- 1 Ngữ liệu đắt giá môn ngữ văn trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Chủ đề “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mang thông điệp nhân văn, có tính giáo dục cao.
ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có những trao đổi xung quanh đề thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 – kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDTP 2018 với nhiều điểm mới.
Ngữ liệu đắt giá, tạo “sức bật” cho cả một đề thi
Đây không phải là năm đầu tiên đề thi tốt nghiệp THPT đưa vào ngữ liệu ngoài SGK, tuy nhiên, đây là lần hiếm hoi mà đề thi tốt nghiệp THPT chọn được một ngữ liệu đắt giá. Ngữ liệu đã đáp ứng được các tiêu chí mà Chương trình Ngữ văn 2018 đã nêu (phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực; đảm bảo tính thẩm mỹ, giáo dục, thực tiễn; phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh; có tiềm năng khai thác tích hợp…).
Bên cạnh đó, việc lựa chọn một nguồn tin cậy (NXB Văn học), chọn tác phẩm của một tác giả đã được khẳng định tên tuổi bền vững (Nguyễn Minh Châu) đã tăng thêm rất nhiều giá trị, độ an toàn cho ngữ liệu. Thêm vào đó, văn bản là một truyện ngắn của cây bút vốn có phong cách tự sự triết luận; do vậy, chủ đề, giá trị nội dung của ngữ liệu đã thực sự trở thành một chất liệu tốt nếu học sinh biết cách khai thác hiệu quả cho phần nghị luận xã hội.
Các câu hỏi đảm bảo được phân bố đúng theo các mức nhận thức, có tính liên kết cao. Câu hỏi đọc hiểu số 1, số 3, số 4, số 5 đã đề cập/ít nhiều gợi đến đến các yếu tố như ngôi kể, chi tiết tiêu biểu, nhân vật, nội dung chủ đề và một số nét đặc sắc nghệ thuật làm rõ cho nội dung chủ đề, vốn là những yêu cầu cần đạt quan trọng đối với kỹ năng đọc thể loại truyện ngắn của Chương trình Ngữ văn 2018. Sự xuất hiện câu hỏi thứ 5 khá thú vị khi đã giúp đề thi phần nào đáp ứng yêu cầu so sánh văn bản văn học – vốn là một kiểu bài văn nghị luận phổ biến ở lớp 12.
Tính phân hóa được thể hiện rõ trong các câu hỏi 4 và 5. Với câu hỏi 4, có lẽ yêu cầu hướng đến việc học sinh phải nhận ra đây là chi tiết tiêu biểu trong đoạn trích rồi mới có thể nêu rõ hiệu quả biểu đạt của chi tiết. Câu hỏi số 5 đặt ra yêu cầu so sánh, tất yếu học sinh phải chỉ ra ít nhất hai điểm tương đồng về ý nghĩa mới phù hợp với mức điểm cao của câu hỏi vận dụng.
Hơn thế, nếu học sinh tinh ý, các em sẽ nhận ra những bằng chứng cần thiết cho phần viết đoạn nghị luận văn học đã được gợi ý từ các câu hỏi đọc hiểu ở trên. Đây chính là “lối thoát hiểm” đầy tinh tế, đậm tính nhân văn của người ra đề dành cho học sinh năm đầu tiên thi theo chương trình mới.
Trong phần viết đoạn văn Nghị luận văn học, đề thi rất xác đáng khi yêu cầu triển khai đoạn văn (tập trung vào 1 vấn đề) gắn với 1 biểu hiện cụ thể trong thế giới tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Vấn đề cần nghị luận thực ra cũng không phải là dạng thức quen thuộc với nhiều học sinh vốn đã quen với việc phân tích nhân vật hoặc một nét tính cách của nhân vật. Điều quan trọng là khi phân tích, các em phải nhận ra sự thay đổi trong tình cảm của Lê dành cho Sơn, những biểu hiện cụ thể của tình cảm ấy cũng như vai trò của điều này đối với việc nêu bật phẩm chất của nhân vật, góp phần làm rõ chủ đề và chuyển tải thông điệp của văn bản. Yêu cầu mang tính phân hóa cao này chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn đối với học sinh quen viết lan man, dông dài.
Với phần viết bài văn Nghị luận xã hội, nhiều học sinh băn khoăn chuyện thiếu triển khai nội dung “sáp nhập” mà quên mất thực ra vấn đề nghị luận đặt ra bao quát hơn. Đề này đặt ra yêu cầu cho học sinh việc cần tránh việc thu hẹp mối quan tâm, tình cảm, trách nhiệm đối với một vùng đất quê hương, một địa phương cụ thể mà phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xác định tình cảm, trách nhiệm dành cho đất nước, đặc biệt trong tình hình đất nước đang có những bước chuyển mình tích cực gần đây. Do vậy, nội dung quan trọng cần triển khai vẫn chính là nhận thức, thái độ, hành động của người trẻ đối với đất nước – quê hương chung của mỗi người.
Đề thi bám sát thực tiễn, mang tính phân hóa cao
Với đề thi như thế này, chúng ta cần đánh giá rất cao và trân trọng kết quả làm việc của ban ra đề. Trong hiện tình môn ngữ văn nói chung và đề thi môn ngữ văn nói riêng luôn là trọng điểm của dư luận, ban ra đề đã thực hiện một đề thi rất tốt, mang tính phân hóa cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, đánh giá được cả năng lực và phẩm chất học sinh.
Với một đề thi có tính phân hóa cao như đã phân tích, chúng ta hoàn toàn yên tâm nếu sử dụng kết quả này để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Dần dần, các trường ĐH, CĐ nên tăng tỉ lệ xét tuyển bằng phương án sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tránh gây thêm những lo ngại của xã hội cũng như gia tăng áp lực học tập của học sinh lớp 12.
Dĩ nhiên, với một đề thi có tính phân hóa cao như thế, dù học sinh khá lạc quan khi bước ra khỏi phòng thi, chúng tôi vẫn cho rằng phổ điểm sẽ tập trung quanh mức 5.5 – 7.0 điểm.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)