Trong tài liệu dạy học, ngữ liệu thường đảm nhận một, hai hoặc ba nhiệm vụ cùng lúc tùy theo mục tiêu và nội dung dạy học.
Học sinh Trường TH Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) trong tiết học môn tự nhiên – xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Đó là một đối tượng ngôn ngữ đơn thuần để học sinh và giáo viên thao tác trong quá trình học ngôn ngữ, văn chương với việc chú trọng khai thác các yếu tố cơ bản như cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, ngôn từ, biện pháp tu từ… mà ngữ liệu đó có thể đáp ứng. Ngoài ra, đó còn là một đối tượng làm “bàn đạp” cho sự tưởng tượng, sáng tạo, phát triển tư duy phản biện và suy nghĩ độc lập ở học sinh.
Ngữ liệu là một phương tiện cho việc truyền tải thông tin đến người đọc với việc chú trọng khai thác khả năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp, dự đoán thông tin của người đọc. |
Với tầm quan trọng như thế, việc lựa chọn ngữ liệu để sử dụng trong dạy học nói chung và dạy học môn tự nhiên – xã hội bậc tiểu học nói riêng không hề đơn giản. Nó đòi hỏi ở người giáo viên khả năng nắm vững chương trình, mục tiêu bài học, trình độ của học sinh, kỹ năng ngôn ngữ, khả năng văn chương… để xem xét, phân tích các ngữ liệu phù hợp ở cả nội dung lẫn hình thức. Cụ thể, ngữ liệu thông tin được viết với mục đích truyền đạt thông tin về thế giới tự nhiên – xã hội, bao gồm 2 dạng chính tùy theo cấu trúc: Cấu trúc tự sự (tiểu sử, tự truyện, hồi ký), cấu trúc mô tả (mục lục, danh mục, chú giải từ vựng, sơ đồ, bảng biểu và văn bản…). Trong khi đó, ngữ liệu văn chương chủ yếu thực hiện chức năng thẩm mỹ, được viết nhằm mục đích kể chuyện hoặc giải trí. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng chứa đựng những thông điệp về mặt chính trị và niềm tin tôn giáo bằng các thể loại (truyện, thơ, kịch).
Thực tế cho thấy rằng ngữ liệu dạy học trong sách giáo khoa môn tự nhiên – xã hội bậc tiểu học hầu hết chỉ là ngữ liệu thông tin thuần túy mà thiếu hẳn mảng ngữ liệu văn chương. Điều này phần nào gây khó khăn cho việc dạy học tích hợp tự nhiên – xã hội và tiếng Việt. Mặt khác, bài học tự nhiên – xã hội cũng trở nên khô khan, thiếu đi sự mềm mại, nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, ngữ liệu thông tin ở sách giáo khoa môn tự nhiên – xã hội cũng chưa thật sự hiệu quả trong nhiệm vụ dẫn dắt học sinh tiếp cận thông tin để khám phá tri thức. Việc quá ít hình thức ngữ liệu thông tin trong sách giáo khoa môn học này khiến quá trình tự học của học sinh gặp khá nhiều khó khăn, các hoạt động tự học tập, tự làm việc của các em với sách giáo khoa bị giới hạn vì học sinh không có tư liệu để tự học độc lập.
Dựa trên cơ sở đã tìm hiểu, để nâng cao chất lượng dạy học ở trường tiểu học, việc biên soạn, xây dựng ngữ liệu trong dạy học môn tự nhiên – xã hội cần chú ý một số điểm sau: Thứ nhất, phong phú hóa ngữ liệu nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thông tin theo các hình thức khác nhau, góp phần phát triển ở các em các kỹ năng đa dạng. Thứ hai, chú ý sử dụng ngữ liệu văn chương để không chỉ phát triển năng lực cảm thụ văn chương cho học sinh mà còn đáp ứng xu hướng dạy học tích hợp văn và tự nhiên – xã hội. Đây cũng là cách làm mềm hóa thông tin, giúp học sinh tiếp cận kiến thức khoa học nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt, chú ý đến tính vừa sức khi biên soạn ngữ liệu không ngoài mục đích nhằm đảm bảo việc tiếp cận ngữ liệu phù hợp với trình độ nhận thức, tâm sinh lý của học sinh. Điều này sẽ thể hiện ở việc lựa chọn cách trình bày, từ ngữ, dung lượng, độ phức tạp về ý nghĩa của ngữ liệu. Có như vậy việc tiếp cận ngữ liệu, tìm hiểu sách giáo khoa môn tự nhiên – xã hội nói riêng và sách giáo khoa nói chung trở nên hấp dẫn, hứng thú với học sinh, đem các em đến gần hơn với tình yêu sách và sự ham thích khám phá tri thức, kỹ năng của môn học.
ThS. Phạm Phương Anh
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận (0)