Từ danh hiệu “chuông vàng vọng cổ” năm 2015, Nguyễn Thanh Toàn đã có những bước tiến vững chắc trên con đường nghệ thuật. Mới đây, anh lại đánh dấu cột mốc mới trong sự nghiệp khi hoàn thành đêm diễn báo cáo tốt nghiệp đạo diễn sân khấu với vở cải lương lịch sử Ngược dòng Tây Sơn.
Những lát cắt bi hùng
Thanh Toàn cho biết, ý tưởng thực hiện bài thi tốt nghiệp của mình phải là một vở diễn về lịch sử dân tộc, chỉ là phân vân giữa đề tài truyền thống cách mạng hay lịch sử dựng nước và giữ nước thời trung đại. Tìm kiếm kịch bản từ rất nhiều nguồn, tình cờ, Thanh Toàn tiếp xúc được với kịch bản Ngược dòng Tây Sơn (hay Bùi Thị Xuân) của Lê Nguyễn Trường Giang và bắt gặp sự đồng điệu.
Vở cải lương Ngược dòng Tây Sơn là lát cắt về triều đại bi hùng Tây Sơn
Tuy nhiên, xét khuôn khổ một bài thi tốt nghiệp thì có thể nói đây là quyết định khá mạo hiểm. Những năm qua, Lê Nguyễn Trường Giang nổi lên như gương mặt đa năng của sân khấu cải lương tuồng cổ, nhưng trong khi nhiều tác giả gạo cội còn e dè đề tài lịch sử thì liệu một cây bút trẻ chỉ đồng trang lứa với Thanh Toàn có đủ sức thuyết phục? Nhưng chính tư duy tươi mới và cả mạo hiểm của những người trẻ khi gặp nhau đã làm nên chuyện.
Vở diễn chọn được những lát cắt nhiều xung đột nhất để tạo nên các lớp diễn cao trào liên tiếp. Khán giả mới phấn khích xem Bùi Thị Xuân đả hổ, tao ngộ Trần Quang Diệu, tán thưởng chiến công thần tốc của quân Tây Sơn đại phá quân Thanh thì lại hồi hộp cho bước đường bôn đào của vua Cảnh Thịnh – vị vua cuối cùng của triều Tây Sơn – rồi phẫn uất lẫn đau xót trước kết cục bi thương của gia đình Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân.
Thành công mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc như thế phải kể đến sự lăn xả hết mình và tài hóa thân của nghệ sĩ. Lớp diễn mẹ con Bùi Thị Xuân giữa pháp trường của Nghệ sĩ ưu tú Tú Sương và nghệ sĩ Lê Thanh Thảo đã làm người xem nổi gai ốc và cả rơi nước mắt.
Có thể nói, Ngược dòng Tây Sơn là vở cải lương của những người trẻ. Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang, đạo diễn Nguyễn Thanh Toàn cùng các nghệ sĩ Tú Sương, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Hoàng Quốc Thanh, Trọng Hiếu… đều trẻ và đang bước vào độ chín của nghề nghiệp. Nhiều người hy vọng, vở diễn không chỉ dừng lại ở đêm báo cáo tốt nghiệp.
Dấu ấn mới của Thanh Toàn
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm chân ướt chân ráo từ Cà Mau lên TPHCM theo đuổi đam mê dưới ánh đèn sân khấu, nhiều lúc Thanh Toàn cũng mơ hồ, không dám tin mình đã đi xa được đến thế. Thanh Toàn tự nhận mình may mắn khi so với các bạn nghề đồng trang lứa, mình không có lợi thế gì, nếu không muốn nói là bất lợi về sắc vóc, dù anh đã đạt danh hiệu “Chuông vàng vọng cổ” 2015 – bước đệm giúp anh tự tin hơn, mở ra nhiều cơ hội làm nghề hơn.
"Tân" đạo diễn Thanh Toàn
Thế nhưng, đến nay, Thanh Toàn là một trong những nghệ sĩ trẻ có bề dày thành tích đáng nể khi gần như gặt hái đầy đủ các giải thưởng mà người nghệ sĩ cải lương hướng đến. Có người cho rằng, thành công của Thanh Toàn đến từ việc chọn “đường hẹp” ít người đi khi chọn sở trường là vai lão. Chỉ riêng Thanh Toàn biết mình đã phải nỗ lực rèn luyện ra sao. Anh nói: “Tôi luôn biết mình là ai. Chắc chắn tôi không phải là ngôi sao sân khấu. Tôi chỉ là một diễn viên bình thường chăm chỉ và kỹ tính trong mỗi việc mình làm”.
Thanh Toàn có thói quen đọc rất kỹ kịch bản, không chỉ vai của mình mà nghiên cứu tất cả các vai diễn để tìm mối dây liên hệ trong tổng thể kịch bản. Phải hiểu và lý giải hợp lý các mối quan hệ xoay quanh nhân vật mình sẽ đảm nhận thì mới nhận vai.
Những năm qua, anh cũng mày mò tự học viết bài ca cổ, tập sáng tác. Như kịch bản gốc Ngược dòng Tây Sơn rất dài, nhiều nhân vật, anh phải bố cục lại, điều chỉnh mảng miếng cũng như viết lại một số bài bản cải lương cho phù hợp thời lượng và tính chất một vở diễn báo cáo tốt nghiệp.
Sau buổi thi tốt nghiệp, Thanh Toàn vẫn đang thăm dò ý kiến của nhiều người cũng như phản ứng của khán giả để có dự định tiếp theo cho Ngược dòng Tây Sơn.
Theo Ninh Lộc/PNO
Bình luận (0)