Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Ngư dân vươn khơi bằng tàu vỏ thép

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân công xưởng đóng tàu của ông Võ Văn Thụ đưa vật liệu lên giàn đóng tàu vỏ thép

Trở lại vùng biển bãi ngang Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) những ngày này, câu chuyện về những con tàu cá vỏ thép được hỗ trợ vay vốn đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ về ưu đãi đặc biệt đối với mô hình tàu cá vỏ thép được bà con ngư dân hào hứng kể. Những con tàu vững vàng không chỉ giúp ngư dân nghèo nâng cao đời sống kinh tế mà còn yên tâm hơn trước tai ương, bất trắc.

Yên tâm vươn khơi

Những ngày thời tiết đẹp, cảng biển Cửa Việt tấp nập từ rạng sáng đến đêm. Tiếng cười rổn rảng của những ngư dân trên bến cảng. Nhịp sống yên bình đến lạ. Bước lên từ khoang tàu chất đầy ngư cụ, thực phẩm, anh Đoạn Văn Dũng – ngư dân đầu tiên đóng tàu vỏ thép ở Cửa Việt phấn khởi nói: “Tàu mình vừa được hạ thủy cách nay mấy hôm. Mình cùng các thủy thủ đang chuẩn bị các khâu để thực hiện chuyến ra khơi đầu tiên. Hi vọng với con tàu này, sẽ vươn được khơi xa, đánh bắt được nhiều thủy hải sản để nâng cao thu nhập cho anh em. Lâu nay đi tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, không chịu được sóng gió lớn nên nhiều chuyến lỗ trắng tay. Cuộc sống vá víu, đắp đổi qua ngày chứ chưa có dư dả”.  Tàu vỏ thép của anh Dũng có công suất 829 CV, tổng giá trị đầu tư 14,5 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ cho vay 95% giá trị. “Phía ngân hàng cho vay thời hạn 11 năm, tài sản thế chấp chính là con tàu hình thành từ vốn vay nên cũng yên tâm. Cứ thuận trời, thuận biển thì có thể nhanh chóng hoàn vốn vay”, anh Dũng nói.

Thống kê sơ bộ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 160 ngư dân đăng ký đóng tàu khai thác vùng biển xa theo Nghị định 67, trong đó có 20 chủ tàu đăng ký đóng tàu vỏ thép. Ông Mai Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt nói, người dân đi biển không mong gì ngoài con tàu của mình vững chãi trước sóng gió biển khơi! 

Đến tham quan tàu anh Dũng, tìm hiểu các thông tin để vay vốn đóng tàu vỏ thép mới, ông Bùi Xuân Tấn, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, chủ tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu QT 91119, công suất 700 CV phấn khởi nói: “Bây giờ Chính phủ tạo điều kiện rồi, ngư dân chúng tôi yên tâm hơn”. Với 55 tuổi đời, ngót 30 năm bám biển nhưng phải mất 25 năm làm bạn thuyền, ông Tấn mới gom góp được chút đỉnh và vay mượn thêm để mua lại một con tàu vỏ gỗ đã qua sử dụng. Dù trở thành chủ tàu nhưng khi thông tin về chủ trương hỗ trợ vay vốn đóng tàu vỏ thép, ông Tấn cùng những ngư dân khác đến tìm hiểu để làm các thủ tục vay vốn. Ông Tấn chia sẻ: “Quả thực những ngư dân vươn khơi bằng tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ, trang thiết bị thiếu thốn, ngư lưới cụ nhỏ trong khi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa rộng lớn. Có tàu công suất lớn là khát vọng bao đời của người đi biển, có thể đạp sóng to, gió lớn, không sợ bị tàu cá nước ngoài chèn ép, va đâm”.

Đi trước, làm đầu

Trước khi chính sách tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng mới tàu thuyền của Chính phủ ban hành, ở Cửa Việt, có một ngư dân đã mạnh dạn gom góp vốn để bắt tay vào đóng tàu vỏ thép. “Khát vọng về tàu lớn vươn khơi luôn là điều tôi ấp ủ”, ông Võ Văn Thụ – ngư dân dạn dày với nghề đi biển và hiện đang là chủ một xưởng tàu giàu kinh nghiệm trong việc sửa chữa, đóng mới những con tàu, bộc bạch. Con tàu vỏ thép của ông Thụ hiện đang dần hình thành dành cho nghề lưới chụp với công suất 1.100 CV; trọng tải khoảng 250 tấn; ước tính tổng trị giá đóng mới và trang thiết bị khoảng 15 tỷ đồng. Ông Thụ bảo, nghề biển với phương tiện thô sơ nên thời gian đánh bắt trên biển rất ngắn, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, ra khơi bằng tàu vỏ gỗ ngư dân không chỉ gặp khó khăn trong việc bảo quản sản phẩm sau khai thác mà còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi đánh bắt ở ngư trường xa trong điều kiện sóng to gió lớn. Với con tàu vỏ thép của ông, dự định khi vươn khơi nếu thuận biển, được mùa thì khoảng 6 đến 7 năm là có thể hoàn thành trả nợ vốn vay.

Ngoài tiên phong trong đóng tàu vỏ thép, ông Thụ còn là chủ một xưởng đóng tàu lớn tại thị trấn Cửa Việt. Bằng trái tim yêu biển, ông cùng các tay thợ lành nghề không chỉ đóng mới mà còn đại tu cho hàng trăm con tàu của bà con trở nên lành lặn. Với quan niệm, để những con tàu cá vươn khơi hiệu quả, trước hết phải đảm bảo 3 nguyên lí cơ bản, gồm: tốc độ; tính năng ổn định và sức chứa. Bởi vậy, tàu cá vỏ thép có nhiều lợi thế hơn tàu vỏ gỗ truyền thống. Ông Thụ cho biết, trong năm 2015, xưởng của ông nhận đóng 7 tàu cá cho ngư dân biển bãi ngang theo Nghị định 67 CP, trong đó có 4 tàu vỏ thép và 3 tàu vỏ gỗ. “Với ngư dân sống bằng nghề biển, biển là nhà. Bởi vậy con tàu đóng vai trò rất lớn trong việc an cư lạc nghiệp của họ”, ông Thụ bộc bạch.

Được hỗ trợ vốn vay đóng tàu mới bà con ngư dân rất phấn khởi, bên cạnh đó những con tàu vỏ gỗ công suất lớn vài năm trở lại đây đã được đóng mới, thu nhập của bà con được nâng lên hẳn, bộ mặt một vùng bãi ngang nghèo của tỉnh nay đang dần trở thành thị tứ sầm uất. Tàu lớn vươn khơi không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là khát vọng của bao ngư dân neo trọn đời mình trên vùng biển bãi ngang này!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)