Để phòng bệnh loãng xương, chị em được khuyến cáo uống sữa, ăn thực phẩm giàu canxi. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng việc này nếu quá mức có thể gây tác dụng ngược – lắng cặn thành sỏi đường tiết niệu.
Cùng nỗi niềm như chị Lan, chị Hải (50 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, tưởng rằng dùng sữa để phòng ngừa bệnh loãng xương, nào ngờ sau 3 tháng sử dụng, đi khám sức khỏe, bác sĩ kết luận chị đã mắc bệnh sỏi thận.
Về nhà kể cho bạn bè nghe, có người nói là do chị uống quá nhiều các loại sữa được quảng cáo là giàu canxi. Lượng canxi trong sữa tích lại làm thành bệnh sỏi thận. Chị sợ hãi từ bỏ hẳn chuyện uống sữa phòng ngừa loãng xương và tập trung vào chữa bệnh sỏi thận trong nỗi dằn vặt: “Giá như không mua sữa uống thì đâu đến nỗi tiền mất tật mang thế này”.
Thực tế, ở những người có tuổi và cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ, loãng xương là căn bệnh thường gặp. Đây là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng trong một đơn vị thể tích. Đây cũng là hậu quả của sự suy giảm các khung protein và lượng canxi gắn với các khung này. Để ngăn chặn tình trạng loãng xương, việc tăng cường uống sữa giàu canxi là rất cần thiết.
Theo đại tá, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc uống quá nhiều loại sữa giàu canxi (để phòng loãng xương) dẫn đến bệnh sỏi tiết niệu là hoàn toàn có cơ sở. Để phòng chống loãng xương, một trong những yêu cầu được đặt ra là phải bổ sung canxi cho cơ thể. Trong đó có việc sử dụng các loại sữa giàu canxi. Tuy nhiên, lượng canxi đưa vào cơ thể phải vừa đủ, không nên lạm dụng. Vì có thể là nguyên nhân gây nên bệnh sỏi đường tiết niệu.
Bác sĩ Toàn giải thích thêm, việc tạo thành sỏi thường là bắt nguồn từ các muối khoáng hòa tan trong nước tiểu. Khi có những rối loạn về mặt sinh lý bệnh học, kết hợp với các yếu tố như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu hoặc có yếu tố di truyền thì các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh thành một nhân nhỏ rồi lớn dần thành sỏi to.
Kết quả thống kê cho thấy, đa số sỏi tiết niệu là sỏi có canxi (chiếm tới 90%). Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên nhân chính là nước tiểu quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thụ chất này trong thức ăn ở ruột hoặc tăng tái hấp thụ canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy lượng chất này tăng rất cao.
Chung nhận định trên, bác sĩ Bùi Văn Lập (khoa thận – tiết niệu, Bệnh viện E) cũng cho biết: "Việc uống sữa gây nên bệnh sỏi thận thì tôi không dám chắc chắn, vì còn tùy vào từng loại sữa, tùy vào từng người. Nhưng đúng là rối loạn chuyển hóa canxi sẽ khiến tích tụ thành sỏi thận”.
Các chuyên gia nhận định, việc dùng sữa giàu canxi để phòng chống loãng xương là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần lắng nghe cơ thể mình, định kỳ kiểm tra lượng canxi trong máu và trong nước tiểu để biết rằng lượng canxi trong cơ thể mình có quá mức bão hòa hay không. Đồng thời, cần định kỳ xét nghiệm nước tiểu và siêu âm đường tiết niệu để biết tình trạng cặn lắng sạn sỏi và có sỏi trong đường tiết niệu hay không. Trên cơ sở đó, chúng ta điều chỉnh lượng canxi sao cho phù hợp. “Tốt nhất là nên có sự tư vấn của các thầy thuốc, các nhà dinh dưỡng học”, bác sĩ Toàn khuyên.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, không chỉ có sữa chứa nhiều canxi mà ngay cả những thức ăn giàu canxi cũng cần hết sức lưu ý. Ví như cua đồng, rạm, ốc bươu, ốc đá, ốc nhồi, ốc vặn, vừng, tép gạo, tép khô, tôm khô, cua bể, hến, rau muống, rau ngót, rau dền, rau bí, táo mèo… Những thực phẩm này rất cần thiết cho người bị loãng xương, nhưng việc sử dụng cần có mức độ nhất định, tuyệt đối không nên lạm dụng vì “thái quá thì dễ bất cập”, trong đó việc mắc bệnh sỏi tiết niệu và hệ lụy của nó hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Nguyễn Hòa
VnExpress
VnExpress
Bình luận (0)