Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Người anh hùng của ruộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tháng 12-2013, “nhà nông học” – kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng – đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Trước đó, ông đã được tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và nhiều năm liền đoạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp quốc gia. Đó là những phần thưởng xứng đáng của Đảng, Nhà nước dành cho một người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn thành công các loại giống cây lương thực, nhất là giống lúa thơm mang thương hiệu ST nổi tiếng, phục vụ cho nền nông nghiệp nước nhà.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát (bìa trái) thăm cánh đồng mẫu lớn trồng giống lúa ST do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu.

Đam mê cháy bỏng
Phải lỡ hẹn nhiều lần tôi mới gặp được kỹ sư Hồ Quang Cua. Ông tiếp tôi tại “trang trại” vườn me, ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (tên cũ là Bãi Xàu), huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Mảnh đất hơn 1ha này, trước đây trồng mấy trăm gốc me (lai tạo giống Thái Lan nhưng ngọt và giòn hơn); bây giờ phần lớn đã bị chặt đi; thay vào đó là một kho chứa vài chục tấn giống lúa thơm ST và một ngôi nhà xây hơn 100m2 làm “trung tâm” nghiên cứu. Vào trung tâm này thấy rất đơn giản, chỉ với 10 nồi cơm điện (nấu cơm để so sánh mùi thơm), một cối chà lúa đơn sơ (có giá 10 triệu đồng), 200 cái ống nghiệm và một ít hóa chất. Vậy mà nơi đây đã cho ra đời hàng chục loại lúa thơm mang thương hiệu ST nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn ra nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Để có được những thành công như hôm nay, kỹ sư Hồ Quang Cua đã trải qua những năm tháng dấn thân với nghề. Năm 1978, sinh viên Hồ Quang Cua tốt nghiệp môn trồng trọt, Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ về công tác tại Phòng Nông nghiệp, huyện Mỹ Xuyên. Tại đây, ông có rất nhiều sáng kiến trong kỹ thuật canh tác bắp, đậu xanh, đậu nành, dừa… vừa cho năng suất cao vừa ngon, ngọt và bùi hơn; lại phù hợp với vùng đất Bãi Xàu và những huyện lân cận. Với sức trẻ và nhiệt tình cống hiến, năm 1990, kỹ sư Hồ Quang Cua được đề bạt làm Trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Năm 1991, hai năm sau khi nước ta xuất khẩu gạo, các nhà khoa học hàng đầu ở Viện Lúa ĐBSCL và Trường ĐH Cần Thơ đưa lúa thơm ra trồng khảo nghiệm. Kỹ sư Hồ Quang Cua là một ưu tiên được chọn cộng tác. Khát vọng phục hồi cây lúa thơm của vùng đất Bãi Xàu (vốn nổi tiếng ở Hồng Công từ bảy, tám thập niên trước) ấp ủ trong lòng ông từ bấy lâu nay đã được nhen nhóm. Hơn nữa, tác động của Thái Lan, một nước cùng vĩ tuyến với ta đã mạnh dạn phục tráng giống cũ; đầu tư lai tạo giống mới, họ đã xuất khẩu bình quân 1,2 triệu tấn gạo thơm, thu về trên 1 tỷ USD/năm.
