Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngữ liệu ngoài SGK khi kiểm tra đánh giá: Không mới nhưng khó vẫn khó…

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường không được sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra định kỳ môn ngữ văn là yêu cầu được Bộ GD-ĐT đặt ra trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 tại Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH.

 

đòn bẩy sáng tạo song bậc THCS sẽ gặp khó

 

Cô Thanh Hiền (Tổ trưởng Tổ ngữ văn, Trường THCS Minh Đức, quận 1) nhìn nhận, khi kiểm tra đánh giá học sinh không lấy ngữ liệu từ các tác phẩm trong SGK sẽ là đòn bẩy để chính giáo viên phải đổi mới, sáng tạo và thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh.

Người thầy sẽ không thể dạy theo lối mòn là tập trung dạy học sinh phân tích, mổ xẻ một tác phẩm văn học và thể hiện quá nhiều dấu ấn của người dạy trong các bài phân tích, cảm nhận của học sinh như trước đây, đôi khi những phân tích cảm nhận đó “đao to búa lớn”, vượt quá ngoài năng lực cảm thụ của học sinh. Và học sinh cũng không thể nào học theo kiểu học tủ, học vẹt, học thuộc, học theo văn mẫu để có thể đạt được những bài văn điểm cao.

Việc đổi mới đánh giá môn ngữ văn lấy ngữ liệu ngoài SGK không quá mới nhưng vẫn sẽ khiến giáo viên gặp khó

Cô Hiền đánh giá, sau 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở các khối 6, 7, 8, giáo viên đã được làm quen với việc lấy ngữ liệu đọc hiểu ngoài SGK để đưa vào đề kiểm tra đánh giá học sinh. Tuy nhiên, khi lấy các ngữ liệu tác phẩm văn học ngoài SGK để học sinh cảm nhận, phân tích thì sẽ là thách thức cho cả thầy và trò.

Giáo viên này phân tích: Để học sinh có thể vững vàng làm quen với phương thức kiểm tra đánh giá mới này thì trước hết người thầy phải trang bị được cho các em hiểu biết về kiến thức ngữ văn, kỹ năng làm bài. Đặc biệt là trong quá trình dạy, phải có “bản lĩnh” làm chủ được môn học để truyền tải, khơi gợi đến cho học sinh chất văn, từ đó các em tự mình mở rộng, tìm hiểu thêm những tác phẩm văn học… Nếu không sẽ dẫn đến sự hời hợt trong những bài làm văn của học sinh theo phương pháp mới.

“Điều này đòi hỏi bản lĩnh của người thầy. Không phải là xoá bỏ những phương thức dạy học truyền thống để thay thế hoàn toàn bằng phương thức dạy học mới nghiêng quá nhiều về kỹ thuật mà phải có sự hài hòa, để học sinh không bị ngộp với quá nhiều hoạt động trong tiết học, môn học. Đặc biệt là khi đưa ngữ liệu mới hoàn toàn vào đề kiểm tra đánh giá thì giáo viên phải có được năng lực thẩm định ngữ liệu phù hợp: phù hợp với chương trình học, với yêu cầu đặt ra, phù hợp với độ tuổi học sinh và khả năng cảm nhận của các em… Điều này không dễ” – cô Hiền nhấn mạnh.

Điểm sáng trong phương thức đổi mới kiểm tra đánh giá này, theo cô Thanh Hiền đó là hạn chế được tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, học theo các lối mòn văn mẫu khi phân tích các tác phẩm văn học và cũng không thể bị động như trước đây. Bởi lẽ, trong SGK lớp 9 chương trình mới đề cập đến tận 40 tác phẩm văn học. So với SGK lớp 9 chương trình cũ thì gần như gấp đôi.

“Như vậy, khi người giáo viên trao quyền cho học sinh được lựa chọn, thể hiện cảm nhận và suy nghĩ riêng thì giáo viên phải tôn trọng chính những cảm nhận đó của học sinh trong bài làm chứ không còn được ép buộc các em phải viết theo mong muốn của mình. Sự thay đổi trong tư duy cũng sẽ khó khăn của nhiều giáo viên khi thực hiện đánh giá học sinh hoàn toàn theo chương trình mới…” – cô Thanh Hiền nhìn nhận.

 

Cái khó của giáo viên không chỉ là ngữ liệu ngoài SGK…

 

Từ thực tế sau 2 năm đổi mới kiểm tra đánh giá môn ngữ văn bậc THPT theo Chương trình GDPT 2018, thầy Phan Thế Hoài (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho rằng, cái khó nhất của giáo viên khi đổi mới môn học không phải chỉ là ra đề kiểm tra không lấy ngữ liệu từ SGK mà còn đến từ việc nhiều thầy cô còn tư tưởng quá lệ thuộc vào SGK; rập khuôn máy móc theo bài giảng của chuyên gia; thiếu bản lĩnh nghề nghiệp ngại thay đổi. Cạnh đó còn là tư tưởng ngại đổi mới từ cán bộ quản lý, giáo viên chưa được trao toàn quyền trong đổi mới chuyên môn, nghiệp vụ…

Thầy Hoài dẫn chứng: 2 năm qua cho thấy khi thực hiện các đề kiểm tra ngữ văn theo chương trình mới còn xuất hiện không ít đề kiểm tra gây tranh cãi khi ngữ liệu không phù hợp, vượt quá năng lực học sinh, không đáp ứng yêu cầu…; Còn các tiết dạy quá ôm đồm khi giáo viên quá lạm dụng các kỹ thuật dạy học mới…

Để khắc phục những hạn chế này và giảm áp lực cho giáo viên trong năm học tới, thầy Phan Thế Hoài cho rằng, cán bộ quản lý không nên can thiệp quá sâu vào chuyên môn của giáo viên mà hãy để thầy cô được chủ động, và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo.

Khi học sinh được trao quyền nhiều hơn thì giáo viên phải thay đổi tư duy để “chấp nhận” sự sáng tạo của học sinh trong kiểm tra đánh giá

Sở GD-ĐT cần tổ chức các cuộc thi, ví dụ: thiết kế giáo án dạy học, bài giảng elearning, ra đề kiểm tra… sau đó đăng tải lên trang web/tạp chí của ngành giáo dục TP.HCM để giáo viên nâng cao năng lực; Số hóa hồ sơ sổ sách, giảm bớt các cuộc thi chưa thực sự cần thiết để giáo viên đầu tư nghiên cứu bài học.

Đặc biệt, không đánh giá giáo viên qua điểm số học sinh qua bài kiểm tra, bài thi.

“Hơn hết, tôi cho rằng từ phía mỗi giáo viên phải chủ động về mọi mặt: nắm vững Chương trình GDPT 2018. Điều này được cụ thể hóa qua các bộ SGK. Giáo viên cần đọc cả 3 bộ SGK để học tập kinh nghiệm và chắt lọc những điều hay; Giáo viên cần đọc sách, báo, nhất là sách bổ trợ báo/tạp chí chuyên ngành để có thêm ngữ liệu hay, phục vụ cho việc dạy học, ra đề kiểm tra; Học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp giỏi nghề để nâng cao năng lực chuyên môn…” – thầy Phan Thế Hoài bày tỏ.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)