Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngưng tách thửa đến bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của UBND TPHCM (quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa) tạm ngưng áp dụng trên thực tế, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tách thửa để làm nhà và ách tắc trong các thủ tục liên quan đến giấy tờ nhà đất. 

Nóng lòng chờ quyết định mới

Quyết định 33 đã thổi làn gió mạnh vào thị trường bất động sản khu vực các quận ven và huyện ngoại thành TPHCM, Tuy nhiên, nhiều đầu nậu đất đai đã lợi dụng chủ trương tách thửa để phân lô, bán nền kinh doanh bất động sản. Có những trường hợp đầu nậu cấu kết với một số cán bộ lách luật, chia nhỏ lô đất, dẫn đến tình trạng ra đời các khu dân cư thiếu hạ tầng, không nối kết giao thông. Trước tình trạng đó, việc xây dựng quyết định mới để thay thế, chặn lỗ hổng của Quyết định 33 là cần thiết. Dự kiến trong tháng 10-2016, UBND TPHCM ban hành văn bản thay thế Quyết định 33, nhưng mãi đến nay vẫn chưa có.

Những căn nhà dị dạng, kín mít ở quận 9 được chủ đất xây dựng để lách luật nhằm tách nhỏ thửa đất theo Quyết định 33

Từ khi các quận – huyện ngưng nhận hồ sơ tách thửa để chờ chủ trương mới, các gia đình không thể tách thửa để làm nhà cho con cái, những người đã mua nền đất nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về giấy tờ cũng bị ách tắc. Anh Nguyễn  Thành Chung (ở phường Phú Hữu, quận 9) than: “Gia đình tôi đã nộp đủ tiền mua đất, nền cũng đã nhận, nhưng gần cả năm nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận”. Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh địa ốc H-T Real, cho biết: “Chủ trương tạm ngưng tách thửa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người có đất, mà tác động lớn đến thị trường bất động sản. Đất nền ở các quận – huyện vùng ven khan hiếm, cầu vượt quá cung làm cho giá đất tăng chóng mặt. Đất nền ở khu vực đường Cây Keo, Tam Bình (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) giá đã tăng từ 16 triệu lên 26 triệu đồng/m²”.

Để lập lại trật tự trong lĩnh vực tách thửa, phân lô bán nền, nhiều quận – huyện đang rà soát, siết chặt các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Tại huyện Hóc Môn, điểm nóng về phân lô bán nền, không chỉ hạn chế trong việc tách thửa mà việc chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cũng không dễ dàng.

Vẫn phải chờ

Việc tạm dừng nhận hồ sơ tách thửa trong khi chờ có quyết định mới thay thế Quyết định 33 đã kéo dài. Quyền của người dân về sử dụng đất bị hạn chế khi không được làm thủ tục tách thửa, dẫn đến việc sang nhượng mua bán đất đai hay làm nhà gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc sớm ban hành quy định mới về diện tích tách thửa tối thiểu là yêu cầu cấp bách. Trả lời phóng viên Báo SGGP về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết: “Chủ trương nhất quán của chính quyền là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền sử dụng đất, nhưng phải đảm bảo quy hoạch. Việc xây dựng quyết định mới để thay thế Quyết định 33 nhằm cụ thể hóa tinh thần phục vụ người dân theo chỉ đạo của UBND TP. Theo đó, nội dung của  dự thảo quyết định mới sẽ thông thoáng, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân khi làm thủ tục tách thửa, nhưng ngăn chặn được tình trạng hình thành các khu dân cư thiếu hạ tầng, không nối kết. Để giải được bài toán này, quyết định mới sẽ phân định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ có trách nhiệm khi ký giải quyết tách thửa. Tuy nhiên, việc xây dựng văn bản mới chưa xong vì phải lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị, cơ quan có liên quan, trước khi trình UBND TP”.

Những căn nhà tạm chủ đầu tư xây lên nhằm lách luật ở phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM

Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng), tình trạng luật chờ nghị định, còn nghị định lại chờ thông tư không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà đã cản trở, làm chậm sự phát triển xã hội. Việc ban hành quyết định mới để thay quyết định cũ đã được cụ thể hóa trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nguyên tắc cơ bản của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải giữ được sự thông suốt trong giải quyết các thủ tục hành chính và tránh xáo trộn xã hội. Vì thế, việc Quyết định 33 quy định về tách thửa đã tạm ngưng quá lâu mà không có văn bản  mới thay thế là điều không đáng có và trái với quy định chung.

TRẦN YÊN (SGGP)

 

Bình luận (0)