Anh Khiềng (thứ 4 từ trái sang) trong Đại hội Gia đình hiếu học năm 2009 |
Có tới 5 cậu con trai, vợ chồng anh Vòng Chí Khiềng (P.Phú Trung, Q.Tân Phú) không khỏi lo lắng vì nếu nuôi dạy không khéo dễ thành “ngũ quỷ”. “Nhờ trời”, 5 đứa con của anh chị đều ngoan hiền và học hành nên người. Bởi vậy mà bà con lối xóm gọi chúng là “ngũ hổ”…
Làm mướn nuôi con
Nhiều năm sinh sống ở Định Quán, Đồng Nai nhưng do không có nghề nghiệp ổn định nên gia đình anh Vòng Chí Khiềng luôn thiếu trước hụt sau. Năm 1978, khi cậu con trai đầu lòng ra đời, chị Ừng Sin Mùi phải ở nhà nuôi con. Gánh nặng gia đình từ đó đè lên vai người chồng. Hai năm sau, trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng họ lại có thêm một cậu nhóc. Nhiều hôm đi làm về nhìn mâm cơm chỉ có đĩa rau và vài miếng khô, anh Khiềng càng thương vợ con hơn. Đi ngang chợ muốn mua cho con một hộp sữa nhưng cũng không biết lấy tiền ở đâu…
Anh Khiềng nhớ lại: “Năm 1981 cả nhà dắt díu nhau xuống TP.HCM, đó cũng là năm vợ tôi sinh đứa thứ 3. Tiền bán căn nhà ở Đồng Nai vừa đủ mua một miếng đất nho nhỏ ở trong hẻm trên đường Khuông Việt, quận Tân Bình (nay là Tân Phú). Một căn nhà tạm được mọc lên với những thứ vật liệu cũ, có thứ thì mua lại nhưng có thứ thì hàng xóm cho. Có được căn nhà che mưa nắng, tôi đi khắp nơi tìm việc làm. Tôi làm bất kỳ việc gì miễn có tiền nuôi vợ con. Nhưng “miệng ăn núi lở”, những đồng tiền tôi kiếm được chẳng thấm gì so với nhu cầu của gia đình. Đúng lúc ấy, gần nhà có xí nghiệp sản xuất giày dép, thấy nhiều người đến xin nhận làm hàng gia công nên tôi cũng thử một phen. Từ đó, ban ngày tôi đi làm thuê, ban đêm gia công giày dép. Công việc khá đơn giản như cắt mẫu quai, đế giày, dán keo… nhưng tiền thù lao thì quá rẻ mạt. Nhiều hôm đi làm về mệt quá, tôi chỉ mong ăn cơm tối xong là được lên giường đánh một giấc nhưng nhìn đống giày dép chưa làm xong tôi lại ráng cùng vợ làm nốt. Thế là cả nhà chong đèn lên làm cho đến nửa đêm mới nghỉ…”.
Năm 1984, anh chị có thêm cậu con trai thứ 5, đó cũng là năm cậu con trai lớn đến tuổi đi học. Bây giờ vợ chồng anh không chỉ lo cái ăn, cái mặc cho con mà còn có thêm cái chữ cho chúng nữa.
Không lơ là chuyện học
Anh Khiềng tâm sự: “Cha mẹ nghèo có thể không lo đủ cho con chuyện cơm áo hàng ngày nhưng chuyện học thì không thể lơ là được”. Điều đáng quý là người vợ của anh luôn ủng hộ ý kiến chồng mình. Chị Ừng Sin Mùi nói: “Áo con mặc có thể chưa lành lặn, cơm con ăn có thể chưa no nhưng vợ chồng tôi nhất quyết không để con mù chữ”. Và anh chị luôn động viên con cái chăm học dù nghèo khổ đến mấy.
Tuy chữ nghĩa không nhiều, công việc lúc nào cũng bù đầu nhưng mỗi ngày vợ chồng anh luôn dành thời gian để nhắc nhở các con học hành.
Cũng vì thương ba mẹ mà cả 5 đứa con của anh chị luôn chăm chỉ trong việc học. Ngoài thời gian đến trường, mấy anh em phụ giúp ba mẹ làm gia công giày dép. Nhiều năm trong nghề vợ chồng anh lại có thêm kinh nghiệm, bởi vậy mà sản phẩm họ làm ra không chỉ nhiều hơn mà còn đẹp hơn. “Sóng gió” của những ngày khó khăn, cực khổ dần dần cũng dịu lại và qua đi.
Chị Mùi nhắc lại chuyện cũ: “Biết gia đình tôi có 5 thằng con trai nhiều người rất lo lắng không biết lớn lên chúng có thành người không. Không chỉ hàng xóm, vợ chồng tôi cũng lo ngay ngáy, nhất là khi chúng kết bạn ở ngoài đường, ngoài phố. Song thật may là đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn và có công việc ổn định”.
Hôm tôi đến thăm gia đình anh chị có 2 cậu con trai đang ở nhà. Anh con trai lớn là Vòng Tắc Sồi, Phó phòng kinh doanh Công ty THHH An Thịnh và cậu em út Vòng Tắc Thòng, giáo viên và là tổ trưởng tổ bộ môn điện tử Trường Trung học KT-NV Nam Sài Gòn. Ngồi chơi một lúc gần đến giờ cơm trưa, 3 cậu con trai cũng về “đoàn tụ” với ba mẹ. Lúc này tôi mới biết mặt anh Vòng Tắc Cảm – chuyên viên thiết kế mẫu cho Cơ sở giày dép Phước, Vòng Tắc Xiền – Giám đốc Công ty TNHH Trí Luật và Vòng Tắc Hòa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện là trợ lý giám đốc Công ty TNHH SHEIFLEX (Đài Loan). Anh Khiềng khoe với tôi: “Cháu Xiền và cháu Thòng hiện đang học cao học để lấy bằng thạc sĩ”.
Hương Thủy
Bình luận (0)