Trước tình trạng cá chết dạt bờ hàng chục ngàn tấn kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, người tiêu dùng đắn đo lo sợ cá nhiễm độc khiến chợ cá đìu hiu, ngư dân bãi ngang bao đời sống nhờ cá tôm trên biển buộc phải neo thuyền, ngóng ngày biển “êm” trở lại trong nỗi niềm âu lo gánh nặng áo cơm…
Chợ cá đìu hiu khách sau tình trạng cá chết tràn bờ biển |
Ngư dân neo thuyền giữa vụ cá
Đi dọc vùng biển bãi ngang các tỉnh miền Trung vào những ngày này, một không khí buồn bã, âu lo phủ trùm lên gương mặt của nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Những chiếc thuyền công suất nhỏ neo vào bờ cát trông chơi vơi trước những con sóng mang hàng ngàn, hàng triệu xác cá chết dạt vào bờ. Nguồn sống bao đời nay của những ngư dân nghèo dựa vào con cá con tôm trên biển bỗng dưng bị “treo” bởi nguồn nước nhiễm độc chưa rõ nguyên nhân. Ngư dân Nguyễn Văn Hải ở vùng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) buồn bã nói: “Tui sống gần ngót đời người gắn với nghề biển, chưa khi mô gặp phải tình cảnh như ri. Biển ô nhiễm, cá chết tràn bờ, ngư dân phải treo lưới chờ biển lại, trong khi mỗi ngày, vẫn phải chi phí ăn uống, sinh hoạt cho gia đình mấy miệng ăn không biết lấy đâu ra…”. Còn ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương bần thần, mấy tuần trở lại đây, từ khi có hiện tượng cá chết, ngư dân vùng bãi ngang này không đi biển nữa bởi vì dù có đánh bắt được cá sống thật thì người mua cũng không dám mua vì sợ nguồn nước đã nhiễm độc. Đời sống ngư dân đã khó khăn nay càng khó khăn hơn!
Ông Nguyễn Quang Bái, Chi hội Nghề cá xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) bần thần: “Trước đây mỗi chuyến đi ngắn 5 ngày, vào mùa biển như thế này, gia đình tui cũng thu về được 15 triệu, trừ chi phí dầu máy, thực phẩm cũng lãi vài triệu để đong gạo, sinh hoạt và cho con cháu ăn học. Chừ cá đi về không ai mua, nếu có đi thì cũng lỗ vốn… Cả chi hội có đến 314 hội viên, nay không biết phải ra biển thế nào”. |
Cũng trong tình cảnh tương tự, bãi biển Vĩnh Thái kéo dài đến Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), ngư dân cũng neo thuyền chật bến. Ông Nguyễn Quang Bái, Chi hội Nghề cá xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) bần thần: “Trước đây mỗi chuyến đi ngắn 5 ngày, vào mùa biển như thế này, gia đình tui cũng thu về được 15 triệu, trừ chi phí dầu máy, thực phẩm cũng lãi vài triệu để đong gạo, sinh hoạt và cho con cháu ăn học. Chừ cá đi về không ai mua, nếu có đi thì cũng lỗ vốn… Cả chi hội có đến 314 hội viên, nay không biết phải ra biển thế nào”. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng cho biết, số lượng ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ở địa phương rất đông, đó là nghề kiếm sống chính của bà con nhưng bây giờ cá đi lên không còn ai mua họ đành nghỉ đi biển. Chính quyền địa phương dù không muốn ngư dân mình thất bát nhưng không biết làm sao trước tình cảnh này, chỉ mong các cấp ngành chức năng sớm vào cuộc, có giải pháp để giúp ngư dân mình.
Nhà hàng, chợ cá đìu hiu khách
“Biển chết”, ngư dân neo thuyền đợi, các nhà hàng ven biển phục vụ du lịch cũng trở nên đìu hiu, thất thu vì du khách không xuống biển. Chị Nguyễn Thị Hồng, một chủ nhà hàng ở biển Cửa Tùng nói: “Bây giờ đang độ vào mùa du lịch, như các năm trước, mỗi ngày quán có hàng chục đoàn khách. Rứa mà bây giờ có mở cửa suốt từ sáng đến tối cũng không ai đến nữa. Người ta không ăn hải sản vì sợ nhiễm độc, cũng hiếm khi xuống tắm cũng vì sợ nước ô nhiễm chất độc…”.
Tại các chợ cá ngay trên bến thuyền vào ở biển Cửa Tùng, nhiều tiểu thương vẫn bán cá nhưng người tiêu dùng chỉ đến xem chứ không mua. Ngay cả những tiểu thương là đầu mối thu mua cá để phân phối đi các chợ trong vùng cũng lâm vào cảnh… bó gối ngồi chờ. “Bình thường mỗi đợt thuyền về, tui mua hàng vài chục triệu đồng để phân phối lại cho tiểu thương nhỏ lẻ, nhưng mấy hôm nay, các đầu mối đó cũng không thu mua nữa vì không biết bán cho ai”, bà Nguyễn Thị Út, một đầu mối thu mua lớn ở thị trấn Cửa Tùng cho biết. Xa hơn, tại các chợ thuộc thành phố Đông Hà, Đồng Hới, các gian hàng bán cá cũng ế ẩm tương tự. “Mọi bữa mỗi ngày tui bán 50 cân cá vẫn hết sớm, nay chỉ chục cân mà không ai thèm hỏi han”, chị Nguyễn Thị Biên – một tiểu thương ở chợ Đông Hà than thở.
Không chỉ ngư dân đi biển, các tiểu thương làm nghề bán cá mà cả các hộ dân nuôi tôm, cá lồng lấy nguồn nước từ biển ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế cũng đang trắng tay dày nợ vì cá tôm chết do ô nhiễm nguồn nước biển. Câu chuyện về ô nhiễm môi trường không còn mới trong vài năm trở lại đây. Cũng đã có nhiều ban ngành, chính sách bắt tay vào cuộc chống ô nhiễm môi trường. Nhưng hơn bao giờ hết, môi trường biển và đời sống của hàng vạn người dân dọc dải biển bãi ngang ở các tỉnh miền Trung đang là vấn đề bức thiết cần có sự vào cuộc một cách nhanh chóng và quyết liệt hơn!
Bài, ảnh: Vĩnh Yên – Thiên Phúc
Bình luận (0)