Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngủ ngon giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ khi về già

Tạp Chí Giáo Dục

Giấc ngủ ngon có thể đẩy lùi chứng mất trí nhớ khi về già. Ngủ ít hay thường xuyên thức giấc khi ngủ có thể gây hại cho một số vùng não, từ đó làm tăng nguy cơ bị chứng mất trí nhớ lúc già.

Ngủ ngon giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ khi về già - ảnh 1

Giấc ngủ ngon giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer – Ảnh: Shutterstock

Nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên ngủ ít hơn 4 tiếng/đêm hoặc thức đêm làm xuất hiện các mảng bám trên não. Các mảng bám này gây tổn thương tế bào thần kinh dẫn đến bệnh Alzheimer, một dạng mất trí nhớ, sa sút trí tuệ, theo Daily Mail.
Nghiên cứu được công bố trong tạp chí khoa học Neurobiology of Aging. Trước đây, các nhà khoa học cũng đã phát hiện tình trạng trằn trọc, thường xuyên giật mình thức giấc nửa đêm có thể gây bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu mới khẳng định giấc ngủ ngon có thể ngăn chặn hình thành và phát triển các mảng bám trên não. Giấc ngủ ngon cũng đóng vai trò quan trọng giúp duy trì số lượng chất xám ở những vùng não dễ bị tổn thương do quá trình lão hóa.
Các mảng bám trên não thật ra là protein amyloid-beta. Một người ít ngủ làm tăng nguy cơ tích tụ amyloid-beta ở não. Nghiên cứu khẳng định thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành các mảng bám.
Giấc ngủ ngon rất quan trọng với sức khỏe não bộ khi lớn tuổi, Daily Mail dẫn lời nhà khoa học Pierre Berange tại Đại học Caen Normandy (Pháp), tác giả chính của nghiên cứu.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học phân tích dữ liệu của 50 tình nguyên viên trên 40 tuổi. Kết quả quét não bằng phương pháp đo cộng hưởng từ (MRI) cho thấy ngủ ít làm tăng tích tụ mảng bám trên não, thường xuyên thức giấc nửa đêm làm giảm số lượng chất xám.

Ngọc Quý (TNO)

 

Bình luận (0)