Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngưng tuyển trung cấp y: Khốn khó cho vùng sâu vùng xa

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… hệ trung cấp (TC). Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân thì chủ trương này là đúng đắn nhưng chưa chắc đã phù hợp với tất cả các địa phương, nhất là khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa…

Điều dưỡng trung cấp chăm sóc bệnh nhân tại BVĐK Cần Thơ

TC nhưng… năng lực không thấp

Tốt nghiệp TC điều dưỡng năm 2004 tại Trường CĐ Y tế Cần Thơ, anh Phan Thanh Nghị – là một trong những bàn tay vàng về điều dưỡng của ngành y tế Cần Thơ. Làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Cần Thơ, anh Nghị đã góp phần không nhỏ vào những thành quả của BV trong việc cứu sống bệnh nhân, hạ đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Anh Nghị chia sẻ: “Khoa Cấp cứu hầu như lúc nào cũng đông bệnh nhân, ban đêm thì thức trắng. Các bác sĩ và kíp trực luôn phải chịu áp lực quá tải trong thăm khám, xử lý. Do vậy, điều dưỡng phải làm việc nhanh, cơ động; phải nhận định, đánh giá chính xác tình trạng bệnh nhân để xử lý cấp cứu kịp thời”…

Ngoài chuyên môn giỏi anh Thanh Nghị còn say mê và thực hiện 5 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó đề tài cấp TP: “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian nhập viện của bệnh nhân viêm ruột thừa, tại Khoa Cấp cứu”, đạt loại khá. Đề tài rất ý nghĩa vì đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát hiện sớm dấu hiệu của viêm ruột thừa cấp để xử trí kịp thời, tránh nguy cơ bị vỡ, mủ gây viêm phúc mạc, có thể dẫn đến tử vong.

Không chỉ anh Nghị mà BVĐK Cần Thơ có tới vài trăm người có trình độ TC. Cụ thể, trong số 331 điều dưỡng có 184 người trình độ TC; 48 kỹ thuật viên thì có 41 TC…

Đánh giá về đội ngũ này, bác sĩ Lê Quang Võ – Giám đốc BVĐK Cần Thơ – khẳng định: “Điều dưỡng thực hiện các y lệnh của bác sĩ, trực tiếp chăm sóc người bệnh, hỗ trợ bác sĩ trong giáo dục sức khỏe, tư vấn, hướng dẫn người bệnh tuân thủ các nguyên tắc điều trị. Nhìn chung lực lượng điều dưỡng, kỹ thuật viên TC tại BV đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công”.

Gần 90% nhân lực trạm y tế là TC

Thời gian qua, lực lượng cán bộ, nhân viên y tế TC đã có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là ở các trạm y tế – gần 90% nhân lực có trình độ TC và sơ cấp.

Cụ thể, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ có 13 trạm y tế với 154 nhân sự, trong đó trình độ TC là 118 người, sơ cấp – 4. Mặc dù, nhiều năm qua, địa bàn này không có thai phụ nào tử vong khi sinh con, không xảy ra trường hợp tai biến nặng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thậm chí có 4 trạm y tế chưa có bác sĩ nhưng vẫn làm rất tốt nhiệm vụ chuyên môn và được bệnh nhân tin tưởng.

Nhiều lãnh đạo Sở Y tế khu vực ĐBSCL thừa nhận: Nếu không có lực lượng TC, các trạm y tế sẽ rất thiếu nhân lực. Vì hầu hết bác sĩ đào tạo chính quy không muốn công tác ở tuyến này, thu nhập thấp mà công việc đa dạng và vất vả…

BS.CKI Nguyễn Thị Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Q.Ninh Kiều – thừa nhận: “Chỉ những người trình độ TC mới chịu công tác ở TTYTDP và trạm y tế. Nhiều cơ sở y tế của quận thiếu bác sĩ, đã thông báo tuyển dụng nhiều lần nhưng không ai về. Để có nhân lực trình độ ĐH chúng tôi cử nhân viên TC học hệ chuyên tu. Hầu hết những y sĩ được chúng tôi cử đi học đều xin nghỉ sau khi tốt nghiệp bác sĩ, sau đó họ vào làm tại các BV…”.

