Nếu như đầm biển có loại thân cây rau câu làm thạch ăn mát lạnh bổ dưỡng trong những ngày nắng nóng, thì ở những vùng đất núi đồi miền Trung lại cho một loại dây làm món thạch ăn không kém thạch rau câu, đó chính là dây sâm nam.
Sâm nam dùng chung với nước đường – Ảnh: Mỹ Tuyết |
Ở một số địa phương, sâm nam còn có tên gọi khác là sương sâm, sâm lông, tên khoa học là Tiliacora triandra. Đây là một loại thân dây leo, sống nhiều ở vùng đất đồi pha cát và sỏi. Mỗi dây trưởng thành dài chừng 3 – 10 m, lá mọc đơn, màu xanh lục hình trái tim, trên bề mặt của lá có nhiều lông tơ.
Để làm món sâm nam, người dân quê vào rừng hái số lượng lớn lá còn xanh non về rồi tự tay chế biến. Có thể làm lá tươi hoặc phơi cho lá khô héo tùy thích. Thường khoảng 2 – 3 kg lá có thể làm cho 5 – 7 người ăn. Bước đầu tiên là phần lá phải rửa thật sạch, người làm cũng phải rửa sạch tay, dùng tay vò lá hoặc chà lá vào rổ cước, vò đến khi lá sâm nam nát nhừ ra màu xanh ngắt rồi cho lượng nước sôi tùy ý đổ vào. Tiếp tục dùng tay trộn lại lần nữa cho lá thấm đều với nước rồi dùng khăn vắt lược thật sạch, loại bỏ phần xác và bã lá, chỉ lấy nước đã thật sạch bã. Khi đó phần nước lấy được sẽ thành màu xanh, đặc quánh. Nếu muốn sâm ngon cứng hơn thì lúc này cho vào một ít nước nang mực rồi cho phần nước đó vào ca hoặc ly, cất vào tủ lạnh. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau thì phần nước đó sẽ đông cứng thành một khối màu xanh.
Bình luận (0)