Nằm ở độ cao 1700m so với mặt biển, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) được ví như một địa danh “Sa Pa thứ hai”. Nơi đây, quanh năm sương phủ giăng giăng và mưa phùn rét giá, gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại của nhân dân. Sự học nhiều nhọc nhằn, vất vả nhưng… học sinh lại không nghỉ học!
…Bỏ lại những “con ngựa sắt” ở phía sau, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình “cuốc bộ” vất vả để đến với Ngọc Lây. Vượt qua những con dốc lầy lội, trơn như mỡ, mãi đến quá trưa, chúng tôi mới đến được trụ sở UBND xã toạ lạc trên một quả đồi cao lộng gió, vẳng đâu đây tiếng ê a đọc bài của con trẻ… Đã là mùa xuân, nhưng thời tiết trên đỉnh Ngọc Lây vẫn khắc nghiệt như ngày đông tháng giá, vẫn những cơn mưa phùn ẩm ướt và cái lạnh mơn man như thấm vào từng thớ thịt.
Ngọc Lây là một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum có 297 hộ đồng bào là người Xê Đăng với 1.327 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề thuần nông và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước kia, Ngọc Lây chính là Khu ATK của căn cứ cách mạng tỉnh Kon Tum, những năm tháng chiến tranh dù đói cơm, lạt muối nhưng đồng bào Xê Đăng ở đây vẫn một lòng, một dạ đi theo Đảng, Bác Hồ, nuôi giấu và che chở cán bộ, bộ đội cho đến ngày cách mạng toàn thắng, non sông thu về một mối. Người Xê Đăng ở Ngọc Lây chính vì vậy đã kế thừa được truyền thống anh dũng, bất khuất của các thế hệ cách mạng cha anh đi trước. Dù ở trong hoàn cảnh gian nan nào, thử thách nào họ cũng biết chịu đựng gian khổ và khắc phục khó khăn vươn lên để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã A Len cho biết: “Trước kia, do thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến việc gieo trồng của nhân dân, thêm vào đó là những đợt rét đậm, rét hại trâu bò chết khá nhiều nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng có nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nghèo, không đủ ăn, không đủ ấm. Những năm gần đây, nhiều chương trình, chính sách kịp thời và hợp lòng dân của tỉnh nên số hộ nghèo đã giảm đáng kể.”Quả thật vậy, nhiều năm qua xã Ngọc Lây cùng với nhiều xã đặc biệt khó khăn khác, đã được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ Kon Tum. Tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành giúp đỡ xã tiến hành khảo sát, lập kế hoạch để giúp tỉnh có hướng đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực về xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, văn hoá xã hội và phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các chương trình 135, 134, 158…đã triển khai rộng khắp với những công trình như nhà ở, nước sạch, trường học, trạm xá, nhà vệ sinh…mà gần đây nhất là con đường Nam Quảng Nam nối với Ngọc Lây đã được khởi công sắp sửa hoàn thành trong nay mai, sẽ biến Ngọc Lây thành “cửa ngõ” quan trọng trong việc nối liền Đăk Tô- Tân Cảnh với tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm được triển khai đồng bộ và quyết liệt với nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật nông lâm nghiệp của Dự án giảm nghèo miền Trung như: mô hình trồng cà phê Catimor, mô hình vườn thâm canh sinh học, mô hình nuôi trâu sinh sản, mô hình nuôi thỏ lấy thịt; nuôi cá, mô hình thâm canh lúa nước…kèm theo đó là các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con, để bà con nắm được kỹ năng của việc áp dụng các thực tiễn khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã mang lại những hiệu quả đáng khích lệ.
