Mặc dù đã có nhiều hoạt động giảm phát thải nhựa sử dụng một lần; tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa (RTN) nhưng RTN vẫn xuất hiện khắp nơi trên đường phố, kênh, rạch. Nếu không kiên trì “nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề lên đến hàng trăm năm do RTN gây ra…
Rác thải nhựa vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường
Theo thống kê, RTN chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM. Trong khoảng 9.000 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP thì có 1.800 tấn RTN nhưng chỉ có 200 tấn được thu hồi tái chế.
Sản phẩm nhựa dùng một lần chiếm 60% ở chợ
Chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM là nơi sử dụng hơn 60% sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là túi ni-lông để đựng thực phẩm. Trong khi đó túi ni-lông là thứ rất khó phân hủy.
Theo ông Lê Quang Thiện – Trưởng ban Quản lý chợ Tân Định (Q.1), sở dĩ tỷ lệ tiểu thương sử dụng túi ni-lông khó phân hủy còn nhiều vì giá thành rẻ, dễ tiếp cận, nhiều đơn vị cung cấp hàng; trong khi đó túi ni-lông thân thiện môi trường giá thành rất cao – 50.000-60.000 đồng/kg. Ban quản lý chợ phải mua túi thân thiện môi trường tặng cho các tiểu thương nhưng việc này khó có thể duy trì trong thời gian dài và cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng của các hộ vì ban quản lý chợ không đủ kinh phí.
Bà Quang Mỹ Dung – hộ kinh doanh tại quận 6 – chia sẻ, muốn bán túi tự hủy nhưng giá cao, người dân không mua dùng thì cũng không thể bán. Do vậy từ lâu cửa hàng của bà không nhập nhiều túi tự hủy về bán, bởi sau thời gian không bán kịp túi sẽ rã ra hết.
Hơn 10 năm đồng hành với chính quyền và đoàn thể trong công tác tuyên truyền giảm RTN khó phân hủy, bà Phan Thị Thúy Phượng – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH SXTM Tổng hợp II – cho biết, đến thời điểm này sản phẩm của Công ty Tổng hợp II cũng như những công ty sản xuất các sản phẩm xanh mới chỉ tiếp cận được một phần rất nhỏ thị trường trong nước, khó nhất là thị trường chợ truyền thống (chiếm đến 65% tổng sản lượng).
Túi ni-lông khó phân hủy vẫn được sử dụng hàng ngày tại các chợ truyền thống
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù từ năm 2019, theo quy định, mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy đã tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/kg. Thế nhưng, trên thị trường hiện nay, túi ni-lông truyền thống chỉ khoảng 25.000-40.000 đồng/kg. Điều này chứng tỏ việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này đang rất khó thực hiện triệt để, gây khó khăn cho cơ sở sản xuất túi tự hủy và tái chế nhựa.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su – nhựa TP.HCM – thông tin: “Càng dùng nhiều chất tự phân hủy thì chi phí lại càng cao cho nên các doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp sản xuất thân thiện môi trường đang chịu cảnh chi phí sản xuất cao hơn so với các doanh nghiệp còn lại”.
Thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường
Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp và dễ mua, các sản phẩm nhựa dùng một lần đang trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, phổ biến từ gia đình đến cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, điểm du lịch… Tuy nhiên, sự tiện lợi này đang để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy hại cho môi trường và cả sức khỏe của con người, kinh tế – xã hội.
Bà Lê Dung – Chánh văn phòng Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam – nhấn mạnh, nhựa đang bị lên án rất mạnh vì gây ô nhiễm đại dương, môi trường nghiêm trọng. Bản thân nhựa không có tội mà do chúng ta chưa có sự quản lý tối ưu.
Kiến nghị một số giải pháp, bà Dung nhấn mạnh cần phân biệt rõ nhựa khó phân hủy không thể tái chế và nhựa khó phân hủy nhưng có khả năng tái chế hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà sản xuất nhựa sử dụng loại nguyên liệu có khả năng tái chế, cải tiến công nghệ để đồng nhất chất liệu của sản phẩm, hạn chế chi tiết phụ… để không mất nhiều công phân loại, phân tách.
Cần có lộ trình giảm sản phẩm nhựa sử dụng một lần Để giảm thiểu RTN, Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy; tham mưu chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhựa thân thiện môi trường và các cơ sở tái chế RTN. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các đoàn thể triển khai tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về tăng cường sử dụng sản phẩm nhựa thân thiện môi trường và sản phẩm nhựa tái chế. Cục Thuế TP tăng cường thanh tra, kiểm tra để thu đúng, đủ thuế bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất túi ni-lông thuộc đối tượng chịu thuế. Cục Quản lý thị trường TP kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đối với mặt hàng túi ni-lông khó phân hủy… |
Ông Thiện – Ban quản lý chợ Tân Định (Q.1) – góp ý, nên thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể sản xuất các mặt hàng túi ni-lông khó phân hủy. Việc này vừa tránh thất thu ngân sách vừa đảm bảo tính cạnh tranh cho các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường và nên đồng bộ triển khai trong ngành thuế cả nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – cho biết, TP.HCM quan tâm đến vấn đề RTN từ rất sớm, là địa phương đi đầu trong công tác tuyên truyền vận động giảm sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường, hỗ trợ thúc đẩy thu gom tái chế RTN. Hiện chưa có được những giải pháp hữu hiệu nên TP thực hiện việc quản lý, kiểm soát từ khâu sản xuất, phân phối đến sử dụng, thu hồi và xử lý đúng quy định.
Cũng theo bà Mỹ, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển tái chế là những vấn đề TP đặt trọng tâm nghiên cứu trong khi chờ các cơ chế, chính sách mà bộ ngành ban hành để có thể áp dụng một cách chính thức theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Minh Phương
Bình luận (0)