Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 73,6%). Thông tin này được đưa ra tại buổi tọa đàm về tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tại TP.HCM chiều 15-11.
Công nhân KCN Bình Đường, Bình Dương giờ tan ca. Ảnh: Q.Huy |
40 tỉnh, thành xảy ra đình công
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ, từ năm 2009 đến tháng 6-2016, đã xảy ra 3.614 cuộc ngừng việc tập thể và đình công tại 40 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung tại các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra nhiều ở các DN của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chuyên ngành nghề dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…
Nguyên nhân của các cuộc đình công là do tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, quyền lợi và do thái độ đối xử bất công, hà khắc của người sử dụng lao động (NSDLĐ). Phần lớn các cuộc đình công nhằm mục đích kinh tế, không mang màu sắc chính trị. Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công diễn ra từ một đến hai ngày với sự tham gia của khoảng 700 người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, một số cuộc đình công có hàng ngàn người tham gia trong thời gian dài. Điển hình là vụ đình công tại Công ty TNHH Sao Vàng (Hải Phòng); tại DN Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh)…
Đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP.HCM) cho biết, thời điểm xảy ra ngừng việc tập thể tập trung vào trước và sau Tết. Đây là thời điểm các DN thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu. Nguyên nhân xảy ra ngừng việc tập thể được xác định là do NSDLĐ chi trả tiền lương thấp, chỉ cao hơn lương tối thiểu một chút để tính nộp các khoản BHXH, BHYT. DN không xây dựng thang bảng lương, quy chế nâng lương, vi phạm trong đối thoại; NSDLĐ thiếu quan tâm chia sẻ với NLĐ, thiếu công khai minh bạch các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ… Về phía NLĐ, phần lớn xuất thân từ nông thôn, trình độ văn hóa thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến đình công và ngừng việc tập thể. Bên cạnh đó, bất đồng về ngôn ngữ nên NLĐ và NSDLĐ không đủ thông tin dẫn đến hiểu nhầm.
Đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP.HCM) cho biết, thời điểm xảy ra ngừng việc tập thể tập trung vào trước và sau Tết. Đây là thời điểm các DN thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu. |
Gần đây, một nhóm phần tử xấu lợi dụng lòng yêu nước của NLĐ đã kích động biểu tình đình công, đập phá máy móc, nhà xưởng của DN ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn lao động, ảnh hưởng môi trường đầu tư và sản xuất trong nước.
Công đoàn ngại tổ chức đình công
Ông Vũ Ngọc Hà (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Đồng Nai) cho biết, tất cả các vụ đình công đều không đúng trình tự pháp luật, mang tính tự phát và không do công đoàn tổ chức, lãnh đạo. Tại một số DN, công đoàn không dám đứng ra tổ chức đình công vì ngại những rắc rối liên quan đến pháp luật, đến công việc.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh cho biết, việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các DN vi phạm pháp luật về lao động, thuế BHXH, BHYT chưa thường xuyên do lực lượng tranh tra lao động quá ít. Một nguyên nhân nữa là DN ngoài Nhà nước chưa thành lập tổ chức công đoàn, một số DN có thành lập nhưng trình độ cán bộ công đoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Nhiều đại biểu cho rằng, không thể ngăn cản đình công mà từ thực tế các vụ đình công, các nhà làm luật nghiên cứu nguyên nhân, từ đó xây dựng hàng rào pháp luật vững chắc để hạn chế những tình huống xấu có thể xảy ra.
Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, nhằm đáp ứng yêu cầu của quan hệ lao động và quản lý Nhà nước trong điều kiện thị trường lao động hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa tại các KCX-KCN nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ.
Thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, đại diện các DN, ban quản lý KCX-KCN các tỉnh, thành cũng kiến nghị cơ quan công an nắm chắc các đối tượng trên địa bàn, phát hiện kịp thời những phần tử xấu kích động, dọa dẫm, lôi kéo đình công để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trần Anh
Bình luận (0)