Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Ngược dòng Đakrông săn Karmái

Tạp Chí Giáo Dục

Một ngày cùng anh Hồ Văn Tiến săn cá mát ở Acho
Hành trình của chúng tôi, dự định ban đầu chỉ là lần theo những lối mòn chênh vênh vách núi bên triền sông Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) để đến các bản làng vùng cao tìm hiểu đời sống văn hóa của bà con miền sơn cước. Nhưng khi ngược lên thượng nguồn Đakrông, chúng tôi phát hiện ra rằng, nếu bỏ qua thú săn Karmái (cá mát) – một đặc sản của sông Đakrông – thì coi như chưa biết đến nét văn hóa đặc sắc của bà con Bru Vân Kiều, Pa Cô nơi đây…
Thượng nguồn sông Đakrông được đồng bào Bru Vân Kiều gọi là Acho. Tầm vào cuối hạ, khi cái nắng nóng và những cơn gió Lào ráo riết thổi khiến cho mực nước trên các sông suối dọc dãy Trường Sơn cạn vơi đi, nơi đây trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những cuộc săn cá mát – một món ăn sang trọng của đồng bào dân tộc thiểu số mỗi dịp lễ hội hay đón khách quý…
1. Mùa này con nước ở thượng nguồn sông Đakrông không còn đầy ắp như mùa mưa. Nước cạn phơi ra đôi bờ những bãi đá qua bao ngày bị dòng nước bào mòn đẹp như tranh vẽ. Lòng sông bị thu hẹp. Những bóng cây rừng già in hình xuống dòng sông trong xanh, cùng với bóng người chân trần ngụp lặn dưới dòng nước gợi lên hình ảnh về thời thơ ấu xa xôi, hoài niệm. “Chờ chúng tôi với…”, tiếng gọi của chúng tôi rơi lạc dần giữa những âm thanh ầm ào của dòng nước xiết, chàng trai Pa Cô có nước da sạm màu đồng hun Hồ Văn Tiến vẫn phăm phăm tiến sâu vào phía thượng nguồn của dòng Đakrông. Ngót 20 năm ngụp lặn nơi thượng nguồn dòng sông này, những mẫu kí ức của Tiến về thời theo cha đi săn cá đãi khách thuở mới lên 10 như dòng nước cứ mải miết trôi về phía hạ nguồn. Nhìn mặt nước lặng yên, Tiến quyết định dừng chân ở khúc sông nơi có nhiều mô đá nhấp nhô, vài chỗ có vẻ hun hút sâu. “Chỗ ni phải có ít nhất vài chục chú cá mát”, Tiến buông lời chắc nịch rồi mang chài tiến ra sông. Sau 3 cú vung chài hết sức, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt chàng trai đi săn cá khi 5 chú cá nằm gọn trong lưới bật cong người cố thoát thân lần lượt được cho vào chiếc giỏ tre. Anh Tiến nói rằng, xưa theo cha không có lưới chài như bây giờ, chủ yếu là lặn xuống để mò bắt cá. Vốn là tay “sát cá” nên hồi ấy mỗi bữa ra sông anh tóm được ít nhất hơn chục chú cá mát tươi ngon đem về để dành đãi khách quý của gia đình hay dọn cỗ trong những ngày lễ hội quan trọng của dân bản. 
Người Vân Kiều, Pa Cô, dù nghèo hay no đủ thì bữa cơm đãi khách cũng không thể thiếu món cá mát bắt từ sông Đakrông.
2. Thú săn cá mát không chỉ để kiếm thêm thực phẩm cho bữa cơm gia đình hay mang ra chợ đổi vài lon gạo cho qua cơn đói ngày đông, mà săn cá mát còn như là một nét văn hóa không thể thiếu đối với bà con vùng cao này. Người Vân Kiều, Pa Cô, dù nghèo hay no đủ thì bữa cơm đãi khách cũng không thể thiếu món cá mát bắt từ sông Đakrông. Nó như một mặc định thể hiện sự tôn trọng và hiếu khách của bà con nơi đây. Cá mát ngoài các kiểu chế biến tươi như kho, rán thì đồng bào còn làm món cheo. Để