Năm 1993, kỹ sư Hồ Quang Cua được điều động về làm Trưởng ngành giống thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng. Thuận lợi ấy có vẻ đã giúp ông thực hiện ước muốn của mình. Nghĩ là vậy, nhưng khi lao vào thực tiễn mới thấy không ít khó khăn, bởi một số ý kiến phản bác. Thế nhưng, cho rằng: nếu chương trình nghiên cứu thành công sẽ giải tỏa và giải quyết được 3 vấn đề lớn. Về học thuật, lúa thơm tạo ra bằng phương pháp gây đột biến hoặc lai tạo hay không? Giải quyết được vấn đề đầu tiên này sẽ tạo niềm hứng khởi cho các nhà khoa học, nhất là giới trẻ, không còn những suy nghĩ lệch lạc, tập trung đầu tư cho nghiên cứu lúa thơm. Kinh nghiệm ở Thái Lan cho thấy: giống là khâu giải quyết bế tắc. Vấn đề thứ hai, giải tỏa được tư duy cũ là khâu an ninh lương thực. Nước ta đã có lương thực xuất khẩu; khoa học tiến bộ, kinh tế phát triển, giống lúa cổ truyền đã dần mai một vì những khiếm khuyết của nó; thì lai tạo giống mới có chất lượng thơm ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu là một thực tế không thể bàn cãi. Thứ ba là cây lúa thơm mới dễ tính, năng suất, chất lượng, giá cả cao sẽ là một lời giải cho phát triển nông thôn mới sau này. Những suy nghĩ ấy của ông đã dần được giải tỏa bởi sự ủng hộ mạnh mẽ của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thanh Bình lúc bấy giờ, cùng các nhà khoa học hàng đầu như GS-TS Võ Tòng Xuân, GS Nguyễn Văn Luật, PGS Bùi Bá Bổng… Điều quan trọng hơn nữa là một bộ phận nông dân tiên tiến đã mạnh dạn chấp nhận cái mới, cùng ông chia sẻ rủi ro trên cánh đồng của họ. Nghiên cứu trong tình hình kinh phí hạn hẹp, ông phải nhờ đến người em ruột của mình (TS Hồ Quốc Lực – người chuyên nghiên cứu và kinh doanh rất thành công trong ngành thủy sản), san sẻ. TS Hồ Quốc Lực cũng là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Tiêu chí đầu tiên của kỹ sư Hồ Quang Cua là phải phát triển “đầu dòng” nhanh nhất. Vì vậy, giống mới sưu tập về được ông chọn lọc, lai tạo và ươm từng hạt riêng rẽ trên nền đất liếp tốt nhất. Ông đã chế ra một dụng cụ cùng lúc có thể xom trên đất liếp tơi xốp, bằng phẳng trên 100 lỗ. Vì vậy, tỷ suất nhân giống đạt được là 1.000 lần trong vụ đầu tiên. Khi gieo thưa trên nền đất rẫy, mỗi hạt lúa nở ra 5 – 6 nhánh và đem số lượng này đi cấy. Đến khi thu hoạch, mỗi bụi lúa đã được 14 – 15 bông. Tức là 1kg lúa giống ban đầu đến cuối vụ sẽ có 1.000kg. Trong sưu tập cũng như trong lai tạo, chỉ những giống nào phù hợp tiêu chuẩn (Thái Lan lúc đó), ông mới phổ biến và đặt tên là ST. Kỹ sư Hồ Quang Cua giải thích: “Trong các tiêu chí nghiên cứu lúa thơm, mùi thơm là một yếu tố luôn liên kết với tính mềm cơm; mà yêu cầu sản phẩm thì cần có cả hai. Để có được giống ST5, tôi và các cộng sự đã phải sử dụng một khối lượng công việc đồ sộ là phân tích 7.500 dòng lúa để chọn ra 375 cá thể”… Với sự kiên trì, nhẫn nại, miệt mài nghiên cứu đã mang lại sự thành công cho kỹ sư Hồ Quang Cua.
Từ sâu thẳm trái tim
Kỹ sư Hồ Quang Cua về hưu đã 1 năm, 8 tháng nhưng xem ra công việc còn đa đoan hơn khi đương chức (Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng). Bây giờ, trông ông gầy và đen hơn nhiều. Ông phân bua: “Nơi này, nơi kia mời hội họp, hội thảo; tiếp khách các địa phương, Trung ương và quốc tế tới thăm, tìm hiểu và mời hợp tác làm ăn. Nhưng phần lớn thời gian tôi cùng các cộng sự dành cho nghiên cứu, chọn tạo giống mới; xuống cơ sở cùng lội ruộng với nông dân”. Chính tôi cũng đã nhiều lần theo ông lội ruộng với nông dân ở Tài Văn (nơi ông cắm cây lúa thơm ST đầu tiên), Viên An, Viên Bình, Ngọc Tố, Ngọc Đông, Gia Hòa, Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên… Bà con vùng Tài Văn, Viên An, Viên Bình phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer. Thấy ông xuống là họ mừng như trúng số, xúm lại hỏi han. Ông cùng họ lội hết đám ruộng này tới đám ruộng khác để khảo nghiệm.
