Tìm đến nhà ngư dân Trần Anh (thôn An Hội, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong), nạn nhân vừa bị tàu giã cào đâm chìm thuyền đêm 5/5 mới đây kể: “Như mọi khi, cách bờ tầm 2 hải lý, tui tắt máy neo thuyền. Đang thả lưới, buông câu mực, tui phát hiện 2 tàu giã cào hơn 200 mã lực chạy song song với tốc độ vun vút. Tui liên tục ra tín hiệu cảnh báo, 2 tàu giã cào vẫn lao nhanh tới rồi kéo chìm con thuyền với 2.000m lưới lẫn hệ thống câu mực của tui. Lúc ấy khoảng 10 giờ đêm. Tàu giã cào kinh hoàng lắm, lúc mô cũng đi thành cặp chạy song song kéo tấm lưới lớn mắt nhỏ đi sát đáy, hút vô tất tật bất cứ thứ chi trên đường chúng đi qua. Tui đã kịp ghi lại số hiệu của hai tàu giã cào, TSQN-925… và TSQN-925… , đều là tàu đăng ký ở Quảng Ngãi”.
Người cứu ngư dân Anh đêm ấy là ngư dân Trần Bình. “Vừa thả tay lưới xong, tui chợt thấy tín hiệu đèn cấp cứu nháy liên tù tì, liền nổ máy phóng thuyền đến. Sau khi vớt được Anh đang lóp ngóp giữa biển, tui nổ máy tăng ga đuổi theo 2 tàu giã cào những mong họ dừng lại để vớt thuyền của Anh, song cặp tàu giã cào đã tắt đèn, mất hút ngoài khơi xa”, ngư dân Bình kể.
Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Trần Mai Son chiều 14/5 cho hay, nạn giã cào xuất hiện ngót 3 tháng nay. Tàu giã cào hầu hết của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng. Vùng biển Triệu Lăng bị hoành hành nặng nhất. “Tàu giã cào đánh bắt tận diệt hải sản, đội hình 2 chiếc chạy song song với sợi xích giằng giữa, mỗi chiếc trên 200 mã lực dài tầm 17 m, rộng 8m. Bất cứ loại sinh vật biển nào nơi tàu này chạy qua đều không thoát khỏi lưới quét của nó”, ông Son nói.
Theo ông Trần Luân, trưởng thôn An Hội, từ cuối tháng 3 đến nay 38 hộ dân ở đây bị mất 30 vàng lưới tổng cộng 70.000m, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Ông Luân kể, cuối tháng 3 vừa rồi, ngư dân Nguyễn Văn Hiền thả 32 tấm lưới đánh bắt mực nang cách bờ 3 hải lý. Dù đã cẩn thận bật đèn tín hiệu ở hai đầu và giữa vàng lưới để tránh tình trạng bị tàu giã cào chạy ngang xé lưới, song hôm sau vàng lưới vẫn biến mất, được cho là bị tàu giã cào kéo đi. Đầu năm 2016, 42 tấm lưới của ngư dân Hiền thả gần bờ cũng bị cuốn mất tiêu. Ngày 28/3 vừa rồi ngư dân Trần Ngọc Lâm bị mất 35 tấm lưới.
Bất lực với nạn giã cào?
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị Nguyễn Hoài Nam, cho biết: “Cơ quan chức năng ở Quảng Trị đang truy tìm 2 chiếc tàu giã cào có số hiệu Quảng Ngãi để điều tra, xử lý. Việc truy quét tàu giã cào gặp nhiều khó khăn. Vùng biển phía bắc cảng Cửa Việt trở vào huyện Triệu Phong và Hải Lăng bằng phẳng nên tàu giã cào dễ hoạt động. Giữa tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng Quảng Trị truy quét song bị các ngư dân trên tàu giã cào dùng hung khí chống trả quyết liệt. Các tàu giã cào ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở vào luôn có mật báo. Chúng tôi đã nghi binh, cho tàu tuần tra nằm ngoài đảo Cồn Cỏ rồi bất ngờ lao về vùng biển xã Triệu Lăng để kiểm tra, kiểm soát song tàu giã cào nhanh chóng bỏ chạy”.
Trao đổi về vấn nạn tàu giã cào, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho hay, tàu
giã cào chủ yếu cung cấp thức ăn cho việc nuôi trồng thuỷ hải sản. 90% lượng hải sản thu được từ tàu giã cào được làm nguyên liệu tươi sống cho nuôi trồng biển. Nếu muốn chấm dứt nghề giã cào thì cần sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng biển thay vì sử dụng thức ăn tươi sống như hiện nay. “Luật Thuỷ sản (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua kỳ họp tới, theo tôi được biết, ban soạn thảo đã đưa vào quy định không khuyến khích loại hình khai thác này. Chắc chắn sau khi luật được thông qua, sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể nơi nào cấm, hạn chế, không khuyến khích. Nghị định cũng sẽ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phải hỗ trợ việc chuyển đổi nghề cho ngư dân thế nào; ngư dân không hành nghề giã cào thì làm gì…”, ông Đồng nói.
Hữu Thành/ TPO
Bình luận (0)