tại đây, Tony vẫn tình nguyện giúp đỡ những học sinh Việt Nam mới qua, để họ mau chóng hòa nhập cộng đồng. Trong thời gian này, Tony nhận ra khi được hỏi về ước mơ, các bạn trẻ Việt Nam thường rất bối rối, hoặc trả lời mình không có ước mơ, chỉ mong có việc làm kiếm tiền đủ sống là vui. “Tại sao lại không dám có những ước mơ lớn cho cuộc đời mình và cố gắng thực hiện điều đó?”, câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu Tony cho đến khi anh quyết định đi khắp Đông Nam Á để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. “Nhiều người nói tôi là kẻ mơ mộng, nhưng tôi nghĩ, chẳng thà có những giấc mơ ngông cuồng và dám thực hiện nó còn hơn không có”, Tony bày tỏ.
Hành trình thực hiện ước mơ
Thực hiện mơ ước này, Tony phải đợi khoảng 4 – 5 năm để… kiếm tiền bằng nhiều nghề: làm nail, xăm hình nghệ thuật (Tony từng mở tiệm xăm hình vài năm) và cuối cùng thì dừng chân ở vị trí trợ lý với mức lương 22,5 USD/giờ. Rồi một ngày đầu năm 2013, Tony bán hết xe, vật dụng cá nhân của mình, vận động người thân, bạn bè, thậm chí tổ chức rút thăm trúng thưởng gây quỹ làm từ thiện được thêm 5.000 USD nữa, Tony quyết định xin nghỉ việc để trở về nguồn cội của mình: Việt Nam.
Tại đây, Tony làm tình nguyện viên cho Vietartisan (dự án phi lợi nhuận tạo việc làm giúp người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn tại xã An Bình, H.Long Hồ, Vĩnh Long). Nhiệm vụ của Tony là vẽ mẫu, làm khung lụa, phụ người nghèo đóng sách, may thêu và mang sản phẩm của họ lên TP.HCM, ra Đà Nẵng để chào hàng. “Không những làm việc không lương, thấy một chị quá nghèo, nhà dột nát, Tony còn phụ thêm 10 triệu đồng giúp chị dựng lại căn nhà”, chị Tô Lan, người điều hành Vietartisan, cho biết.
Gần 2 tháng sau, Tony đến Đà Nẵng, rồi đảo Koh Samui (Thái Lan)… Cứ thế, mỗi nơi anh ở vài tháng để dạy vẽ, tiếng Anh, mua áo quần, thức ăn cho trẻ mồ côi. Vừa rồi, nghe tin người dân Tacloban (Philippines) bị mất nhà cửa, lâm vào tình trạng kiệt quệ do bão Haiyan, Tony lại quyên góp bạn bè được vài ngàn USD. Ngày 19.12, anh sẽ lên đường sang Philippines tiếp tục làm tình nguyện viên giúp người dân vùng bão.
Thậm chí, Tony vay ngân hàng mở một quán cà phê nhỏ tại Vĩnh Long với mục đích kiếm tiền làm từ thiện. Anh còn dự tính mở lớp dạy vẽ, tiếng Anh, làm một tủ sách miễn phí cho trẻ em nghèo… “Nói thật, làm quán cà phê này mình phải nợ ngân hàng khá nhiều tiền. Cho nên, một năm mình làm việc 6 tháng ở Mỹ để kiếm tiền, 6 tháng còn lại sẽ trở về Việt Nam. Nhưng không hề gì, vì mình đã tìm được giấc mơ của mình”, Tony nói.

Theo Thanh Niên

 

Bình luận (0)