Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngừa ung thư cổ tử cung

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ nữ vẫn còn tù mù về thủ phạm gây ung thư cổ tử cung. Đó là một loại virus có thể phòng tránh bằng lối sống lành mạnh.
Siêu âm định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung -Ảnh: N.C.T.
Chị Kh., 25 tuổi, ở Bình Chánh, gửi thư cho bác sĩ: “Sau khi lập gia đình sáu tháng, ở vùng kín của tôi mọc lên một miếng thịt. Đi khám, bác sĩ này bảo bị sùi mào gà, bác sĩ kia nói bị u nhú, khám bác sĩ thứ ba ghi căn bệnh HPV. Tôi bối rối không biết bị bệnh gì, hỏi chồng xem anh ấy có mắc bệnh giống vậy không thì ảnh lắc đầu nguầy nguậy. Hay là tôi bị ung thư?”.
Cả ba bác sĩ đều chẩn đoán chung một bệnh. Hai bác sĩ đầu khám cho bạn chẩn đoán theo tổn thương (sùi mào gà vì đó là mảnh thịt mỏng và dài như cái mào gà trống tập gáy, u nhú bởi chưa đủ dài bằng mào con gà trống), còn bác sĩ thứ ba chỉ đích danh thủ phạm gây bệnh là HPV. Vậy HPV là gì? Là viết tắt của human papilloma virus. Lâu nay chúng ta cứ nghe ung thư là bệnh hiểm nghèo vì thủ phạm ẩn nấp đâu đó mà các nhà khoa học chưa tìm ra. Bây giờ tia sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm. Theo nhận định của các bác sĩ chữa trị ung thư ở VN, ung thư cổ tử cung ở ta 70-80% có nhiễm HPV.
Chuyện bé đẻ ra… con voi
Ở nước ta trong mười năm có khoảng 6.000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung, gấp hai lần số chị em chết vì nhiễm HIV-AIDS.
Bây giờ lớp trẻ quan hệ tình dục sớm, cứ ngỏ lời yêu là lăm le tiến đến cái đích khám phá cho bằng sạch. Thời còn làm tư vấn tôi đã gặp ba chàng 15 tuổi chung tiền để “ngủ chung” một cô, sau đó một chàng gọi điện thoại hỏi: “Chỗ kín của con mọc lên một cục thịt dư, không ngứa nhưng nó cứ to dần ra”.
Khi tôi bảo đó là u nhú hay sùi mào gà thì chàng trai lại thắc mắc: “Tại sao ngủ chung mà hai đứa kia không bị?”. Hai chàng kia không bị cái mào con gà trình diện thì trong cơ thể họ đám siêu vi vẫn nằm vùng chứ đâu phải chúng chê, không chạy vô miền đất mới này. Khi các chàng lớn lên, đủ tuổi cưới vợ thì virus được chuyển giao cho người con gái mà anh yêu. Tôi kể chuyện này cũng là lời giải cho thắc mắc của bạn Kh. và rất nhiều chị đã từng bị “oan Thị Kính” đang muốn đi tìm lời giải.
Nhiễm HPV thường âm thầm, lâu dài, virus tác động vào tế bào gây loạn sản (sinh sản vô tội vạ theo cấp số nhân) từ nhẹ đến nặng rồi xâm lấn sâu hơn. Lúc này người còn tuổi hoạt động tình dục thấy ra khí hư có mùi hôi, người đã mãn kinh tự nhiên ra huyết, đi khám thì đã muộn.
Ai dễ nhiễm HPV?
Đó là những phụ nữ có nhiều bạn tình chịu rủi ro cao bởi sự chuyển giao siêu vi không ồn ào như nhiễm vi khuẩn lậu mà nhẹ nhàng, âm thầm. Đó là những bạn trẻ đam mê tình dục sớm. Đó là các anh sau chầu nhậu thường đi tiếp “tăng hai” mà không có OK bảo vệ. Đôi khi sự chuyển giao virus còn do mặc chung quần áo chưa giặt phơi cẩn thận. Phụ nữ sức đề kháng yếu hơn nam giới nên đám virus dễ bề trình diện bằng một cục, miếng ở vùng kín. Mỗi ngày lại thấy nó lớn thêm một chút chị nào chả bấn loạn.
Chị nào mang bầu lại “cấm vận”, để ông xã ra ngoài ăn bánh trả tiền, lâu lâu mới “giao ban” một lần cũng thuộc nhóm nguy cơ cao. Những chị bị stress, hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu thì khi virus chạy vô người chúng sẽ hoành hành sớm hơn. Những người thường xuyên bị nhiễm siêu vi ở vùng mũi họng, bộ tiêu hóa, cơ thể suy yếu thì đội quân miễn dịch không đủ sức đánh nhau với đám HPV nên dễ bị chúng tấn công.
Nói vậy không có nghĩa là các anh “ăn vụng chùi mép” được. Chừng 1/3 số anh có nhiều bạn tình cũng xuất hiện cái “mào gà” nơi “khẩu súng”. Theo ý kiến của một số nhà khoa học Mỹ, 60% nam giới trong độ tuổi 18-60 là “kho chứa” HPV.
Từ lúc “gặp” HPV thì bao lâu sau có u nhú? Câu trả lời là còn tùy khả năng đề kháng của mỗi người. Có người mất ba tuần, có người một năm sau chúng mới trình diện bằng một cục thịt nhú lên ở vùng kín. Có người chúng cứ nằm trong người nhưng không nhú ra cho ông chủ, bà chủ biết nên người ta cứ hồn nhiên mà quan hệ.
Làm sao tránh?
Đơn giản nhất, nếu có bạn tình thì cứ dùng bao cao su cho chắc ăn. Để tránh những cái chết lãng nhách phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ, phết mỏng cổ tử cung (pap smear) mỗi năm một lần. Khi cấu trúc tế bào ở cổ tử cung đã bắt đầu đảo lộn thì phải cắt bỏ để bảo toàn mạng sống. Để virus làm biến đổi tế bào, xâm lấn rồi xòe ra như… cái bông cải kèm theo đau bụng dưới, đau lưng, ra huyết thì đã quá muộn màng.
Hiện nay ở ta đã có văcxin ngừa HPV. Ở Mỹ họ khuyến cáo nên chích ngừa cho bé gái từ 9 tuổi và phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục để tránh hiểm họa sau này. Tuy nhiên, chích ngừa rồi vẫn phải khám phụ khoa định kỳ chứ không có nghĩa bạn được miễn nhiễm hoàn toàn. Trong gia đình có người bị ung thư càng nên chú ý. Quan hệ tình dục an toàn là cách bảo vệ bản thân tốt nhất, mong các bạn lưu ý điều này.
TS.BS LÊ THÚY TƯƠI (TTO)

Bình luận (0)