Điều đáng ghi nhận là nhờ những chương trình khuyến nông, khuyến lâm nên trong năm 2008 xã Ngọc Lây đã tiến hành giao 1.975 ha diện tích đất rừng cho 79 hộ gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ, giảm đáng kể việc phá rừng làm rẫy và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Song song, diện tích trồng cây lúa nước cũng được chú trọng mở rộng với trên 148 ha, riêng năm 2008 đạt sản lượng trên 391 tấn. Ngoài ra, các loại cây trồng như bắp cao sản, mì cao sản, dong riềng và các loại cây rau, đậu khác…đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Điều đặc biệt là các em học sinh ở Ngọc Lây rất hiếu học, với một xã có con số nhân khẩu khiêm tốn nhưng toàn xã đã có 575 em theo học ở cả 3 bậc: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Hàng năm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, chưa có trường hợp nào bỏ học giữa chừng. Mặc dù ở đây khí hậu khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn nhưng các em rất tự giác trong việc đi học. Có nhiều em phải lặn lội nhiều quãng đường xa xôi, lầy lội, đội mưa gió đến trường. Có em áo mặc chưa đủ ấm, cơm ăn chưa đủ no nhưng vẫn cần mẫn đến trường như con ong chăm chỉ trong cái lạnh tê tái…Hàng đêm về nhà trước khi ngồi vào góc học tập tự học ở nhà, bên ánh lửa xà nu bập bùng (Ngọc Lây còn 4 làng chưa có điện lưới), các em học sinh nhỏ bé ấy còn phải giúp mẹ giã gạo, gọt sắn…để chuẩn bị cho bữa ăn thường nhật ngày hôm sau, như một quy tắc muôn đời giữa đại ngàn mênh mông.
Em Y Thảo, một học sinh ở làng Măng Rương II hồn nhiên kể: “ Mặc khí hậu ở đây khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn nhưng chúng em vẫn rất thích đến trường để học, vì chúng em muốn sau này đem cái chữ về để phục vụ lại cho đồng bào mình. Em mong muốn sau này học thật giỏi để làm bác sĩ, chữa bệnh cho bà con trong thôn, làng…” Một thuận lợi cho sự học ở đây là, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã cùng ý thức cộng đồng trong việc chung tay xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp và giúp đỡ nhau để cùng học tập là sự tận tâm, hy sinh, hết lòng phục vụ nhân dân của các thầy cô giáo. Vượt qua mọi khó khăn họ đã có mặt nơi đây để truyền đạt từng con chữ, kiến thức cho các em học sinh mà không đòi hỏi bất cứ một ưu đãi nào về cho bản thân ngoài những đồng lương còm cõi. Sự hy sinh âm thầm của họ như một ánh đuốc toả sáng cho các em học sinh noi theo như lời tri ân đối với thầy cô giáo. Ngoài việc dạy chữ, các thầy cô giáo còn “kiêm nhiệm” cả nhiệm vụ “làm chị, làm mẹ” cho các em. Các cô giáo trẻ còn phải thường xuyên cắt móng tay, cắt tóc, dạy các em biết cách phòng chống dịch bệnh và giữ vệ sinh, phòng chống các bệnh nhiễm lạnh… Cô giáo trẻ Hoàng Thị Oanh tâm sự: “Em mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum được hai năm thì được phân công lên đây dạy học. Ban đầu lên đây, em nhớ nhà và chán nản lắm, cứ muốn bỏ về muốn ra sao thì ra. Nhưng ở được vài tháng, em đã thấy quen dần với khí hậu và thích nơi này, vì bên cạnh có các em học sinh dễ mến, hiếu học và ngoan lắm. Hiện nay, lâu lâu em mới về thị xã Kon Tum một lần, vì đường sá khó đi vả lại ở lại còn có điều kiện kèm cặp các em trong những ngày nghỉ, bổ ích hơn…”
Chia tay với Ngọc Lây khi nắng chiều vừa hửng, con đường trở về đã dễ dàng hơn. Từ trên đỉnh núi cao, chúng tôi nhìn về phía dưới, nơi đó con đường Nam Quảng Nam như hai con rắn khổng lồ đang trườn về phía trước. Chẳng bao lâu nữa, đoạn chắn của hai phần thi công sẽ gặp nhau, con đường sẽ được khai thông và một tiềm năng rộng mở cho Ngọc Lây đang chờ phía trước như con đường vươn mãi tới tương lai.
Dương Đức Nhuận (GD&TĐ)
Bình luận (0)