Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngư dân đầm phá trúng đậm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngư dân vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai của tỉnh Thừa Thiên -Huế hiện đã hết cảnh "mất máu" (ăn dần vào tiền để dành do làm ăn thất bát) nhờ năm nay tôm cá tự dưng nhiều bất ngờ như…trên trời rơi xuống.

Vừa thả xuống sân một đống hỗn hợp với những tôm, cá các loại, ông Võ Văn Lầm – người dân thôn Ngư Nghiệp, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, vội kéo tay chúng tôi “ra quán vừa lót bụng, vừa làm mấy chai”, dù lúc đó trời mới tờ mờ sáng.
Sự hào sảng này khác với cái cảnh chúng tôi gặp nhau lần đầu cách đây đúng 2  năm. Lúc đó, ông Lầm cùng hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt trên phá Tam Giang của miệt ngũ điền thuộc 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền suốt ngày mặt mày ủ rũ vì tôm cá trên phá ngày một ít đi bởi nhiều lý do, trong đó có việc khai thác bừa bãi, “thiếu kiềm chế” trong nhiều năm liền và nguồn nước bị ô nhiễm.
Đầm phá Tam Giang
Thế nhưng chỉ sau 2 năm, chuyện đã gần như quay ngoắt 180 độ. Ông Phan Kiến – một trong những người sinh sống bằng nghề đánh bắt ở thôn I, xã Điền Hải – hồ hởi khoe: “Cả chục năm ni, chừ mới chộ tôm, cá, đặc biệt là tôm trên phá Tam Giang nhiều như ri, nhiều đến mức ngạc nhiên. Có hôm đi làm về được nhiều quá, tui băn khoăn hỏi hay là tôm cá mô trên trời rơi xuống?”.
Theo ông Võ Văn Lầm, nếu như mấy năm trước, trung bình mỗi ngày “bòn” được vài chục ngàn đã khó khăn thì hiện nay, trung bình mỗi ngày, người dân dân  ở đây  kiếm được 2 – 3 trăm ngàn, thậm chí có nhiều ngày lên đến 5 – 7 trăm ngàn là chuyện bình thường.     
Theo người dân ở đây, nguyên nhân dẫn đến việc năm nay tôm cá trên phá nhiều có thể là do luồng lạch được khơi thông, nguồn lợi thuỷ sản, môi trường sinh thái được phục hồi nhờ việc giải toả hơn 1/2 nò sáo mà chính quyền địa phương đã thực hiện trong 2 năm (2008 -2009). Đây là kế hoạch mà khi triển khai thực hiện đã gặp rất nhiều phản ứng của hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng từ khắp các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Họ lo sợ thất nghiệp khi chuyển đổi nghề cũng như hạn chế đánh bắt.
Tuy nhiên thực tế sau 2 năm đã chứng minh điều ngược lại: Nhờ sự sắp xếp lại nò sáo mà tôm cá trên phá Tam Giang đã phục hồi nhanh ngoài sức tưởng tượng. Và quan trọng nhất, “không biết các địa phương khác thì răng, nhưng tui thấy ở Điền Hải, Điền Hoà (huyện Phong Điền), cũng như mấy bà con của tui ở bên huyện Quảng Điền, không có ai trong diện bị chuyển đổi, sắp xếp nò sáo mà đói cả do tôm cá bữa ni nhiều, không làm sáo thì làm lừ, không làm lừ thì thả lưới…, kiểu chi cũng kiếm được tiền” – ông Phan Minh – một trong những người dân bị sắp xếp nò sáo ở xã Điền Hải – tâm sự.
Hoàng Văn Minh / Lao Dong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)