Ngày 11/5, tại cảng Lạch Quèn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu – Nghệ An), hàng chục phương tiện tàu thuyền có công suất lớn từ 90 CV trở lên cập bến, thuyền đầy ắp cá. Ngư dân trúng đậm cá hố, các cảng cá tấp nập.
Được mùa cá hố
Từng dòng người, xe cộ tấp nập ra vào bến vận chuyển thu mua hải sản. Chủ tàu cá NA 90328TS, anh Hồ Dự ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) kể: “Sau chuyến đi 10 ngày, tàu tôi đánh bắt được gần 20 tấn cá hố và cá nục bạc má. Vừa cập cảng Lạch Quèn, các chủ buôn tranh nhau mua hết”. Không kịp nghỉ ngơi, tàu của anh Hồ Dự lại chuẩn bị nhiên liệu cho chuyến đi biển dài ngày tiếp theo. Mùa biển tháng 4, tháng 5 ngư trường Nghệ An ngư dân thường trúng lượng lớn dòng cá có giá trị xuất khẩu như cá hố, cá hồng, cá mú.
Sáng 11/5, nhiều tàu cá của ngư dân xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa cũng đang khẩn trương vận chuyển hải sản trên khoang tàu xuống bến để thương lái đến thu mua. Hiện cá hố được mua 80 nghìn đồng/kg, cá bạc má 30 đến 40 nghìn đồng/kg. “Trừ các loại chi phí ra, với khoảng 20 tấn cá hố cập bến chúng tôi thu về gần 100 triệu đồng tiền lời để anh em lao động chia nhau”, ngư dân Trần Văn Minh xã Tiến Thủy chia sẻ.
Tại TX Hoàng Mai, ngư dân phường Quỳnh Phương cũng ra khơi với mục tiêu khai thác cá xuất khẩu. “Cá hố vùng biển Nghệ An hầu như là loại cá khủng có trọng lượng từ 10-20kg/con nên giá trị rất cao. Sau mỗi chuyến xuất bến chúng tôi chỉ mong thu về được dăm bảy tấn cá hố, cá mú là lãi lớn lắm”, anh Trần Đăng Hưng trú tại xã Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai- Nghệ An) cho biết.
“Cá hố vùng biển Nghệ An hầu như là loại cá khủng có trọng lượng từ 10-20kg/con nên giá trị rất cao. Sau mỗi chuyến xuất bến chúng tôi chỉ mong thu về được dăm bảy tấn cá hố, cá mú là lãi lớn lắm”. Ngư dân Trần Đăng Hưng |
Quỳnh Phương hiện có trên 250 phương tiện làm nghề lưới rê, trong đó chuyên nghề lưới rê cá hố có 17 vàng lưới, còn lại khai thác hỗn hợp gồm cả nghề cá hố, cá mú và cá lưỡng; Thị xã Hoàng Mai hiện có 962 chiếc tàu khai thác hải sản với tổng công suất trên 90CV của 3 phường, xã Quỳnh Lập, Quỳnh Dị và Quỳnh Phương; sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 30 tấn.
Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai, ông Nguyễn Hữu Tuy nói: “Ngư dân Hoàng Mai gần như không bị ảnh hưởng trong việc ra khơi bám biển cũng như tiêu thụ sản phẩm sau hiện tượng cá chết dọc biển miền Trung, sức mua nguồn hải sản này cũng rất ổn định. Đấy là một tín hiệu đáng mừng đối với ngư dân cũng như thu hút khách du lịch biển Quỳnh”.
Cảng cá tấp nập
Nghệ An là tỉnh có bờ biển trải dài qua 5 huyện, thị. Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An, đến tháng 5/2016 toàn tỉnh có hơn 4.000 tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản với hơn 19.000 lao động trên biển. Trong đó hơn 1.300 tàu, thuyền công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ.
Cảng cá Lạch Quèn (thuộc xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là nơi trú ngụ của hàng nghìn tàu cá của 4 địa phương có lượng tàu cá lớn nhất Nghệ An gồm xã Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa. Các tàu chủ yếu hành nghề đánh bắt hải sản bằng lưới vây và sào, mỗi chuyến đi biển từ 7 đến 10 ngày.
Tại cảng cá Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) mỗi ngày hàng trăm chiếc tàu đánh bắt hải sản bằng nghề giã cào tấp nập cập bến, cung cấp hàng trăm tấn nguyên liệu cho các xưởng sản xuất làm nước mắm, ruốc và sản xuất tinh bột cá. Ông Nguyễn Chí Lương – Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết: “Tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ ngư cụ, cấp vốn cho ngư dân vay đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ”. Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Nghệ An đã được các ngân hàng giải ngân đóng mới hàng chục chiếc tàu công suất lớn đánh bắt cá xa bờ.
Theo TPO
Bình luận (0)