Nếu "ăn được, ngủ được là tiên" thì phần lớn người già không mong gì hơn là được gần thành tiên, vì người nào trong số họ hầu như cũng đều gặp khó khăn với giấc ngủ.
Sở dĩ vấn đề trầm trọng như thế là vì nhiều điều nghịch lý từ góc nhìn thiếu linh động của cả nạn nhân lẫn thân nhân. Chẳng hạn như:
– Người già không cần ngủ đủ 8 giờ trong đêm, phần vì cơ thể không còn nhu cầu đến thế, phần vì người già đã lim dim nhiều lần trong ngày. Người lớn tuổi nên có giấc ngủ trưa không lâu hơn 1 giờ nhưng suốt ngày không nên có thói quen nằm nghỉ quá thường xuyên. Thay vào đó nên là hình thức vận động nhẹ nhàng, đánh cờ, đọc sách hay thể dục dưỡng sinh kiểu nào cũng được, miễn vui là chính, miễn phải động não.
– Người già rất cần giấc ngủ yên bình trong mấy giờ đầu. Cần làm sao để họ đừng bị quấy rầy khi dỗ giấc ngủ. Nếu thương ông bà thì nên bớt máy hát hay đừng gõ máy vi tính lách cách khi ông bà vừa mới ngả lưng.
– Hình thức “ngủ sớm – dậy sớm”, cho dù có thức dậy quá sớm vẫn tương đối tốt hơn cho người già nếu so sánh với thói quen “ngủ trễ dậy sớm”. Quan trọng nhất là làm sao đừng bị thức giấc sau khi mới chợp mắt chưa được 1, 2 giờ.
Nhờ nhiều tiến bộ trong thập niên gần đây về mô hình nghiên cứu, người ta đã chứng minh giấc ngủ là khoảng thời gian tối quan trọng vì cơ thể qua đó tổng hợp kháng thể, cụ thể là kháng thể chống siêu vi viêm gan, siêu vi gây bệnh Herpes, cảm cúm, với tiến độ nhanh và nhiều gấp 3 lần so với hoạt động của hệ miễn nhiễm trong ngày.
Giấc ngủ còn trung hòa độc chất ôxy hóa, chất sinh lão hóa, thoái hóa, ung thư… với hiệu quả tối ưu trong giờ đầu của giấc ngủ; giải độc nhờ chức năng của lá gan, trái thận được ổn định nếu gia chủ ngủ sâu một lèo 3 giờ liền; điều chỉnh lượng đường, chất mỡ trong máu, thậm chí hơn xa tác dụng của thuốc, nếu gia chủ dù ngủ ít giờ nhưng thức dậy với cảm giác khoan khoái.
Trên cơ sở vừa phân tích, người già không cần ngủ nhiều, vì dù muốn cũng khó nhưng cần ngủ cho ngon, tối thiểu trong 3 giờ liên tục, được 4 giờ càng hay, càng sâu càng tốt, càng nhiều giấc mơ đẹp càng khéo, vì đó là điều kiện cơ bản để trì hoãn tiến trình lão hóa.
Biết vậy nhưng mất ngủ vẫn trước sau là vấn đề trăn trở của nhiều người già vì còn thêm một điều nghịch lý là tối thiểu 70% người già tuy mất ngủ nhưng cứ ngồi yên chịu vậy, thay vì tìm đến thầy thuốc. Đáng tiếc vì giải pháp tuy đúng là không đơn giản nhưng cũng không đến độ bất khả thi.
Không thể trách tại sao cửa vẫn đóng nếu chưa gõ cửa.
Theo NLĐ
Bình luận (0)