Có thể thấy, trong điều kiện của Việt Nam, nhân lực y tế trình độ TC đã và đang đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt đáp ứng nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng khó khăn.

Đào tạo nhân viên y tế không thể nóng vội

Từ năm 2021, nhân viên y tế phải qua đào tạo từ 3 năm trở lên. Theo đó, để chuẩn hóa bắt buộc những người tốt nghiệp TC phải tiếp tục học lên CĐ, ĐH từ nay đến khi quy định này có hiệu lực.

Điều dưỡng CKI Lâm Hữu Đức – Điều dưỡng trưởng BVĐK Cần Thơ – cho biết: “BV đã xây dựng kế hoạch để các điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ TC học lên CĐ, đáp ứng chủ trương chuẩn hóa của ngành. Tuy nhiên, người đi học thì người ở nhà phải choàng gánh công việc nên việc đi học phải lần lượt, không thể cùng lúc. Chúng tôi sợ đến năm 2021 sẽ không kịp chuẩn hóa hết”…

Một vấn đề đặt ra là ngành y sĩ đa khoa không có bậc CĐ, muốn học lên chỉ có bậc ĐH là bác sĩ. Việc học này không thể áp dụng đại trà vì chỉ tiêu đào tạo bác sĩ hệ liên thông của các trường ĐH y dược không nhiều. Ngoài ra theo BS.CKI Hoàng Xuân Dũng – Giám đốc TTYTDP Q.Ninh Kiều – thì: “Đây là chủ trương tốt nhưng rất khó thực hiện đối với y tế cơ sở. Tuyến y tế cơ sở gần với cộng đồng, nếu đòi hỏi tất cả y sĩ phải trở thành bác sĩ thì tìm đâu nhân lực đủ cung ứng cho cộng đồng. Tôi cho rằng 5 năm tới (năm 2021) không thể nào đưa tất cả y sĩ học liên thông hay chuyên tu để thành bác sĩ. Ngoài ra không phải ai cũng đủ tố chất, khả năng để theo học được chương trình bác sĩ đa khoa. Bác Hồ đã nói, ngành y là một ngành đặc biệt, nên việc đào tạo cũng phải đặc biệt, đòi hỏi chất lượng cao. Nếu nóng vội thì chỉ làm theo hình thức để hợp thức hóa bằng cấp, không nâng cao chất lượng phục vụ, gây lãng phí chung cho xã hội, lãng phí tiền bạc và thời gian của người học”.

Sớm ban hành chương trình liên thông

Về phía các trường TC, bức xúc lớn nhất là thời điểm ban hành quy định không phù hợp, tác động đến thí sinh trong mùa tuyển sinh 2016, nhất là trong tình hình Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh, ngưỡng đầu vào hệ CĐ chỉ tốt nghiệp THPT.

Dược sĩ CKII Nguyễn Văn Ảnh – Phó Hiệu trưởng Trường TC Y dược Mê Kông – bức xúc: “Trước khi ban hành chủ trương này, Bộ Y tế cần khảo sát nhu cầu nhân lực từ các cơ sở y tế tuyến xã phường trở lên, để đánh giá vai trò của hệ TC có cần thiết cho xã hội không; rồi chất lượng đào tạo của các trường ra sao? Đồng thời, kết hợp với Bộ GD-ĐT có kế hoạch nâng cấp các trường TC trước, nghiên cứu thống nhất chương trình đào tạo phù hợp chuẩn quốc tế, sau đó mới ban hành chính sách. Theo tôi, nếu không có các trường đào tạo thì làm sao thực hiện được yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ nhân lực TC lên đến hàng chục triệu người”…

Bà Nguyễn Thị Xanh – Chủ tịch HĐQT Trường TC Phạm Ngọc Thạch, Cần Thơ – cho biết: “Trường đang tiến hành thủ tục xin nâng cấp lên CĐ. Từ tháng 1-2016, trường gửi nhiều công văn đến Bộ GD-ĐT đề nghị hướng dẫn những tiêu chí để nâng cấp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Để thực hiện chuẩn hóa, chúng tôi mong Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế ban hành khung chương trình cho liên thông TC lên CĐ để nhà trường thực hiện đào tạo đúng quy chuẩn”.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)