minh chứng cho lời mình nói, anh Tiến sau buổi đi chài cá đã tự tay nấu bữa cơm chiều đãi khách. Mâm cơm dọn ra gồm 3 món: Canh chua đầu cá, cá kho và rau bí luộc. Kì lạ thay, rau bí ở đây không được chấm cùng bất kì một loại nước chấm nào như thường thấy mà được chấm cùng dăm bông. Vừa mệt, vừa đói, chúng tôi xì xụp ăn, thế nhưng trong lòng vẫn không ngớt phân vân “rau bí sao lại đi chấm dăm bông, món ăn nơi này quả có nhiều cái lạ”. Tan bữa, anh Tiến bắt đầu chia sẻ: “Món dăm bông mà các bạn vừa ăn chính là cheo cá mát, một món ăn để dành của người Pa Cô chúng tôi”. Vậy là, dù là người Bru Vân Kiều hay người Pa Cô nhưng nếu sinh sống dọc theo sông suối, gắn bó với núi rừng, họ đều lấy rau rừng, măng rừng, cá mát làm đặc sản. Và họ cũng có món cheo cá mát giống nhau. Anh Tiến phân tích thêm, cá mát sau khi bắt về sẽ được mổ bụng làm sạch ruột, rửa kỹ lớp rong rêu bám ngoài thân và mang cá, sau đó dùng các thanh tre đã được chẻ nhỏ, vót nhọn một đầu để xuyên cá thành từng xâu, mỗi xâu cá độ khoảng từ 5-10 con rồi treo trên giàn bếp (lúc nắng to thì phơi ngoài trời). Khoảng vài tuần sau, cá được hong trên bếp lửa đủ độ khô sẽ được đem xuống chế biến thành món cheo. Món cheo của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều khi nhìn vào gần giống như ruốc dăm bông được làm từ thịt heo của người Kinh, nhưng khi người ăn đưa vào lưỡi, chờ vài giây cho thấm dần nơi đầu lưỡi sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Nó không dai như ruốc dăm bông nhưng có vị ngọt nhiều hơn. Với những người rành chế biến, món cheo cá mát sẽ được thay đổi để có vị đậm đà và dễ ăn hơn. Món dăm bông cá mát có vị bùi ngọt của thịt cá, hương thơm của tiêu rừng và cay nồng của một ít muối giã nhuyễn với ớt khô.
3. Đêm, ẩn mình dưới làn sương mù đặc quánh của núi rừng, nhâm nhi món xôi vò nếp rẫy với cheo cá mát, chúng tôi nhớ tới lời già làng Vỗ Lang (73 tuổi) – một người con dân tộc Pa Cô ở xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) – từng có nhiều năm chinh chiến trên khắp chiến trường Bình Trị Thiên để giải phóng quê hương: “Món cheo cá mát của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô không chỉ là đặc sản dùng thết đãi khách quý mà còn là thực phẩm dự trữ giúp bộ đội vượt qua những tháng ngày băng rừng, lội suối giải phóng quê hương đấy!”.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Cá mát dần ít đi
Đã từ lâu, ngoài vẻ đẹp hùng vĩ, dòng Đakrông còn được thiên nhiên ban cho nhiều loại cá ngon và bổ dưỡng, nhất là loại cá mát. Loại cá này sinh sống nhiều nhất ở phía thượng nguồn của dòng sông bởi nước ở đây thường sạch và chảy xiết, phù hợp với đặc tính sinh trưởng và phát triển của loại cá sạch này. Mùa đánh bắt được nhiều cá mát nhất là vào các tháng 5 đến tháng 7 âm lịch hàng năm. Anh Tiến cho biết: “Những năm gần đây, do nước sông Đakrông bị ô nhiễm nên cá mát ít đi nhiều, mọi người lại hay rà điện nên cá không sinh sản được. Bây giờ chỉ ở vùng thượng nguồn này mới có cá mát, những nhánh sông khác không có nữa nhưng ngày nhiều lắm, tôi cũng chỉ đánh được khoảng 5 cân”. 
 
 

Bình luận (0)