Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngưng tuyển trung cấp y: Các trường thấp thỏm trước nguy cơ… đóng cửa

Tạp Chí Giáo Dục

16 trường TCCN tại TP.HCM vừa có bản kiến nghị gửi đến Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đề nghị “sửa lại và tạm ngừng thực hiện” thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc ngưng đào tạo trung cấp (TC) nhóm ngành y tế. Họ cho rằng, thông tư ban hành bất ngờ khiến các trường đứng trước nguy cơ đóng cửa, HS và phụ huynh hoang mang, lo lắng…

Việc ngừng tuyển hệ TC điều dưỡng, hộ sinh… gây hoang mang cho các trường cũng như người học

Khó tuyển HS dù thông tư chưa có hiệu lực

Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y quy định. Theo đó, từ năm 2018 các trường sẽ ngừng tuyển và đào tạo hệ TC điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y, từ năm 2021 các cơ sở y tế sẽ ngưng tuyển dụng hệ này và từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ TC trong toàn bộ ngành y tế.

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện thành phố có 25 cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đào tạo đang đào tạo nhóm ngành sức khỏe, trong đó có 16 trường TCCN. Hầu hết, các trường TC tuyển sinh liên tục trong năm, trong đó thời điểm này là cao điểm của mùa tuyển sinh. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho biết so với cùng kỳ năm ngoái thì năm nay có ít HS đăng ký hơn vì lo lắng khi học xong lại không được tuyển dụng.

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM cho biết: “Số lượng hồ sơ HS nộp vào trường năm nay khối ngành sức khỏe so với cùng kỳ năm ngoái chưa được 30%. Chưa hết, hiệu suất đào tạo khối ngành này của trường hàng năm từ 85 đến 90% nhưng năm học 2015-2016 còn 65%”.

Trường TC Bách khoa Sài Gòn cũng đang ráo riết tuyển sinh nhưng ông Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng nhà trường dự đoán: “Thông tư này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường đang đào tạo nhóm ngành sức khỏe. Nhà trường mới bắt đầu phát hồ sơ nhưng cũng dự đoán trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể khi HS nhập học cũng có thể chuyển sang ngành khác hoặc nghỉ học do ảnh hưởng từ thông tư”.

Nguy cơ lỗ hàng tỷ đồng

Không tuyển được HS, nguy cơ đóng cửa nhóm ngành này trước khi thông tư có hiệu lực là điều mà hiệu trưởng những trường này cho rằng sẽ xảy ra một sớm một chiều. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn đầu tư, giáo viên và cả HS.

Được biết, hầu hết các trường TCCN tại TP.HCM mở nhóm ngành sức khỏe được 2-3 năm, chỉ có vài trường mở được 5-7 năm.

Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường TC Bến Thành cho rằng: “Nhà trường đã đầu tư hàng tỷ đồng để đáp ứng việc đào tạo. Theo lộ trình, phải 10 năm mới khấu hao chi phí đầu tư nhưng chúng tôi mới mở được 4 năm thì có “lệnh cấm”, như vậy sẽ tổn thất rất lớn”.

Cùng tâm trạng, ông Châu Văn Dưỡng nói: “Để đào tạo nhóm ngành sức khỏe, nhà trường phải chi ra hàng tỷ đồng để mua mô hình, trang thiết bị dụng cụ, đó là chưa kể đầu tư cơ sở vật chất. Mỗi ngành đào tạo cần tối thiểu 4 phòng thực hành, riêng trường có tổng cộng 22 phòng thực hành”.

Ông Đặng Văn Sáng cũng lo lắng: “Trường có 12 phòng thực hành cho nhóm ngành sức khỏe mà phải đóng cửa sớm thì quả là tổn thất lớn. Các nhà đầu tư tham gia đào tạo nhóm ngành sức khỏe bậc TC vất vả đầu tư nhiều tiền bạc, công sức nhưng lại đứng trước nguy cơ phá sản, hàng ngàn giáo viên có nguy cơ thất nghiệp…”.

Cần lộ trình cứu nguy cho trường TC

Ông Đặng Văn Sáng thẳng thắn: “Một thông tư ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường mà nhà trường không hề biết. Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ được ký vào tháng 10-2015 nhưng phải đến đầu tháng 5-2016, khi Bộ Y tế triển khai đến các cơ sở y tế chúng tôi mới biết. Tôi cho rằng, các bộ nên dũng cảm thay đổi, kéo dài thời gian hiệu lực để người dạy và người học không bị nao núng”.

Từ những bất cập này, 16 trường TCCN có đào tạo nhóm ngành sức khỏe của TP.HCM đã kiến nghị lên cấp trên. Trong bản kiến nghị, các trường khẳng định việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực ngành y tế bắt đầu từ năm 2021 là một tín hiệu tốt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và hội nhập với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực…

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)