Cách nay ít năm, kỹ sư Hồ Quang Cua mượn chiếc vỏ lãi của ông già vợ vào thăm những cánh đồng tôm – lúa của 6 xã vùng kháng chiến cũ. Vỏ lãi chạy đến Hòa Tú thì hư chân vịt. Đang loay hoay chưa biết tính sao thì trên bờ, một lão nông nói vọng xuống: Phải kỹ sư Hồ Quang Cua không? Lên trên này nhậu lai rai vài xị chơi; rồi tôi tháo chân vịt của nhà lắp vô cho ông đi. Tấm lòng của những người nông dân mộc mạc, chân quê đối với một trí thức gần gũi với họ như ông, chắc không cần bình luận. Anh Trương Hoàng Khai, 36 tuổi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tú anh hùng, kể: “Hơn chục năm trước, phong trào nuôi tôm sú nở rộ, nhiều gia đình phá lúa, đào ruộng nuôi tôm. Trúng 1-2 vụ rồi tôm thất liên miên; hàng ngàn gia đình thiếu nợ ngân hàng, không còn vốn làm ăn, nghèo đói bủa vây. Kỹ sư Hồ Quang Cua đến, chỉ cho nông dân cách trồng lúa ST trên vuông tôm… Bây giờ những cánh đồng lúa ST chịu mặn bạt ngàn, rộng hàng ngàn hécta trên vuông tôm mà kỹ sư Hồ Quang Cua nhân rộng từ Ngọc Tố, Ngọc Đông sang Gia Hòa, Hòa Tú… đã cứu vãn biết bao gia đình thất tôm, trúng lúa thoát cảnh đói nghèo và làm giàu”… Tôi về lại Viên An, Viên Bình sau rằm tháng Giêng năm Ất Mùi. Mới có mấy năm mà cảnh vật đổi khác đến không ngờ. Con đường làng từ tỉnh lộ 8 vào tới chùa Lao Dên dài hơn 5km đã được trải nhựa; xe máy chạy rợp. Hai bên đường, nhà tường san sát… Chánh điện chùa Lao Dên mới được tôn tạo rất đẹp. Trước cổng chùa, người ta đặt một bảng vàng danh dự (bảng công đức) để tôn vinh những người có công đóng góp xây dựng chùa. Người đứng tên đầu bảng ấy là kỹ sư Hồ Quang Cua. Ông không góp tiền nhưng công lao của ông làm giàu cho người dân xứ này là quá lớn. Tôi gặp lại những người quen cũ. Họ là những nông dân một nắng, hai sương; bây giờ đều là “kỹ thuật viên” của kỹ sư Hồ Quang Cua. Ông Lâm Nhum, 50 tuổi, làm lúa thơm ST từ khi còn là Đại đức chùa Lao Dên, tính ra đã hơn 20 năm (lúc kỹ sư Hồ Quang Cua mới đưa giống lúa thơm ST xuống đây trồng khảo nghiệm). Trước đây, ông làm giàu cho nhà chùa cũng là lúa thơm ST. Xuất tu, có vợ con, ông làm kỹ thuật viên cho kỹ sư Hồ Quang Cua và trồng lúa thơm ST nuôi con. Mấy năm nay, ông trúng lúa thơm ST20, ST23 thu lợi nhuận khá. Những người làm lúa thơm ST đạt năng suất tới 10 tấn/ha/vụ ở vùng này không hiếm.
Kỹ sư Hồ Quang Cua đã định hướng chuyển tư duy của người trồng lúa từ số lượng sang chất lượng. Đó cũng là đòi hỏi của thực tế thị trường hiện nay. Mỗi năm Sóc Trăng phát triển 30.000ha lúa thơm từ các giống ST; và cũng ngần ấy hécta từ các tỉnh ven biển trong khu vực. Với giá trị xuất khẩu từ 800 đền gần 1.000 USD/tấn; mức lợi nhuận vượt trội so với nhiều giống lúa cao sản thường; lại dễ tiêu thụ, làm ra tới đâu bán hết tới đó. Gạo thơm ST đang có chỗ đứng vững vàng trên thương trường nội địa và quốc tế. Những cánh đồng mẫu lớn bạt ngàn lúa thơm ST đang xuất hiện ngày càng nhiều trên vùng đất Sóc Trăng và các tỉnh ven biển ĐBSCL. 15 năm qua, chỉ riêng Sóc Trăng, lúa thơm ST đã đem lại mức lợi nhuận tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng; giúp hàng vạn gia đình nông dân làm giàu, thoát nghèo, góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Nhưng “cha đẻ” của giống lúa thơm ST – kỹ sư Hồ Quang Cua còn muốn nhiều hơn thế. Trong thâm tâm, ông luôn hướng về cái kết đẹp cho nông dân, cho đời và cho xã hội phồn vinh!.

LÊ BÌNH

(SGGP)

Bình luận (0)