Trong tâm linh, ngựa như một linh vật hiện thân của điềm lành và may mắn, nên được sự quý trọng và sùng bái của nhiều dân tộc trên thế giới. Người ta tin, nếu chỉ cần cúng cho thần thánh một con ngựa (bằng gỗ cũng được) sẽ giúp ra quân tất thắng, ra khơi cá đầy, mùa vàng bội thu, cải thiện hạn hán thiên tai…
Về tinh thần, ngựa được xem là biểu tượng của ý chí, sức mạnh và lòng quả cảm, là điển hình của trí tuệ, sức trẻ và tính tiên phong, là hình tượng của sự kiêu hãnh, hùng hậu. Ngựa còn là đại diện cho những hình ảnh đầy tính nhân văn trong danh ngôn, thơ ca, hội họa… như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Mã đáo thành công”; “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”; “Ngựa ô anh khớp kiệu vàng. Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh”… Thực dụng hơn, trong đời sống vật chất, ngựa trở thành “nhân vật” quan trọng cho công việc đồng áng, chuyên chở… Sức ngựa đã thay thế cho nhiều phương tiện kỹ thuật trong công, nông nghiệp. Đến bây giờ, dù công nghệ khoa học phát triển hiện đại, nhưng nó vẫn còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong thuật ngữ khoa học gọi là “mã lực”. Ngựa xuất hiện trong văn hóa đời sống với đa dạng hình ảnh khác nhau. Ngựa thông minh mà lịch lãm, uy dũng nhưng hiền lành, kiên định và trung thành, sung mãn nhưng lại vô cùng tao nhã. Vậy nhưng, câu chuyện về ngựa tôi muốn chấp bút ngày Tết Giáp Ngọ năm 2014 lại từ góc nhìn của luật pháp qua câu thành ngữ “Ngựa quen đường cũ” .
Dân gian kể, thời nhà Chu bên Trung Quốc, lúc Tề Hoàn Công xuất quân đi đánh giặc là vào mùa xuân, đến khi trở về đã là mùa đông, băng tuyết phủ trắng xóa nên quân lính không định hướng được lối về. Quản Trọng, một vị tướng phò vua đánh giặc, nguyên là tay nuôi ngựa nổi tiếng của nước Tề đã hiến kế cho vua về khả năng ghi nhớ rất tốt bằng khứu giác của loài ngựa. Ông khuyên vua cho ngựa đi trước dò tìm đường cũ. Quả nhiên, sau khi vượt qua nhiều khe sâu, rừng thẳm con ngựa đã đưa đoàn quân tìm được đường về, sau đó quan quân truyền miệng nhau câu chuyện “ngựa quen đường cũ” để ghi nhớ công trạng vẻ vang của loài ngựa. Thực tế khoa học cũng đã chứng minh, ngựa là động vật thông minh, có khả năng ghi nhận và phán đoán trí nhớ tốt. Mũi ngựa có thể nhận biết, phân biệt và đánh hơi cách xa hàng trăm mét. Vì thế, người ta mượn câu chuyện “ngựa quen đường cũ” nhằm đề cao khả năng thông thạo sự việc của những người có trí nhớ tốt và khả năng xử lý thông tin cũ đã ghi nhớ, cũng như những cái cũ đã trải qua thành những kinh nghiệm mới cho cuộc sống. Thế nhưng, cái sự đời tam sao thất bổn của thiên hạ “bỗng dưng dựng chuyện”, cho rằng cái cũ không chịu dứt, cái xấu không chịu bỏ, khiến loài ngựa nhà ta vô cùng bức xúc bởi lý lẽ “qui chụp” của người đời, gán cho “công trạng” một thời của nó thành cái mác “tái phạm” đầy chất hình sự. Vậy “tái phạm” theo quy định của pháp luật có nên hiểu là “ngựa quen đường cũ”?
Trong không khí những ngày cuối năm, tôi hào hứng cảm xúc “tống cựu nghinh tân” tiễn rắn đi, đón ngựa về, nên đem vấn đề này trao đổi với các đồng nghiệp. Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) đã vui vẻ góp lời theo tiêu chí “phục vụ công lý”. Ông nói: “Vấn đề này khá thú vị trong đời sống pháp lý, nhưng tôi đặc biệt quan tâm về thực trạng tái phạm trong lĩnh vực hình sự của các phạm nhân “nhí” nhiều hơn”. Thoáng đăm chiêu, trăn trở ông chia sẻ: “Từ thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư, tôi có dịp tiếp xúc nhiều bị cáo chưa thành niên, mồ côi, không nơi nương tựa. Các cháu phạm tội do hoàn cảnh “đói ăn vụng, túng làm liều” nên khi cái đói, cái túng chưa giải quyết được họ lại tiếp tục phạm tội. Nhiều em đã ngây thơ bộc bạch: Ở tù như một giấc ngủ trưa, được Nhà nước nuôi cơm. Chứ ở ngoài đời, không có cơm ăn, áo mặc lại đi cướp giật, bị bắt, đánh đập rồi cũng lại vô tù. Vậy nên, đừng trách các em tại sao “ngựa quen đường cũ””. Riêng luật sư Huỳnh Kim Ngân (Văn phòng luật sư Chân Thiện Mỹ) tỏ vẻ hào hứng hơn với câu chuyện của thân chủ, “chia sẻ” với luật sư về chồng của mình: “Tôi muốn ly dị! Ông ấy chứng nào tật nấy, cứ ra khỏi nhà là chạy theo mấy con “ngựa cái” ở nhà hàng, tôi bắt gặp mấy lần rồi vẫn không chừa. Đúng là “ngựa quen đường cũ”!”.
Từ sự “chuyển thể” câu chuyện “ngựa quen đường cũ” với các chuyên gia pháp lý, trong khía cạnh nào đó, tôi thấu hiểu tại sao câu thành ngữ này bị đổi nghĩa hoàn toàn qua cái ví von của người đời. Pháp luật cũng đã định nghĩa hành vi tái phạm bằng những khung hình phạt rất rõ ràng. Không biết nguồn gốc xuất xứ câu thành ngữ “Ngựa quen đường cũ” của ta có liên quan đến chuyện bên Tây, bên Tàu nào không? Cũng không bình luận nghĩa bóng, nghĩa đen. Nhưng tôi vẫn cứ bức bối, bởi ý nghĩa truyền miệng trong dân gian về câu chuyện con ngựa của đời xưa giúp chủ tìm được đường về, theo đời nay, tự nhiên hiểu ngược làm chệch hướng công thành tội bởi một vấn đề khác không liên quan(?!) Tại sao người ta có thể đặt một vấn đề tích cực trong một ngữ cảnh tiêu cực? Đặt một ý nghĩa tốt vào một hành vi xấu rồi mặc định nó thành cái xấu? Nói vui, hãy thử làm một cuộc “khảo sát” có bao nhiêu người nghĩ rằng câu thành ngữ “Ngựa quen đường cũ” nhằm đề cao cái tốt?
Bâng quơ với ý tưởng trên chỉ là một chút ngẫu hứng năm Ngọ nhân trà dư tửu hậu ngày Tết, không nhằm lạm bàn dưới góc độ văn chương nên người viết cũng rất mong có dịp được sáng tỏ những luận điểm khoa học từ các bậc chuyên gia. Trước hết là để “giải oan” cho loài ngựa trong suốt một năm chúng ta sẽ đồng hành cùng giống vật tình nghĩa này – năm Giáp Ngọ.
LS. Trần Thị Phụng
Bình luận (0)